Đà Lạt đóng cửa mỏ, giá cát đá tăng cao
Quyết định đóng cửa toàn bộ các khu mỏ đang khai thác đá trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) kể từ năm 2023 đã khiến thành phố này bắt đầu lâm vào cảnh khan hiếm các loại vật liệu xây dựng là cát, đá, đất san lấp mặt bằng. Giá cả vì thế mà tăng vọt.
Cung không đủ cầu, cát đá khan hiếm
Trước đó, tháng 8/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh này khẩn trương chấn chỉnh hoạt động khai thác đá xây dựng trên địa bàn TP Đà Lạt, thống nhất thời hạn khai thác nhằm giảm thiểu tác động tới môi trường, cảnh quan của thành phố như đề xuất của Sở TN&MT tỉnh này. Theo đó, đối với giấy phép có thời hạn khai thác đá sau năm 2025, cho phép khai thác tới năm 2025. Sau khi giấy phép hết hạn khai thác thì doanh nghiệp được cấp phép phải trả lại giấy phép và thực hiện việc đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi cảnh quan theo quy định.
Hiện nay TP Đà Lạt có 3 khu vực đang được cấp phép khai thác đá, gồm mỏ đá Cam Ly (phường 5), mỏ đá Dã Chiến (phường 11) và mỏ đá phường 7. Mỏ đá Cam Ly nằm sát với trung tâm TP Đà Lạt. Việc khai thác đá suốt hàng chục năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan, môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp được cấp quyền khai thác đá xây dựng ở mỏ đá Cam Ly đã vi phạm các quy định của pháp luật, như khai thác ra ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép, lấn chiếm đất rừng, san lấp đất không đúng vị trí… UBND tỉnh Lâm Đồng buộc phải đưa ra lộ trình để đóng cửa các khu mỏ này.
Tuy nhiên, việc đưa ra lộ trình đóng cửa các mỏ đá hiện tại trên địa bàn TP Đà Lạt nhưng chưa quy hoạch, cấp phép thêm những mỏ khai thác đá mới đã khiến nguồn đất đá phục vụ xây dựng, san lấp mặt bằng tại Đà Lạt ngày càng trở nên khan hiếm. Đá chẻ dùng để làm móng nhà ang được các doanh nghiệp vật liệu xây dựng bán với giá từ 7.000 – 10.000 đồng/viên. Cát xây dựng khi tới tay người tiêu dùng cũng đã lên tới gần 400.000 đồng/khối. Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản vì thế cũng tăng vọt.
Cung không đủ cầu là nguyên nhân chính khiến giá tăng chóng mặt.
Doanh nghiệp xây dựng gặp khó
Từ nhiều năm qua, một số doanh nghiệp lớn đã phải xuống huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận để mua cát, vận chuyển gần 100km về Đà Lạt bán. Chi phí đầu tư lớn khiến giá các loại vật liệu xây dựng tới tay người tiêu dùng đội lên ngất ngưởng. “Chúng tôi biết rất rõ điều đó nhưng với chủ trương đóng cửa các mỏ khai thác đá ở Đà Lạt như hiện nay chúng tôi buộc phải đưa xe xuống tỉnh Ninh Thuận mua cát, vận chuyển về bán. Chắc chắn giá thành phải tăng!..”, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng ở phường 9, TP Đà Lạt cho biết. Sau năm 2025, khi tất cả các mỏ khai thác đá tại thành phố này đóng cửa hoàn toàn, chắc chắn giá cát, đá và đất san lấp mặt bằng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa.
Tại hội nghị gặp mặt doanh nghiệp ngành xây dựng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã nêu ra những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, nhất là đối với đá xây dựng. Một số doanh nghiệp cũng đã đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép khai thác đá sâu hơn so với cao độ đã được cấp giấy phép khai thác, công suất khai thác phù hợp với thời hạn mà UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo nhằm tăng nguồn cung ứng cho thị trường TP Đà Lạt. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, các công ty trên đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các điều kiện, thủ tục pháp lý, chưa xác định được cơ quan chủ quản trong lĩnh vực này để được đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.
Một số doanh nghiệp xây dựng còn phản ánh, tỉnh Lâm Đồng đang sống trên mỏ đất đá nhưng lại xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng là cát đá, đất phục vụ san lấp mặt bằng. Nhiều doanh nghiệp xây dựng ở Đà Lạt kiến nghị cấp có thẩm quyền “giải phóng” nguồn tài nguyên hiện có để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và chống thất thu thuế do hoạt động khai thác khoáng sản lậu gây ra.
Việc khan hiếm không những đẩy giá các loại vật liệu này tăng vọt mà còn khiến tình trạng khai thác cát, đá, đất trái pháp luật xảy ra tràn lan tại khu vực giáp ranh với TP Đà Lạt, về hướng huyện Lâm Hà và Lạc Dương mà Báo CAND đã nhiều lần phản ánh.
Xử phạt 6 đối tượng khai thác cát trái phép
Ngày 3/1, Công an TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cho biết đã tống đạt quyết định xử phạt hành chính 6 đối tượng khai thác cát trái phép, mỗi người bị phạt 25 triệu đồng.
Trong 6 trường hợp vi phạm, có 3 trường hợp bị bắt quả tang khi đang khai thác cát trái phép trên sông Tiền đoạn qua xã Thới Sơn vào ngày 6/1 và 3 trường hợp đang neo đậu phương tiện thủy để chuẩn bị khai thác cát. Ngoài bị phạt tiền, lực lượng chức năng tịch thu gần 7m3 cát là tang vật vi phạm và 135 triệu đồng, tương đương giá trị phương tiện các đối tượng tự ý sử dụng trái phép để thực hiện hành vi vi phạm. (Ðặng Thanh)