Đảm bảo an toàn công trình, tuyệt đối cấm công nhân ra vào khu vực thi công cửa biển

Thứ Sáu, 06/09/2024, 13:47

Ngày 6/9, kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại Nam Định, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh đây là cơn bão được dự báo có diễn biến rất khó lường, tuyệt đối không được chủ quan…

Đoàn đã đến kiểm tra các khu vực trọng điểm về đê điều, các công trình phòng chống thiên tai, khu neo đậu tàu thuyền, khu công nghiệp trọng điểm như khu công nghiệp Rạng Đông (huyện Nghĩa Hưng); khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão cửa sông Ninh Cơ (huyện Hải Hậu); tuyến đê Cồn Tròn, Hải Thịnh và kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu.

Tại khu công nghiệp Rạng Đông ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Bộ trưởng Lê Minh Hoan và đoàn công tác đã kiểm tra việc phòng chống bão số 3 tại công trường đang thi công nhà máy dệt may JeHong Textile, nằm trong khuôn viên của khu công nghiệp. Đây là khu vực cửa sông Đáy đổ ra biển, với diện tích hàng trăm ha, trong đó có một số công xưởng, nhà máy đang xây dựng.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 của địa phương, Bộ trưởng lưu ý chủ đầu tư, phải khẩn trương hoàn thiện công đoạn cuối về phòng chống bão, đảm bảo an toàn công trình, tuyệt đối cấm công nhân ra vào khu vực thi công.

Bộ trưởng Nông nghiệp trực tiếp kiểm tra công tác ứng phó bão Yagi tại Nam Định -0

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 tại khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão ở cửa sông Ninh Cơ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. (Ảnh: Trọng Phú)

Nam Định là tỉnh ven biển, hiện có 535,060 km đê, trong đó: Đê sông 279,236 km; đê cửa sông 39,447km; đê biển 75,161 km. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã và đang tích cực rà soát hiện trạng toàn hệ thống đê điều và công trình đê điều đang thi công dở dang trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, rà soát lại các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu; đồng thời kiểm tra việc chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ trên thực tế; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Nam Định cũng đã có lệnh cấm biển từ 6h ngày 6/9 cho đến khi có tin bão cuối cùng. Tổ chức kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh... vào nơi tránh trú an toàn hoàn thành xong trước 11 giờ ngày 6/9.

Bên cạnh đó, Nam Định đã tiến hành sơ tán toàn bộ 734 lao động ngoài các lều chòi nuôi trồng thủy sản, các lao động trên các lồng bè vào trong đê hoàn thành trước khi bão đổ bộ; tổ chức sơ tán dân theo các phương án theo các tình huống bão xảy ra trên địa bàn.

Đồng thời, di dời số lao động khu vực nuôi trồng thuỷ hải sản ven biển và trên các lều chòi vào trong đê theo lệnh cấm biển; rà soát phương án sơ tán dân và sẵn sàng phương án sơ tán dân theo quy định đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

NY
.
.
.