Dịch sởi có thể bùng phát mạnh khi trẻ quay lại trường

Chủ Nhật, 01/09/2024, 07:30

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi trên cả nước tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm 2023. Riêng TP Hồ Chí Minh, ghi nhận hơn 500 ca mắc sởi, 3 trẻ tử vong. Theo chuyên gia dịch tễ, dịch sởi ở TP Hồ Chí Minh đang rất đáng lo ngại, nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch sẽ bùng phát mạnh và lây lan ra nhiều tỉnh, TP trên cả nước, đặc biệt là tháng 9 tới đây khi trẻ em bắt đầu quay lại trường.

Lo thiếu thuốc điều trị

Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số ca bệnh sởi tại TP đang tăng lên từng ngày, tới nay toàn TP đã có 22 quận, huyện ghi nhận ca bệnh. Số ca mắc dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ lớn (73,2%), tuy nhiên, đang có xu hướng dịch chuyển lên nhóm tuổi lớn hơn.

a.jpg -0
Số ca mắc sởi ở TP Hồ Chí Minh đang tăng lên từng ngày. Ảnh minh hoạ

Tính từ ngày 23/5 đến 27/8, TP Hồ Chí Minh đã có 432 ca mắc sởi và 3 ca tử vong. Số bệnh nhân mắc sởi điều trị tại các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh chủ yếu từ các tỉnh lân cận chuyển lên (55,8%). Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, trong tháng 8 tiếp nhận 368 ca nhiễm sởi điều trị nội trú, trong đó có 42 ca nặng nằm hồi sức nhiễm. Điều đáng lo ngại là tỷ lệ trẻ mắc sởi mức độ nặng tiêm đủ 2 mũi vaccine là 0%, tỷ lệ chưa tiêm vaccine ở nhóm này là gần 85%. 50% trẻ bị nặng là dưới 1 tuổi.

Lo ngại nữa nếu dịch bệnh tiếp tục bùng phát sẽ thiếu thuốc điều trị, đặc biệt là thuốc cấp cứu Dopamin – một loại thuốc rất quan trọng trong hồi sức cấp cứu, điều trị chân tay miệng và sốt xuất huyết. Tại buổi kiểm tra hoạt động phòng chống dịch sởi vào ngày 29/8 của Đoàn công tác Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương làm Trưởng đoàn, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã báo cáo, lô thuốc Dopamin vừa hết hạn ngày 15/8. Đầu tháng 9, bệnh viện sẽ nhập lô thuốc mới. Trong thời gian chờ đợi, bệnh viện sẽ dùng thuốc khác để điều trị thay thế.

TP Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi trên toàn TP và nhiều người lo ngại, các bệnh viện của TP sẽ là “trung tâm phân phối sởi”, bởi đã có trường hợp lây nhiễm từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh. Bộ Y tế đề nghị TP Hồ Chí Minh thông tin thường xuyên với các tỉnh lân cận về những ca bệnh đang sinh sống tại đó. Đồng thời gửi công văn đến các tỉnh lân cận để phối hợp phòng, chống dịch với TP Hồ Chí Minh, phòng ngừa trường hợp ca nhiễm di chuyển đến các địa phương.

Lãnh đạo Cục Quản lý Dược cho biết, trong tháng 9 này, công ty dược sẽ nhập 30.000 lọ Dopamin, nếu bệnh viện cần cung ứng, Cục sẽ hỗ trợ để tiếp cận các nguồn thuốc Dopamin.

Phòng chống không tốt, dịch sẽ lan rộng

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, dịch sởi ở TP Hồ Chí Minh đang rất đáng lo ngại, bởi đây là TP đông dân cư, điều kiện chật chội, nhiều khu trọ công nhân, sinh hoạt tập thể… rất thuận lợi cho dịch bệnh sởi là bệnh lây theo đường hô hấp lây lan. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều người dân vãng lai nên không kiểm soát hết được trẻ đã tiêm chủng hay chưa. Đặc biệt, đây là đầu mối giao thông, nếu không kiểm soát sẽ lây lan bệnh sởi ra các địa phương khác.

Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã công bố dịch sởi, nhưng theo ông Phu, nếu không làm tốt công tác phòng chống, nguy cơ dịch sởi sẽ bùng phát mạnh không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn ở tỉnh, TP khác, bởi sởi lây lan rất nhanh, cứ nhiễm là có triệu chứng, khi tất cả mọi người nhiễm có triệu chứng thì dịch bùng lên nhanh chóng. “Trong 2 năm đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng giảm mạnh, thời gian qua lại thiếu vaccine sởi - rubella trong chương trình tiêm chủng mở rộng, vì vậy, tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp, dẫn tới miễn dịch cộng đồng thấp và khi có dịch thì dễ bùng lên”, ông Phu nói. Thêm vào đó, bệnh sởi có tính chất chu kỳ 5 năm bùng phát một lần. “Năm 2014-2015 là chu kỳ dịch sởi bùng phát rất lớn khiến hơn 110 trẻ tử vong. Năm 2019 chu kỳ 5 năm tái diễn và tới năm nay năm 2024 là năm của chu kỳ dịch. Dù 90% trẻ đã tiêm vaccine sởi nhưng vẫn có 10% chưa tiêm, 1 năm có 170.000 trẻ không được tiêm, 5 năm gần 1 triệu trẻ chưa tiêm. Con số này là rất lớn nếu có nguồn lây thì sẽ bùng phát dịch”, ông Phu nhấn mạnh.

Ngay sau khi TP Hồ Chí Minh công bố dịch sởi, Sở Y tế TP phân công Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khẩn trương làm thủ tục mua sắm 300.000 liều vaccine sởi - rubella để tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vaccine này về TP Hồ Chí Minh vào ngày 30/8 và TP sẽ tiêm cho trẻ xuyên qua nghỉ lễ. Rất nhiều phụ huynh khi dịch sởi bùng phát mới đưa con đi tiêm, liệu miễn dịch có hiệu lực ngay trong giai đoạn “nóng” này hay không? Theo ông Phu, sau tiêm vaccine sởi từ 2 tuần đến 1 tháng mới có miễn dịch nhưng không phải miễn dịch đã đạt mức độ cao ngay, mà sau đó mới tăng dần lên. Tuy nhiên, vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất và phải tiêm nhanh cho toàn bộ trẻ từ 1-10 tuổi chưa tiêm vaccine, hoặc tiêm chưa đủ mũi.

“Chiến dịch tiêm phòng sởi là cần thiết. Đợt dịch lớn năm 2014-2015 chúng ta tiêm vaccine sởi - rubella cho toàn bộ trẻ từ 1-14 tuổi trên cả nước. Nhưng lần này khác, do nguồn lực vaccine chưa đủ nên chỉ tiêm cho trẻ chưa được tiêm đủ 2 mũi. Song y tế địa phương cần phải xác định đúng trẻ tiêm đủ 2 mũi chưa, bởi có trường hợp khai đã tiêm 2 mũi nhưng mới tiêm 1 mũi; xem ở cộng đồng có trẻ chưa tiêm mũi nào hay không, nhất là trẻ vãng lai. Phải tiêm cho đối tượng sống trên địa bàn chứ không phải chỉ tiêm cho đối tượng có hộ khẩu trên địa bàn. Quan trọng nhất phải tiêm cho đối tượng nào chưa được tiêm sởi thì mới mong phòng được bệnh. Bên cạnh đó, người lớn chưa tiêm vaccine phòng sởi, chưa mắc sởi cũng phải đi tiêm”, ông Phu đặc biệt nhấn mạnh.

Trần Hằng
.
.
.