Cố đô Huế hướng đến đô thị giảm rác thải nhựa

Thứ Ba, 24/05/2022, 05:35

Cố đô Huế đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024. Từ đó, các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển trên địa bàn tỉnh không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa như lâu nay.

Lãnh đạo UBND TP Huế cho biết, sau khi mở rộng địa giới hành chính, TP Huế có một hệ thống sông tự nhiên và nhân tạo dày đặc cùng đổ vào đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Đây là hệ đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, có giá trị cao về môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.

Cố đô Huế hướng đến đô thị giảm rác thải nhựa -0
Ảnh minh họa.

Hiện, khu vực này đã và đang chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động xả thải trực tiếp rác thải trên sông Hương và các hoạt động xả thải của các khu vực dân cư sinh sống dọc theo hệ thống các sông chảy qua địa bàn thành phố. Mặc dù những năm qua, tỷ lệ thu gom rác thải ở TP Huế rất cao, cụ thể năm 2020 đạt 98% nhưng ô nhiễm rác thải nhựa vẫn đang là một vấn đề môi trường nghiêm trọng ở một số lưu vực sông hồ xung quanh Hoàng Thành, các khu chợ ngoài trời,…

Trước thực trạng trên, TP Huế đã triển khai thực hiện dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF) viện trợ, được phê duyệt vào đầu năm 2022.

Dự án nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công - tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024, với mục đích giúp Huế ngày càng xanh hơn, sạch hơn.

Dự án hiện đã hoàn thành giai đoạn 1; UBND TP Huế đang tích cực phối hợp cùng WWF - Việt Nam để hoàn tất việc điều chỉnh, bổ sung văn kiện trình UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt để làm cơ sở triển khai dự án trong giai đoạn 2.

Vừa qua, đoàn công tác dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” cũng làm việc với Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) Thừa Thiên-Huế. Hai bên đã phối hợp trong việc sử dụng các dịch vụ đô thị thông minh và áp dụng công nghệ thông tin trong tăng cường công tác giám sát thực hiện các chính sách, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, truyền thông và huy động sự tham gia của người dân vào quản lý chất thải rắn, giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác thải tại nguồn.

Với mục tiêu đến năm 2024, TP Huế trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, xử lý và đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp. Như vậy, đến năm 2030, hệ thống các dòng sông và hệ sinh thái khu vực đất ngập nước trên địa bàn TP Huế sẽ được bảo vệ khỏi ô nhiễm rác thải nhựa thông qua việc tham gia vào chương tình đô thị giảm rác thải nhựa và sự tham gia tích cực của các bên liên quan từ các khối công - tư, các tổ chức xã hội và cộng đồng địa phương.

Ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm IOC Thừa Thiên-Huế cho rằng, cùng với phong trào Ngày Chủ nhật xanh, Thừa Thiên-Huế nói chung và IOC nói riêng luôn luôn đồng hành cùng các chương trình, dự án liên quan đến môi trường; Hue-S cũng đã đưa vào hoạt động mạng lưới Ngày Chủ nhật xanh, các phản ánh hiện trường liên quan đến vệ sinh môi trường được phân loại một lĩnh vực riêng.

Đại diện dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy đã đưa ra một số ý tưởng, nội dung mà hai bên hợp tác trong thời gian đến, cụ thể là hỗ trợ nghiên cứu giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phát hiện các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường thông qua giám sát camera; xây dựng các bản đồ số điểm nóng rác thải nhựa và bản đồ số các điểm cung cấp dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn “xanh”…

Người dân và du khách trong nước và quốc tế có thể gửi phản ánh kiến nghị khi các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện như cam kết. Để nâng cao nhận thức của người dân về giảm thiểu rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, giữa tháng 5/2022, TP Huế ra mắt Trung tâm Thông tin môi trường. Trung tâm gồm 3 khu vực chính, khu thông tin ở trong nhà, khu trưng bày và khu trải nghiệm/tương tác.

Để phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, TP Huế vừa sử dụng 468 thùng lưu chứa rác loại lớn trên khắp địa bàn. Ông Trần Song, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế cho biết, TP Huế là đô thị thứ 7 của Việt Nam và thứ 32 trên thế giới tham gia vào mạng lưới các đô thị giảm nhựa này.

Hải Lan
.
.
.