Đà Nẵng mở rộng “vùng xanh”, xác định sống chung với dịch

Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:08

Với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp quyết liệt, đến nay công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Sau 2 tuần liên tục phát hiện 150-200 ca dương tính mỗi ngày, những ngày gần đây, số ca dương tính giảm mạnh, chỉ xoay quanh mốc 40- 50 ca; đặc biệt số ca nhiễm trong cộng đồng chỉ còn 2-3 ca mỗi ngày.

Đến chiều 2/9, có 10/56 xã phường trên địa bàn TP được xem là “vùng xanh” khi liên tiếp 14 ngày trở lên không có ca mắc COVID-19. Kết quả đó là căn cứ quan trọng để lãnh đạo TP đưa ra quyết sách “sống chung” với COVID-19 trên nguyên tắc kiểm soát chặt, phong tỏa hẹp, mở rộng vùng xanh, nỗ lực dần đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Kể từ khi đợt dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn ngày 10/7, TP Đà Nẵng đã nhanh chóng chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó có việc cách ly y tế các khu vực có chuỗi lây nhiễm phức tạp, xét nghiệm đại diện 100% đại diện hộ gia đình trên địa bàn TP và thực hiện giãn cách nghiêm ngặt toàn TP từ 16/8 đến nay.

Đà Nẵng mở rộng “vùng xanh”, xác định sống chung với dịch -0
Lực lượng Công an TP Đà Nẵng tham gia cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội.

Sau 16 ngày thực hiện đợt phong tỏa “chưa có tiền lệ” với hàng loạt yêu cầu đặt ra cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng đã đạt được mục đích quan trọng là cắt đứt được nguồn lây trên phạm vi toàn TP. Đến nay, vẫn còn những ca lây nhiễm nhưng nằm trong phạm vi hẹp, trong các khu vực đang kiểm soát được.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, TP đã kìm chế được sự gia tăng của F0, đến thời điểm này cơ bản đã bóc F0 ra khỏi cộng đồng để không lây nhiễm sâu vào cộng đồng. Nhờ đó, ngành Y tế TP vẫn đủ sức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh nặng, giúp kìm chế tỷ tệ tử vong ở mức thấp 0,06% so với mặt bằng chung cả nước là 2,4%. Nếu Đà Nẵng không có những biện pháp mạnh như thời gian vừa qua thì với tốc độ lây lan nhanh của chủ mới Delta, số lượng F0 trong cộng đồng dễ tăng lên rất cao, theo cấp số nhân.

Những kết quả trong công tác phòng, chống dịch cho thấy TP đã đánh giá đúng tình hình, quyết định được các biện pháp mạnh, đúng thời điểm; việc triển khai thực hiện các biện pháp có được sự thống nhất cao từ TP đến cấp cơ sở; đồng thời đánh giá cao vai trò lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch từ TP đến cơ sở cũng như sự vào cuộc quyết liệt của tất cả lực lượng; sự đồng thuận, ủng hộ của người dân.

Đà Nẵng đang thiết lập 3 vùng: Đỏ, vàng, xanh theo nguy cơ dịch bệnh ở cấp xã phường đến tổ dân phố, khu dân cư để thực hiện các biện pháp chống dịch phù hợp với từng vùng. TP cũng đang ưu tiên tiêm vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên để bảo vệ “vùng xanh”. Từ thực tế diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong nước và các nước trên thế giới, trong khi nguồn vaccine TP tiếp nhận được vẫn còn khiêm tốn, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng xác định tinh thần sống chung với dịch bởi không thể “đóng cứng” TP mãi được.

Để thực hiện tinh thần này, TP Đà Nẵng thực hiện phong tỏa kịp thời, đúng vị trí, đúng quy mô đối với vùng đỏ. Bởi nếu phong tỏa hẹp quá, không đủ độ bao phủ có thể bỏ lọt F0 và các trường hợp có nguy cơ; phong tỏa rộng quá hoặc chệch ra ngoài sẽ không đánh giá đúng tình hình, tốn nhiều công sức trong việc phòng chống dịch, đồng thời gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Lãnh đạo TP Đà Nẵng đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng cùng với ngành Y tế đánh giá, xác định từng khu vực phong tỏa để các quận, huyện quyết định thực hiện.

Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết đang xây dựng bản đồ dịch tễ các khu vực đang phong tỏa và địa điểm có các ca bệnh để thuận lợi cho việc phân tích, đánh giá tình hình dịch. Trong trường hợp đã hết thời gian giãn cách triệt để đến ngày 5/9 mà vẫn ghi nhận ca mắc chưa được cách ly, tùy theo kết quả điều tra dịch tễ, TP sẽ quyết định thêm thời gian phong toả hoặc xác định lại khu vực cần được tiếp tục phong toả.

Ngành Y tế TP cũng xác định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt “vùng đỏ”, thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly tại từng hộ gia đình với nguyên tắc nhà cách ly với nhà; người cách ly với người, yêu cầu tất cả mọi người dân ở tại nhà, không đi ra ngoài; lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 100% người dân ở trong khu vực phong tỏa cứng định kỳ 3 ngày/lần và đề xuất xử lý hóa chất nhà ở trong khu vực phong tỏa định kỳ 3 ngày/lần; 5 nguồn lây nhiễm dịch bệnh cũng được xác định và nỗ lực khống chế, bao gồm các ca bệnh trong cộng đồng; nguy cơ lọt ra từ khu phong tỏa và các kiệt, hẻm (lọt người, lọt mầm bệnh từ không khí, chó mèo, rác thải); nguy cơ từ những người sau cách ly 14 ngày và nguồn lây từ đầu mối đưa hàng hóa vào chợ, cảng cá; lái xe về từ vùng dịch.

Thống kê cho thấy, có đến hơn 50% số ca mắc COVID-19 tại Đà Nẵng trong đợt dịch này xuất hiện tại các khu vực kiệt, hẻm nhỏ và các khu chung cư. Bên cạnh việc chấp hành chưa tốt các quy tắc phòng, chống dịch của các cá nhân thì môi trường sống chật hẹp, thiếu thông thoáng cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan. Vì vậy UBND TP Đà Nẵng đang xem xét, chuẩn bị phương án giãn dân trong trường hợp cần thiết tại những khu vực này và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Đối với các “vùng vàng” và “vùng xanh”, Sở Y tế TP Đà Nẵng đề xuất tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch đang thực hiện; đồng thời cho phép một số ngành nghề và dịch vụ cần thiết được hoạt động trở lại với các điều kiện: Đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine; xét nghiệm RT-PCR, hoặc test nhanh kháng nguyên 3 ngày/lần; tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đặc biệt là 5K, mang tấm che giọt bắn. Với hiệu quả từ việc cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng, Đà Nẵng cũng đang mở rộng đáng kể “vùng xanh”, đưa số số phường, xã không có ca nhiễm COVID-19 trong 1 tuần qua từ 1 xã phường lên 10 xã phường vào chiều 2/9.

Công an TP Đà Nẵng và Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp thực hiện việc cấp mã QR code trên giấy đi đường. TP Đà Nẵng cũng chuẩn bị cho người dân được đi chợ trở lại theo tần suất phù hợp để giảm tải cho việc cung ứng lương thực, thực phẩm qua các tổ dân phố và lực lượng Công an như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng quán triệt: “Trạng thái của chúng ta là luôn luôn sống cùng với dịch, chứ không thể nói rằng chúng ta ngăn chặn được nó”. Cùng với việc nỗ lực của chính quyền và các lực lượng, các ban ngành, đoàn thể, người dân cần tiếp tục tự giác thực hiện các biện pháp phòng dịch, bao gồm nguyên tắc 5K, góp phần khống chế, đẩy lùi dịch COVID-19.

Thân Lai
.
.
.