Đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông

Thứ Ba, 20/06/2023, 10:00

Với quan điểm lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực trong mọi hành động, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an  đã tham mưu cho Ban Bí thư  ban hành Chỉ thị số 23 thay thế Chỉ thị số 18 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong tình hình mới.

Ngay trong tháng 4/2023, Bộ Công an cũng đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10, đưa ra mục tiêu lập lại trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông đối với cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi công vụ, từng bước tạo dựng được ý thức, thói quen và xây dựng văn hoá của người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã có nhiều điện, kế hoạch chỉ đạo công tác này, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an trong việc lập lại TTATGT, bảo đảm an toàn cho người dân mỗi khi ra đường.

215_hcm2.jpg -0
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tại một số địa phương khu vực phía Nam, ngày 26/5/2023.

Một vấn đề luôn được lãnh đạo Bộ Công an,  đặc biệt là  Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an quan tâm, đó là làm thế nào để giảm tai nạn giao thông (TNGT)? “Nếu 1 ngày giảm đi 1, 2 người chết do TNGT, 1 năm đã giảm hàng trăm, thậm chí hàng nghìn gia đình không bị con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con, hàng trăm đứa trẻ không bị mồ côi, phải thất học, phải chịu khổ cực khi cha mẹ mình không còn” - đồng chí Bộ trưởng luôn nhắc đi nhắc lại điều này, luôn trăn trở trước mất mát của người dân khi gánh chịu những thiệt hại do TNGT gây ra. Các đồng chí Thứ trưởng cũng vậy, như Thứ trưởng Nguyễn Văn Long – người trực tiếp phụ trách công tác đảm bảo TTATGT, cũng luôn dành thời gian và tâm huyết trong bàn thảo, chỉ đạo nhiều giải pháp cụ thể đảm bảo TTATGT tại từng tỉnh, thành phố, địa phương.

Trong những biện pháp, giải pháp đảm bảo TTATGT mà Bộ Công an tham mưu, thực hiện trong thời gian vừa qua, đó là đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành nhiều văn bản pháp luật chỉ đạo công tác này, trong đó huy động cả hệ thống chính trị tham gia đảm bảo TTATGT với nhiều giải pháp cụ thể, giao trách nhiệm rõ ràng. Nổi bật nhất là Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 10 ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo công tác đảm bảo TTATGT đường bộ trong tình hình mới. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã có nhiều kế hoạch, điện chỉ đạo hết sức sâu sát để làm sao lực lượng Công an toàn quốc do CSGT chủ công làm tốt vai trò tham mưu, huy động bố trí lực lượng, huy động các ngành, các cấp cùng vào cuộc đảm bảo TTATGT. Trong đó, lực lượng Công an, nòng cốt là lực lượng CSGT chủ động trong triển khai các biện pháp công tác bảo đảm TTATGT, căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương để đưa ra các giải pháp cụ thể, đem lại hiệu quả rõ rệt.

Cụ thể, ngày 3/3/2023, Bộ trưởng Tô Lâm có Điện số 05; ngày 18/5/2023 có Điện số 02; Kế hoạch số 320 về thực hiện Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo siết chặt trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật của cả người tham gia giao thông và người thực thi pháp luật về giao thông; giữ gìn an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản cho nhân dân, “lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”. Trong đó, đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm quy định pháp luật về ATGT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Công an các tỉnh, thành phố cũng đã tham mưu cho tỉnh uỷ, thành uỷ, UBND địa phương có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, không can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông. Qua đó, gần đây, không còn hình ảnh cán bộ, đảng viên say xỉn, cự cãi cán bộ CSGT hoặc gây gổ với người khác khi xảy ra va chạm. Đối với lực lượng CAND nói riêng, Bộ Công an cũng chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giao thông của CBCS, các mệnh lệnh, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, quy định không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia và không uống rượu bia trong giờ làm việc, trong ca trực của CBCS Công an. Trong đó, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các tổ công tác kiểm tra đột xuất việc thực thi pháp luật về ATGT tại Công an các đơn vị, địa phương, xử lý nghiêm CBCS Công an vi phạm.

kiem-tra-nong-do-con-166571620285075921233.jpg -0
Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, góp phần làm giảm tai nạn giao thông.

Quyết tâm của Bộ Công an đã đạt được hiệu quả rõ rệt bởi trong 5 tháng đầu năm 2023, TNGT đã được kéo giảm 24% về số vụ, số người chết giảm hơn 18% và số người bị thương giảm 26%. Từ việc Công an các địa phương xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn, số vụ TNGT do sử dụng rượu bia chỉ còn chiếm 3,87%. Trong đó, quý I/2023, toàn quốc xảy ra 2.343 vụ TNGT, làm chết 1.434 người, bị thương 1.578 người. So với cùng kỳ năm 2022, giảm 430 vụ (giảm 15,5%), giảm 249 người chết (giảm 14,8%), giảm 148 người bị thương (giảm 8,6%). Lực lượng CSGT cả nước đã xử lý hơn 99 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ, so với cùng thời gian trước liền kề xử phạt tăng 53,3%, tiền phạt tăng 49,8%; xử lý hơn 79 nghìn trường hợp vi phạm tốc độ…

Điều nhận thấy rõ rệt nhất, đó là ý thức người dân trong chấp hành luật giao thông đã nâng lên. Hiệu quả rõ nhất của việc hình thành thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe, đó là tại các phòng cấp cứu ở các bệnh viện lớn, bệnh nhân do TNGT giảm rõ rệt, số người chết, bị thương do đánh nhau, gây thương tích cũng giảm sâu. Kết quả này cũng thể hiện rất rõ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.

Lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục CSGT đã nhận được thư của nhiều phụ nữ cảm ơn, hoan nghênh vì trước đấy, chồng họ thường xuyên say rượu về gây gổ với vợ con, bây giờ không dám uống rượu nên cuộc sống gia đình bình yên, hạnh phúc hơn. Việc tăng cường đảm bảo TTATGT không chỉ góp phần làm giảm tai nạn, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông mà còn phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật bột phát do uống rượu bia như giết người, cố ý gây thương tích, dâm ô, hiếp dâm…

Nói về điều này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tác động của việc đo nồng độ cồn rất rõ rệt, ngoài việc giảm TNGT thì về lâu dài chắc chắn sẽ giảm một số bệnh liên quan đến rượu, bia như: gan mãn tính, xơ gan, loạn thần do rượu và nhiều bệnh liên quan đến tim mạch, huyết áp. Chúng tôi hết sức hoan nghênh việc lực lượng CSGT thực hiện nghiêm Nghị định 100/CP, vì xử phạt nghiêm vi phạm về nồng độ cồn đã có tác động rất lớn đến sức khoẻ người dân, làm giảm nhiều bệnh tật, giảm chi phí xã hội”.

Đặc biệt, với quyết tâm đảm bảo ATGT bền vững, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật TTATGT đường bộ. Dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV (dự kiến tháng 11/2023). Việc xây dựng và ban hành Luật TTATGT đường bộ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển với xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam trong điều kiện xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp quyền; hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm TTATGT đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ cho người tham gia giao thông, xây dựng kỷ luật, kỷ cương, an toàn, góp phần đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Lực lượng CSGT cũng thay đổi về tư duy, nhận thức, phương pháp hành động trong công tác bảo đảm TTATGT theo phương châm “lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực”, đảm bảo việc giữ gìn sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người tham gia giao thông là trên hết, lấy đó là động lực, động cơ để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Phương Thủy

.
.