Điểm sáng bảo vệ rừng ở đại ngàn Trường Sơn

Thứ Bảy, 19/02/2022, 09:14

Trong 2 ngày 16 và 17/2, huyện biên giới Tây Giang (Quảng Nam) tổ chức lễ hội khai năm tạ ơn rừng lần thứ 5. Đây là một lễ hội truyền thống của người Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn, sau chiến tranh được phục dựng lại từ đầu năm 2018, nhằm phát huy những giá trị văn hóa dân tộc, giữ rừng và bảo vệ rừng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội địa phương. 

Ông Bling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho  biết, hiện ở Tây Giang còn giữ được rừng pơ mu trên diện tích vùng lõi gần 500ha, với hàng nghìn cây pơ mu, trong đó có gần 1.500 cây được công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Những cây pơ mu cổ thụ có tuổi đời hàng ngàn năm được người Cơ Tu đặt tên, như cây Đình Làng, Voi,  Gấu, Rồng, cây Ngũ Hổ, cây Tê Giác, cây Mẹ, cây Trường Sinh... Nêu lên đặc trưng của những cây cổ thụ đó để thấy, rừng pơ mu cổ thụ là quần thể rừng vô giá còn sót lại khu vực Đông Nam châu Á, cả về diện tích phân bố cây, số lượng cây,  tuổi đời cây... đều vô cùng giá trị về mặt khoa học lâm sinh, môi trường, tự nhiên, xã hội và lịch sử.

7-1.jpg -0
Người Cơ Tu múa tân tung za zá mừng lễ tạ ơn rừng.

“Lưu giữ được cánh rừng vô giá này là công lao to lớn của bao thế hệ người Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn ở Tây Giang đã nâng niu, giữ gìn bảo vệ từ chính ý thức, tâm nguyện “rừng là nhà, cây là con”; góp phần làm đa dạng, phong phú cho hơn 100.000ha rừng tự nhiên còn hiện hữu ở Tây Giang, với nhiều quần thể rừng quý hiếm, như rừng Lim ở xã Lăng trên diện tích 500ha. Huyện đang đề nghị công nhận hơn 1.600 cây là Cây Di sản Việt Nam. Hay như quần thể rừng Dổi ở Xắt, rừng Đỗ Quyên ở Klang... Cùng với các hệ động thực vật, như sao la, gấu, nai, mang Trường Sơn, vượn, voọc..., nhiều loài chim quý như trĩ, phượng hoàng đất, đại bàng, gà lôi...”, ông Mia tự hào nói.

Cũng theo ông Bling Mia, tự hào với những khu rừng quý giá đó, từ xa xưa người Cơ Tu đã làm lễ hội khai năm tạ ơn rừng hằng năm. Tuy nhiên, do chiến tranh, lễ hội bị mai một dần. Đến năm 2018, lần đầu tiên chính quyền huyện Tây Giang tổ chức phục dựng lại lễ hội khai năm tạ ơn rừng. Hơn 2 năm qua, do ảnh hưởng thiên tai bão lũ, dịch bệnh COVID-19, lễ tạ ơn rừng vẫn được tổ chức, nhưng với quy mô nhỏ, trong cộng đồng người Cơ Tu, với tâm niệm, có rừng, có Giàng, có con người và muôn loài động thực vật sinh sống và phát triển dưới tán rừng thiên nhiên ban tặng...

7-2.jpg -0
Cán bộ Kiểm lâm khảo sát quần thể rừng lim ở xã Lăng, Tây Giang.

Phong tục xưa kia của người Cơ Tu, nếu đầu năm chưa khai hội tạ ơn rừng, việc trao đổi buôn bán bên ngoài hay cho giống cây trồng xuống đất chưa thể thực hiện được. Suy nghĩ này ăn sâu vào tiềm thức của người dân, suốt đời gắn bó với rừng với núi, sinh ra từ rừng, chết đi cũng về làm cát bụi cho rừng. Điều đó đã kết tinh thành truyền thống văn hóa cao đẹp của cộng đồng người Cơ Tu, đây chính là tiềm năng và lợi thế để huyện Tây Giang bảo tồn, giữ gìn và tổ chức lễ hội khai năm tạ ơn rừng, với mục đích giữ rừng và bảo tồn văn hóa để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, để rừng tiếp tục phát triển, đời sống người dân được nâng lên ổn định bền vững...

Trong niềm vui phấn khởi của ngày lễ hội tạ ơn rừng, già làng Hối Mia - người phụ trách công tác bảo vệ quần thể rừng pơ mu, hồ hởi tâm sự: “Người Cơ Tu yêu rừng như yêu nhà, thương rừng như thương con,  rừng sẽ tồn tại mãi cùng các thế hệ người Cơ Tu trên dải Trường Sơn...”. Được biết, huyện biên giới Tây Giang có hơn 80% là đồng bào Cơ Tu, sau gần 20 năm tái lập huyện, trên địa bàn chỉ xảy ra hơn 15 vụ việc xâm phạm vào đất rừng, xảy ra 1 vụ khai thác rừng quy mô nhỏ từ năm 2012. Đảng bộ và chính quyền huyện đã đưa ra chỉ tiêu phát triển rừng, nếu năm 2010 độ che phủ của rừng mới đạt 62%, đến  năm 2022 đã đạt hơn 70%.

Hằng năm huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho nhân dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, hàng trăm hécta rừng đã được trồng mới từ các dự án phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học như phát triển rừng thông, rừng pơ mu ở A Xan; bời lời, re ở 8 xã biên giới Việt-Lào. Phong trào giữ rừng, quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng của huyện Tây Giang có thể khẳng định là mạnh nhất tại các địa phương miền núi ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Hồng Thanh
.
.
.