Độc đáo lễ hội đầu Xuân của đồng bào vùng cao A Lưới

Thứ Tư, 07/02/2024, 09:52

Vào dịp đầu Xuân mới, đồng bào các dân tộc người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế) tổ chức những lễ hội truyền thống theo phong tục địa phương. Các lễ hội tái hiện sinh động phong tục tập quán trong đời sống, lao động sản xuất của người dân, thể hiện bản sắc văn hóa và tinh thần đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Từ Aza Koonh đến Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nói đến lễ hội của đồng bào các dân tộc ở vùng miền núi phía Tây tỉnh Thừa Thiên Huế, nếu không nhắc đến Aza Koonh sẽ thiếu sót khi đây được xem là một trong những lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Pa Cô. Lễ hội này được đồng bào dân tộc Pa Cô ở huyện A Lưới xem là lễ hội truyền thống, là dịp Tết cổ truyền để “tiễn năm cũ, đón năm mới”.

Đến với vùng cao A Lưới những ngày này, chúng tôi bắt gặp không khí hối hả, tấp nập, nhộn nhịp ở các bản làng khi người dân đang chuẩn bị cho lễ hội Aza Koonh. Già làng Hồ Văn Xếp (ở thôn 5, xã Hồng Kim, huyện A Lưới) cho biết, nhiều năm trở về trước, Aza Koonh từng có thời gian bị mai một thì thời gian gần đây, người Pa Cô ở Hồng Kim nói riêng và toàn huyện vùng cao A Lưới nói chung đã chung sức để “hồi sinh” lễ hội truyền thống này.

Trang 17: Độc đáo lễ hội đầu Xuân của đồng bào vùng cao A Lưới -0
Trong ngày hội Aza, người dân thể hiện lòng thành kính biết ơn đến các vị thần linh, biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ cây lúa đã nuôi dưỡng lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Theo già làng Hồ Văn Xếp, lễ hội Aza Koonh thường được tổ chức từ 3 đến 5 năm một lần; còn lễ hội Aza diễn ra hàng năm nên cứ đến ngày hội, con cháu đồng bào Pa Cô làm ăn khắp mọi miền đất nước đều trở về quê hương để cùng tham dự. Lễ hội Aza Koonh của người Pa Cô gồm có phần lễ và phần hội. Trong đó phần lễ sẽ tái hiện đầy đủ các nghi lễ truyền thống như lễ tẩy rửa, lễ xua đuổi các linh hồn dữ, lễ chuẩn bị, lễ mời mẹ lúa, lễ cúng các vị giống cây trồng, lễ cúng cho Giàng xứ, lễ cúng Giàng Pa nuôn, lễ ăn cơm mới, lễ giao mâm cỗ và nghi lễ tiễn khách.

Các già làng ở Hồng Kim còn cho biết, trong các nghi lễ, lễ cúng Giàng luôn được người dân xem trọng và các lễ vật kèm theo nghi lễ được chuẩn bị đầy đủ và trang trọng. Khi phần lễ kết thúc, người dân sẽ tổ chức phần hội để đón Tết Aza Koonh. Những chàng trai, cô gái Pa Cô sẽ cùng nâng những ly rượu đầy để chúc mừng nhau sức khỏe dồi dào, một vụ mùa bội thu. Họ cùng nắm chặt tay nhau và hát những ca khúc, nhảy những điệu múa truyền thống của dân tộc mình.

Theo bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới, nếu người Tà Ôi (A Lưới) có dệt dèng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì đồng bào Pa Cô ở địa phương cũng vinh dự và tự hào khi lễ hội Aza Koonh đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào cuối năm 2019. Đặc biệt từ nhiều năm trước, khi tổ chức lễ hội này, người dân đã bỏ đi tục lệ đâm trâu và thay bằng các nghi thức không kém phần hấp dẫn. Những năm qua, được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới, các xã Hồng Kim, Hồng Trung, Hồng Vân… đã mở nhiều lớp dạy dân ca, dân vũ và nhạc cụ truyền thống cho người Pa Cô. Thông qua các lớp học này, các nghệ nhân và già làng ở địa phương sẽ truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ, cách sử dụng cồng chiêng và nhạc cụ như khèn, tù và, trống đến thế hệ trẻ. Nhờ thế nên ngày càng có nhiều con em Pa Cô sử dụng thành thạo nhạc cụ truyền thống, hát được những bài hát của dân tộc mình để cùng tham gia vào lễ hội Aza Koonh tại địa phương.

Thắm tình đoàn kết qua lễ hội đầu Xuân

Những ngày đầu Xuân mới Giáp Thìn, hai bên tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện A Lưới trở nên rực rỡ khi có nhiều loài hoa khoe sắc, những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió báo hiệu một năm mới với nhiều thắng lợi mới đến với đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện vùng cao nơi đây.

Tìm hiểu, PV Báo CAND được biết, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện A Lưới cùng với nhân dân địa phương đã và đang nỗ lực thực hiện dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Do đó, huyện A Lưới đặc biệt quan tâm bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu… gắn với phát triển du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Trang 17: Độc đáo lễ hội đầu Xuân của đồng bào vùng cao A Lưới -0
Một số lễ vật đặc trưng không thể thiếu được đặt trước nhà cộng đồng.

Vào dịp đầu Xuân mới, UBND huyện A Lưới còn tổ chức phiên chợ vùng cao, qua đó tái hiện nhiều lễ hội độc đáo. Lễ cưới truyền thống của dân tộc Pa Cô là một trong số chương trình thu hút đông đảo du khách và người dân tham dự. Các già làng người Pa Cô cho rằng, khi con trai, con gái dân tộc Pa Cô đến tuổi dựng vợ, gả chồng, cha mẹ, anh em trong họ tộc bắt đầu chuẩn bị các lễ vật truyền thống. Đối với con trai cần có tiền, vàng bạc, cườm, bò, heo; con gái cần các lễ vật như dèng, chiếu, gạo đặc sản và các loại, gà, vịt, cá. Riêng về số lượng, trọng lượng tùy theo điều kiện của mỗi gia đình. Với truyền thống từ xa xưa, con trai hay con gái sau thời gian tìm hiểu yêu đương và quyết định tiến tới hôn nhân phải có trách nhiệm làm lễ báo cáo cho hai bên gia đình. Theo phong tục, người Pa Cô tổ chức lễ cưới theo 2 bước, trong đó “Pôôc đooq” là đám cưới tại nhà trai và “Pa liah, a leq kâr mai” là đám cưới nhà gái. Ngày nay người Pa Cô không còn hủ tục thách cưới như ngày xưa, nhưng riêng lễ vật liên quan đến phong tục cưới thì nhà trai phải có đủ theo số lượng quy định. Lễ cưới của người Pa Cô thường diễn ra vào mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm.

Trong ngày hội Aza, người dân thể hiện lòng thành kính biết ơn đến các vị thần linh, biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ cây lúa đã nuôi dưỡng lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành nhiều nguồn lực và có chính sách đặc thù dành cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nên đời sống văn hóa tinh thần của người dân đã dần thay đổi. Ngoài lễ hội Aza Koonh, đến nay các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc ở A Lưới như Ariêu Caar, Ariêu Piing, Ariêu Aza… đều được khôi phục, phục dựng khá nguyên vẹn. Thông qua các lễ hội truyền thống vào dịp đầu Xuân mới, đồng bào các dân tộc thiểu số người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu cùng nắm chặt tay nhau hát vang những điệu dân ca, múa làn điệu truyền thống để thắt chặt tình đoàn kết và hứa hẹn cùng nhau nỗ lực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng

Anh Khoa
.
.
.