Để Tết này không xảy ra hỏa hoạn!...

Thứ Tư, 11/01/2023, 07:58

Trước, trong và sau Tết cổ truyền luôn là thời điểm tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy nổ xuất phát từ nhu cầu của người dân sử dụng lửa để thờ cúng, đốt hóa vàng mã gia tăng đột biến. Đối với Lâm Đồng và các tỉnh phía Nam nói chung, thời tiết những ngày đầu năm mới thường hanh khô lại càng làm tăng thêm nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn, cháy nổ.

Trên thực tế, tại Lâm Đồng, vào những ngày cuối năm đã từng xảy ra các vụ hỏa hoạn, không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của nhân dân mà có vụ còn gây nên những cái chết thương tâm. Điển hình là cận Tết năm 2018, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, TP Đà Lạt, đã xảy ra vụ cháy nhà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến hai em nhỏ (6 tuổi và 4 tuổi) tử vong. Thời điểm xảy ra cháy nhà, người lớn đều đi vắng chỉ còn hai chị em trong căn nhà khóa cửa. Khi xảy ra hỏa hoạn, hai em nhỏ đã không có cơ hội thoát được ra ngoài.

a.jpg -0
Lực lượng chức năng lập biên bản một trường hợp vi phạm về công tác PCCC.

Từ những bài học thực tế được rút ra, thời điểm này, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, ngăn ngừa hiểm họa từ cháy nổ gây ra. Trọng tâm của công tác kiểm tra là các cơ sở kinh doanh karaoke, khách sạn, trung tâm thương mại, chợ Đà Lạt… nơi thường tập trung đông người, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã tập trung kiểm tra các nội dung về việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở theo quy định của phát luật và các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC, việc trang bị, vận hành hệ thống, thiết bị PCCC.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, đơn vị đã chú trọng vào kiểm tra sự hoạt động của hệ thống báo cháy tự động, hệ thống điện, hệ thống cấp nước chữa cháy trong, ngoài nhà, chữa cháy tự động. Ngoài ra, hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và đèn chỉ dẫn thoát nạn, hệ thống chống sét, phương tiện chữa cháy tại chỗ, điều kiện thoát nạn… cũng được đoàn kiểm tra đặc biệt lưu ý. Qua kiểm tra, về cơ bản, các đơn vị, doanh nghiệp đều có ý thức cao trong công tác PCCC, trang bị đầy đủ bình cứu hỏa mini. Tuy nhiên, kỹ năng xử lý các tình huống khi có xảy ra hỏa hoạn vẫn còn hạn chế. Một số thiết bị, hệ thống PCCC đã cũ, hết hạn, tính năng hoạt động không cao. Nhiều cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn về công tác PCCC, có nguy cơ dẫn đến hỏa hoạn, buộc lực lượng chức năng phải tạm đình chỉ hoạt động, yêu cầu chủ cơ sở phải khắc phục các vi phạm mới được kinh doanh trở lại.

Chợ Đà Lạt, nơi đang có 871 hộ đang kinh doanh với nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có các loại hàng hóa rất dễ bén lửa như quần áo, tơ lụa, giày dép, mỹ phẩm, kho chứa hàng hóa… Xác định công tác PCCC là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác quản lý chợ, trong năm 2022, Ban Quản lý chợ Đà Lạt đã nhắc nhở và xử lý vi phạm 12 hộ tiểu thương có các hành vi về sử dụng điện sai quy định, bố trí hàng hóa lấn chiếm lối thoát nạn với tổng mức tiền phạt là 46 triệu đồng. Qua kiểm tra thực tế tại chợ Đà Lạt, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã nhắc nhở, hướng dẫn và kiến nghị Ban Quản lý chợ Đà Lạt thực hiện nghiêm túc các nội dung về PCCC, như thường xuyên kiểm tra an toàn về PCCC và định kỳ 6 tháng gửi báo cáo kết quả kiểm tra về cơ quan Công an quản lý trực tiếp, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra theo quy định. Để phòng ngừa hỏa hoạn, đoàn công tác cũng đã đề nghị Ban Quản lý chợ Đà Lạt bố trí, sắp xếp vật tư, hàng hóa ngăn nắp, tạo sự thông thoáng cho lối thoát nạn và tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán để đảm bảo không có sự cố cháy, nổ xảy ra…

Từ kết quả kiểm tra công tác đảm bản an toàn về PCCC trước, trong và sau Tết cổ truyền 2023, vừa qua Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với 10 cơ sở có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về PCCC theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 17, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong số các cơ sở mới bị đình chỉ trên, có 4 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, 2 khách sạn, 1 xưởng sản xuất và 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Những cơ sở kinh doanh này bị Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đình chỉ hoạt động không thời hạn. Nguyên nhân là những vi phạm về công tác PCCC tại những cơ sở này trước đó đã được lực lượng chức năng kiểm tra, chỉ rõ những sai phạm, hướng dẫn khắc phục và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng đến nay vẫn chưa được chủ các cơ sở kinh doanh tổ chức khắc phục.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng, hiện tại Lâm Đồng đang bắt đầu chuyển sang mùa khô nên nguy cơ xảy ra các vụ hỏa hoạn rất cao, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán 2023 sắp tới. Cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm về công tác PCCC của lực lượng chức năng, việc người dân tự nâng cao ý thức PCCC là rất cần thiết. Ngoài tự kiểm tra, trang bị bình cứu hỏa, các thiết bị về PCCC, kiểm tra lối thoát hiểm, có ý thức cao trong việc sử dụng nguồn lửa như hàn xì, đốt vàng mã, thờ cúng… người dân nên rà soát nguồn điện trong nhà để kịp thời sửa chữa, khắc phục điểm rò rỉ điện, nguy cơ chập điện, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ hỏa hoạn.

Trong năm 2022, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra 18 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản ước tính khoảng trên 5 tỷ đồng; 18 vụ tai nạn, sự cố làm chết 14 người, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường tham gia chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Kết quả đã cứu được 19 người, tìm kiếm được 14 thi thể nạn nhân, trục vớt 1 xe ôtô, công tác chữa cháy đảm bảo không để xảy ra cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng.

Khắc Lịch
.
.
.