Dai dẳng "hệ lụy" mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ Bảy, 25/12/2021, 09:11

Theo dự báo, nếu tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) vẫn giữ nguyên như hiện nay, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.

Nam giới khó tìm bạn đời, thậm chí không có khả năng kết hôn do không kiếm được vợ, đặc biệt là nam giới có hoàn cảnh dễ bị tổn thương như sống ở vùng sâu, vùng xa, sống trong hộ nghèo, không có trình độ học vấn, sức khỏe kém, nhóm dân tộc thiểu số… Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) còn dẫn đến tình trạng gia tăng mua bán phụ nữ, trẻ em gái. 

Trong 10 năm kết hôn, chị N.P.N (Hà Nội) đã sinh 4 người con, 3 người con đầu của chị là gái, đến con thứ 4 là trai. Chị N cho biết, chồng chị là đích tôn trưởng của dòng họ, khi sinh đứa con thứ hai, gia đình động viên chị sinh thêm đứa nữa. Nhưng tới con thứ 3 là gái, dưới “sức ép” từ gia đình và dòng họ, chị lại mang bầu đứa con thứ 4. Hoàn cảnh gia đình chị N ở mức trung bình thấp, vợ chồng chị vẫn phải thuê nhà, việc nuôi dạy 4 con khiến cuộc sống khá chật vật. Quyết tâm phải có bằng được mụn con trai để nối dõi không chỉ xảy ra ở gia đình chị N, mà còn tồn tại ở nhiều gia đình mang tư tưởng này.

Theo Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế), Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế hơn một thập kỷ qua, nhưng vấn đề MCBGTKS đang trở thành thách thức với công tác dân số, được toàn xã hội quan tâm từ đầu những năm 2.000 khi TSGTKS cao hơn mức cân bằng tự nhiên. Từ đó đến nay, TSGTKS có sự tăng giảm không ổn định qua các năm nhưng vẫn ở mức cao. Năm 2020, TSGTKS là 112,1 bé trai/100 bé gái.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ, TSGTKS luôn ở mức cao, lan rộng và diễn biến phức tạp, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Năm 2009 ở thành thị là 110,6 và nông thôn là 110,5, đến năm 2020 TSGTKS ở thành thị là 109,8 và nông thôn là 113,2. Năm 2006 có 3/6 vùng kinh tế - xã hội MCBGTKS thì đến năm 2020 là 5/6 vùng. Hiện chỉ có Tây Nguyên là đang ở ngưỡng an toàn.

7-2.jpg -0
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn tới hệ lụy thiếu phụ nữ, thừa nam giới trong tương lai không xa.

Đặc biệt, TSGTKS vùng Đồng bằng sông Hồng ở mức rất cao là 113,6, tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc (112,7). Nguyên nhân nào dẫn tới MCBGTKS? Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số-KKHGĐ, quan niệm có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ đã đi sâu vào suy nghĩ của nhiều thế hệ, gia đình, cá nhân ở Việt Nam mà nhiều gia đình thích sinh con trai hơn con gái. Đây chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng MCBGTKS.

Nguyên nhân nữa do hiện nay quy mô gia đình nhỏ ngày càng trở nên phổ biến, mỗi cặp vợ chồng thường sinh 1-2 con nhưng mong muốn trong số đó phải có con trai. Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh để đáp ứng được cả 2 nhu cầu trên. Bên cạnh đó, nhu cầu phát triển ở một số vùng đòi hỏi nhiều lao động nam; chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, tỷ lệ có lương hưu đặc biệt ở nông thôn khi về già hiện rất thấp nên cần sự chăm sóc của con cái, theo quan niệm truyền thống thuộc về người con trai trong gia đình. Hiện nay, lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh, trong lúc thụ thai hoặc khi đã có thai để chẩn đoán giới tính đã dẫn đến hệ lụy số bé trai được sinh ra nhiều hơn mức bình thường, sẽ dư thừa nam giới.

Để giải quyết vấn đề này, phải khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng TSGTKS, tiến tới đưa TSGTKS trở lại mức cân bằng tự nhiên. Để đạt mục tiêu đến năm 2030, đưa TSGTKS ở mức dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, cần phải đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi nhằm kiểm soát MCBGTKS.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 nhằm can thiệp đồng bộ, toàn diện cả về lãnh đạo, chỉ đạo, truyền thông vận động chuyển đổi hành vi, thanh tra xử lý vi phạm và thực hiện các chính sách hỗ trợ triển khai tại các tỉnh, thành phố có tình trạng MCBGTKS.

Tuy nhiên, để thực hiện được Đề án, cần phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và người dân. Đặc biệt, thúc đẩy mạnh mẽ việc thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, nghiêm cấm các hành vi hướng dẫn, tư vấn, cung cấp dịch vụ lựa chọn, xác định giới tính trước khi sinh trong các cơ sở y tế, tại cộng đồng và trong toàn xã hội.

Trần Hằng
.
.
.