Công việc chăm sóc không lương của phụ nữ trong đại dịch COVID-19
Ngày 11/3, cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam phối hợp với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Văn Lang tổ chức Hội thảo tham vấn kết quả khảo sát về công việc chăm sóc không lương của phụ nữ trong đại dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.
Khảo sát được thực hiện từ tháng 10/2021 tới 2/2022 tại TP Hồ Chí Minh, với hơn 2.000 người tham gia phỏng vấn đến từ các nhóm ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Khảo sát đã cho thấy một bức tranh cập nhật về thực trạng bất bình đẳng của công việc chăm sóc không lương trong bối cảnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và đưa ra những bằng chứng quan trọng cho các khuyến nghị chính sách liên quan đến vấn đề này.
Qua khảo sát, có 61% nữ và 59% nam cho rằng công việc chăm sóc không lương là trách nhiệm của nữ; 49,7% nữ cho rằng nữ làm việc nhà vì không ai làm nên họ phải làm; 30,5% nữ cho biết thực hiện công việc chăm sóc không lương với lý do yêu thích công việc này.
Tư duy việc nhà là của phụ nữ vẫn tồn tại, giá trị của việc nhà chủ yếu là dừng ở việc “giữ lửa ấm trong gia đình”, chưa được đề cập tới khía cạnh đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Nhiều người cho biết, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vợ chồng ở nhà nên cùng nhau làm việc nhà, công việc chăm sóc không lương như nội trợ nấu ăn, vệ sinh nhà cửa, công việc chăm sóc… đã được nam giới chia sẻ với phụ nữ, nhưng gánh nặng vẫn trên vai người phụ nữ là chính. Nếu trước dịch, phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương 70%, nam giới là 30%; trong dịch có sự chia sẻ, phụ nữ làm 60%, nam giới làm 40%.
Điều này cho thấy sự tham gia chia sẻ công việc chăm sóc không lương đã tạo một số tác động tích cực tới phụ nữ và gia đình, tăng cường gắn bó, chia sẻ trong gia đình.
Một số phụ nữ cho rằng các quảng cáo trên truyền hình không nên lúc nào cũng là phụ nữ làm việc nhà mà cần có hình ảnh của nam giới; cần tuyên truyền cho nam giới, nhất là giáo dục cho các bé trai về trách nhiệm làm việc nhà để chia sẻ với phụ nữ.
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn kết quả nghiên cứu, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng, gánh nặng của công việc chăm sóc không lương đã và đang cản trở việc nâng cao vị thế và sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, xã hội. Việc khẳng định và nâng cao vai trò thiết yếu của công việc chăm sóc không lương trong gia đình với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội; đặc biệt trong những tình trạng khẩn cấp như dịch bệnh COVID-19 sẽ thúc đẩy sự phân chia công việc bình đẳng hơn, trao quyền cho người phụ nữ và làm cơ sở vững chắc cho bình đẳng giới.
Kết quả khảo sát sẽ là bằng chứng quan trọng cho việc phối hợp với các ngành nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công việc chăm sóc không lương trong gia đình, nơi làm việc và là cơ sở để tham mưu, đề xuất chính sách xã hội tại TP Hồ Chí Minh.