Đau đầu vì lao động bỏ trốn

Thứ Năm, 25/08/2022, 07:46

Trong 2 tháng vừa qua, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã bắt giữ hàng trăm người lao động trái phép, trong đó có 49 người Việt Nam. Con số trên tiếp tục là lời cảnh tỉnh về tình trạng lao động phá hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc tại thị trường này.

Đáng chú ý, những năm qua, phía Hàn Quốc đã liên tục dừng tuyển chọn lao động tại nhiều địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao. Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng vừa phải thông báo dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS với 8 huyện của 4 địa phương: Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Dem_trang_tron-1661347688332.jpg
Kết nối, tạo cơ hội việc làm cho lao động về nước đúng hạn là một trong những giải pháp chống lao động bỏ trốn khi làm việc ở nước ngoài.

Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về lao động ra nước ngoài làm việc, tuy vậy Thanh Hóa cũng là địa phương có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao. Đây cũng là địa phương liên tiếp có các huyện nằm trong danh sách phải tạm dừng tuyển chọn. Ngay trong năm 2022 này, Thanh Hóa cũng có 2 huyện là Đông Sơn và Hoằng Hóa nằm trong danh sách phải tạm dừng tuyển chọn.

Theo con số của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 30/6/2022, địa phương này vẫn đang có 890 lao động cư trú bất hợp pháp tại thị trường Hàn Quốc trong tổng số 6.000 lao động của địa phương này đi làm việc tại Hàn Quốc.

Theo ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, địa phương cũng đang “đau đầu” khi phải đối mặt với tình trạng số lượng lớn lao động hết hạn không về nước mà bỏ ra ngoài làm việc.

“Địa phương đã áp dụng nhiều giải pháp ngăn chặn, như hướng dẫn các huyện, thành phố ký cam kết, giao chỉ tiêu cho tổ chức đoàn thể, chính quyền vận động lao động về nước đúng hạn. Cùng với đó là gửi danh sách người cư trú bất hợp pháp để thông báo đến từng thôn xóm, gia đình lao động, nhưng tình trạng trên vẫn diễn ra. Chế tài xử phạt đã có, song chưa hiệu quả khi lao động còn ở nước ngoài", ông Tùng lý giải.

Trong khi đó, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, từ năm 2015 đến nay, địa phương này cũng có khoảng hơn 600 lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc hoặc là hết hạn làm việc nhưng không về nước. Mới đây nhất vào khoảng giữa tháng 5/2022, khi mới chỉ nhập cảnh vào Hàn Quốc chưa được bao lâu, 4 lao động của xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc tại Hàn Quốc. Đây là 4 trong số 41 lao động Quảng Bình xuất cảnh theo thỏa thuận đưa người lao động đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc.

Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho hay, từ những vụ lao động bỏ trốn, bài học cho địa phương là phải thực hiện công tác tuyển chọn kỹ lưỡng hơn nữa để làm sao vừa chọn được những người có phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ năng và chấp hành đúng các quy định. Quá trình tuyển chọn sẽ mời một số cơ quan chức năng như lực lượng Công an tham gia tuyển chọn.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), giai đoạn 2016 - 2017, số lượng các huyện bị tạm dừng đưa người lao động đi nước ngoài là khoảng 40 - 50 huyện của 20 tỉnh. Đến năm 2018, số huyện bị tạm dừng đã giảm xuống 20 huyện và đến năm 2022 này, số huyện bị tạm dừng đã giảm xuống còn 8 huyện. Đây đã là nỗ lực rất lớn của các địa phương trong việc giải quyết vấn đề lao động bỏ trốn.

“Lao động cư trú bất hợp pháp khi gặp phải những vấn đề phát sinh như bị người sử dụng lao động đối xử không tốt hoặc không được trả lương, họ sẽ không được cơ quan nào can thiệp, đồng nghĩa với việc họ tự phải gánh chịu hậu quả. Do đó, người lao động nên đi theo chương trình của Nhật Bản, Hàn Quốc tổ chức. Những nước này đã có những chính sách rất cởi mở dành cho người lao động chấp hành đúng hợp đồng cũng như pháp luật của họ", ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo.

Ông Liêm cho biết thêm, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đưa ra các giải pháp để thuyết phục các nước như phía Hàn Quốc tuyển chọn, đào tạo lao động thật kỹ trước khi đi; công tác hỗ trợ cũng như quản lý người lao động phải đảm bảo đầy đủ, kịp thời để lao động yên tâm làm việc; tiếp đó là thúc đẩy người lao động tự nâng cao trình độ khi làm việc tại nước ngoài; bên cạnh đó đối với những lao động đi làm việc ở thị trường như Hàn Quốc yêu cầu phải ký quỹ để đảm bảo việc thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn.

Tuy vậy, theo các chuyên gia để hạn chế tình trạng này, cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm tra chặt chẽ việc thu phí của công ty xuất khẩu lao động và xử phạt nặng đơn vị làm sai (người lao động bị áp lực kinh tế khi phải đi vay mượn để trả các khoản phí mới bỏ trốn ra ngoài làm việc); có chế tài đủ mạnh với doanh nghiệp, lao động phá vỡ hợp đồng, như phạt tiền hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, giải pháp tạo việc làm cho lao động về nước cũng cần được làm bài bản.

Bởi có không ít người thất nghiệp sau khi về nước nên càng thôi thúc người đang làm việc tìm mọi cách ở lại. Một giải pháp nữa là cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần đàm phán nâng thời hạn hợp đồng đi làm việc (lên cao hơn mức thông thường 3 năm như hiện nay). Như vậy lao động sẽ yên tâm làm việc, không còn tâm lý bỏ trốn ra ngoài hoặc hết hợp đồng không về nước.

Phan Hoạt
.
.
.