Đâu là phương án rút bảo hiểm xã hội một lần hợp lý nhất?

Thứ Tư, 15/05/2024, 06:58

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi. Một trong những vấn đề được đông đảo người dân quan tâm vẫn là câu chuyện phương án rút BHXH 1 lần nào là hợp lý nhất. Kể từ thời điểm Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến đến nay, đây cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp cả từ phía các chuyên gia lẫn người lao động.

Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 700 nghìn lao động rút BHXH 1 lần. Đáng chú ý, số người rút BHXH 1 lần năm sau luôn cao hơn năm trước và theo BHXH Việt Nam, tốc độ tăng này khoảng 10%. Theo các chuyên gia, trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế xã hội, số người lựa chọn rút BHXH 1 lần tới đây sẽ còn gia tăng. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến, các nhà soạn thảo đưa ra 2 phương án về chính sách rút BHXH 1 lần lại đang nhận được không ít ý kiến trái chiều, đặc biệt với các quy định như: Người tham gia sau khi luật chính thức có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) sẽ không được rút BHXH 1 lần; người lao động không được rút quá 50% số tiền… 

Theo anh Tô Mạnh Linh (Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì chính sách cho người lao động rút BHXH 1 lần cần được tiếp tục duy trì và không phân biệt trước hay sau khi có luật mới. Bởi đây là quyền lợi chính đáng của người lao động. “Khi người lao động tham gia bằng tiền của chính họ thì họ cần có quyền lựa chọn, quyền tự quyết đối với công sức và thành quả lao động mà họ đã bỏ ra để có tiền đóng góp vào BHXH. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc, công bằng của BHXH được nêu trong quan điểm xây dựng luật”, anh Linh nói. Anh Linh cho rằng, việc thay đổi chính sách là không cho rút hoặc chỉ được rút không quá 50% có thể dẫn đến tâm lý quan ngại của người dân đối với Quỹ BHXH. Nếu người dân có tâm lý quan ngại thì rất khó để yên tâm gắn bó.

bhxh-1-lan.jpg -0
Các phương án rút BHXH 1 lần trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

“Chúng ta đã được nghe nhiều lý do, nguyên nhân dẫn đến người lao động gia tăng rút BHXH 1 lần trong thời gian vừa qua, cũng như đã được nghe nhiều kiến nghị, biện pháp kỹ thuật để hạn chế rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, một thực trạng chúng ta cần xét đến là sự hài lòng và sự trung thành của cộng đồng, trong đó có người lao động đối với BHXH. BHXH Việt Nam cần tiếp tục phát huy, thực sự xem người tham gia đóng BHXH là những khách hàng mang lại doanh thu và cần được chăm sóc với những chế độ tốt, dịch vụ có chất lượng, chứ không phải những người có nghĩa vụ phải đóng tiền để được nhận sự ban phát lại từ BHXH”, anh Linh phân tích.

Cần có các chính sách để thu hút và giữ chân người lao động ở lại hệ thống BHXH, nhưng cũng cần có các giải pháp để hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần. Đó là ý kiến của Ủy viên BCH Công đoàn Tạp chí Phổ biến pháp luật Việt Nam Hoàng Thị Oanh. Theo bà Oanh, biện pháp để hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần là giảm lợi ích từ việc rút BHXH 1 lần theo phương án 2 của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Tuy nhiên, bà Oanh kiến nghị mức rút không phải là 50%, mà tương ứng với mức đóng bảo hiểm của người lao động, để người lao động chỉ có thể rút khoản tiền họ đóng vào quỹ, còn khoản tiền mà người sử dụng dụng lao động đóng sẽ được giữ lại để chi trả một phần lương hưu sau này.

“Hoặc sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm đóng BHXH và đặc biệt là quy định về trợ cấp hằng tháng với người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian tham gia BHXH”, bà Oanh nêu quan điểm. Theo bà Oanh, phương án này khắc phục được tình trạng rút BHXH 1 lần của thời gian qua, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.

Ở góc độ khác, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Công đoàn BHXH quận Long Biên lại cho rằng, chỉ giải quyết chế độ BHXH 1 lần đối với những trường hợp có thời gian tham gia BHXH dưới 60 tháng. Vì từ 60 tháng trở lên, khi người lao động gặp rủi ro, thân nhân được hưởng chế độ mai táng phí, chế độ trợ cấp tuất 1 lần giảm bớt gánh nặng cho xã hội, cho gia đình.

“Lý do lựa chọn vì phương án này khắc phục được tình trạng hưởng BHXH 1 lần của thời gian qua, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Quy định này không ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động đang tham gia BHXH nên dễ nhận được sự đồng thuận của người lao động”, ông Dương nhận định.

Theo con số của BHXH TP Hà Nội, năm 2023, thành phố đã giải quyết cho 41 nghìn trường hợp về chế độ rút BHXH 1 lần (chiếm trên 8%). Còn giai đoạn từ 2019 đến 2023, BHXH TP Hà Nội đã giải quyết cho 173 nghìn trường hợp, trong đó chỉ có 27 nghìn trường hợp quay lại tham gia BHXH sau khi được giải quyết chế độ 1 lần. Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Lê Văn Long cho rằng, việc rút BHXH 1 lần là quyết định của người lao động và cơ quan BHXH tôn trọng quyết định đó. Điều kiện để rút bình thường là trong thời hạn 30 ngày tính đến thời điểm có yêu cầu hưởng BHXH 1 lần nộp hồ sơ theo quy định. Đối với người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, suy giảm khả năng lao động thì cơ quan BHXH luôn ưu tiên thực hiện ngay.

“Qua thống kê, độ tuổi giải quyết chế độ một lần từ 30 - 40 tuổi chiếm 40%; 20 - 30 tuổi chiếm 27%. Cơ quan BHXH tôn trọng quyết định của người lao động tuy nhiên người lao động nên cân nhắc, bởi nếu rời bỏ BHXH, người lao động sẽ mất các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm y tế, lương hưu, chế độ tử tuất, mai táng phí… Chính vì vậy, tại cơ quan BHXH TP Hà Nội luôn có bàn tư vấn sự thiệt hơn khi người lao động muốn giải quyết chế độ một lần. Thực tế, có khoảng 30% người lao động không rút hồ sơ sau khi được giải thích cặn kẽ”, ông Long cho biết.

P.Hoạt – P.Anh
.
.
.