Đồng Tháp: Gia hạn, cấp mới loạt giấy phép khai thác cát không đúng quy định

Thứ Năm, 24/08/2023, 16:56

Kết quả thanh tra chỉ rõ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn khai thác 12 giấy phép hết hạn sau ngày 1/7/2011 là không đúng quy định; cấp mới 7 giấy phép khai thác cát chưa đúng quy định.

Ngày 24/8, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh phía Nam cung cấp cho Dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Qua kiểm tra và theo báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp, tỉnh không cấp phép khai thác khoáng sản cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu. Cát phục vụ san lấp tại dự án là do đơn vị thi công tự hợp đồng với đơn vị trung gian cung cấp và vận chuyển cát cho dự án.

UBND tỉnh Đồng Tháp và các ngành có liên quan đã chỉ đạo, cung cấp thông tin để đơn vị tư vấn khảo sát xây dựng, xác định nguồn vật liệu san lấp trong quá trình lập hồ sơ thiết kế, dự toán; tạo điều kiện để nhà thầu hợp đồng cung cấp vật liệu san lấp cho Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu kịp thời, đảm bảo tiến độ dự án.

Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Tháp đã cấp gia hạn khai thác 12 giấy phép (với diện tích hơn 753 ha, trữ lượng hơn 25 triệu m3) hết hạn sau ngày 1/7/2011 (Luật Khoáng sản có hiệu lực thi hành) là không đúng quy định. UBND tỉnh Đồng Tháp cấp mới 7 giấy phép khai thác cát (với diện tích hơn 273 ha, trữ lượng hơn 14 triệu m3 qua hình thức lựa chọn) thuộc khu vực khoanh định không đấu giá nhưng chỉ xác định ưu tiên cung ứng cát cho công trình trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình sử dụng vốn đầu tư công theo đề nghị của cơ quan chức năng, dẫn đến đơn vị khai thác cát cung cấp cát ra thị trường là chưa đúng quy định.

Đồng Tháp gia hạn, cấp mới loạt giấy phép khai thác cát không đúng quy định -0
Công an tỉnh Đồng Tháp phát hiện phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền, đoạn giáp ranh với tỉnh An Giang.

Nguyên nhân chủ yếu của vi phạm trên là do việc áp dụng quy định pháp luật của UBND tỉnh Đồng Tháp và Sở Tài nguyên và Môi trường chưa chính xác, trong đó có nguyên nhân khách quan. Việc cấp và gia hạn giấy phép khai thác cát không đúng đã dẫn đến một khối lượng lớn cát được khai thác và cung ứng ra thị trường.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xem xét xử lý phù hợp đối với các tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm. Qua quá trình kiểm tra, xử lý nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển Cơ quan CSĐT xem xét theo thẩm quyền.

Rà soát các giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp và gia hạn; xem xét thu hồi các giấy phép còn hiệu lực hoạt động (ngoại trừ các giấy phép cấp qua đấu giá hoặc được xác định cung cấp cho các công trình theo quy định) hoặc điều chỉnh giấy phép (nếu đủ điều kiện) nhằm đảm bảo cung cấp cho các công trình theo quy định.

Thiếu hụt trầm trọng nguồn cát cung ứng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau

Ban Quản lý Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) vừa có báo cáo tình hình triển khai thực hiện Dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và đoạn Hậu Giang – Cà Mau (thuộc dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam, phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025).

Cụ thể, dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang dài hơn 37km qua TP Cần Thơ (0,6km) và qua tỉnh Hậu Giang (37km), có mức đầu tư 10.370 tỷ đồng. Dự án chính thức khởi công đầu năm 2023, đến nay địa phương đã bàn giao 37,09/37,65km tuyến cao tốc, đạt 99% công tác giải phóng mặt bằng. Sau gần 8 tháng thi công, đến nay lũy kế sản lượng chỉ đạt 8,72% hợp đồng, chậm 5,6% so với tiến độ.

Các địa phương đã bố trí cung ứng 1,471 triệu m3 cát cho dự án. Trong đó, An Giang đã bố trí 1,1 triệu m3 từ các mỏ Tân Lê Quang, Vạn Hưng Tùng, Trung Hậu – Tổng 68 và Hải Toàn. Tuy nhiên đến nay, nhà thầu chỉ ký hợp đồng được 2/4 mỏ cát và lấy cát được 110.000 m3 thì tạm dừng do giấy phép bị thu hồi hoặc thủ tục mở mỏ chưa hoàn thành. Tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở Tài nguyên môi trường rà soát để tham mưu cấp thêm 2,2 triệu m3 cát cho dự án để đảm bảo đủ 3,3 triệu m3 trong năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, nhà thầu đã tiếp nhận xong 0,371 triệu m3 từ nguồn tăng công suất và tỉnh đã có văn bản giới thiệu 6 mỏ mới với trữ lượng dự kiến khoảng 6,629 triệu m3. Tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Xây dựng Lắp máy Trung Nam được thỏa thuận kế thừa tài liệu thăm dò của Công ty CP Xây dựng Đèo Cả, lập thủ tục khai thác tiếp theo để phục vụ dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau.  

Theo Ban Quản lý Mỹ Thuận, nhu cầu cát đắp nền đường cho dự án là rất lớn, trong khi đó việc thực hiện thủ tục mở các mỏ cát mới rất là chậm, khó đáp ứng được yêu cầu, tiến độ của dự án. Dự án còn vướng mặt bằng thi công, cụ thể các vị trí thi công bệ mố trụ tại kênh rạch, đường giao thông, nhiều vị trí chưa hoàn thành đền bù hoặc chờ bố trí tái định cư…

Văn Vĩnh

.
.
.