Chúng tôi đến tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối
Suốt buổi sáng đến trưa 26/7, hàng ngàn người dân TP Hồ Chí Minh và người dân ở các tỉnh đã đến Hội trường Thống Nhất viếng và nán lại để tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối…
Đi từ 3h sáng đến 5h thì bà Nguyễn Thị Tuyết (66 tuổi, cựu giáo viên tại Bến Cát, Bình Dương) mang theo bài thơ vừa được bà viết có mặt tại Hội trường Thống Nhất chờ đến giờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bà Tuyết xúc động: "Tổng Bí thư mất là sự mất mát lớn lao của đất nước. Trước cảm xúc không thể nào tả được tôi đã viết lên bài thơ này để tỏ lòng tôn kính, tỏ lòng biết ơn của một người dân đối với một người lãnh đạo vì nước vì dân đáng kính này. Hôm nay là ngày cuối được viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên tôi tranh thủ đến sớm để giữ mãi những giây phút này trong tim".
Hình ảnh cụ ông 89 tuổi nắm tay dắt cụ bà 82 tuổi chống gậy, ngực đeo đầy huân huy chương rời khỏi Hội trường Thống Nhất sau khi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xong khiến ai chứng kiến cũng xúc động. Khi hỏi ra mới biết họ không phải vợ chồng mà là những đồng đội từng nhiều năm chiến đấu cùng nhau, đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ gặp nhau một cách tình cờ nhưng lại cùng chung niềm thương tiếc đối với người lãnh đạo đáng kính của đất nước.
Vết thương thời chiến tranh khiến bước chân chậm chạp của bà Vũ Thị Minh Thái (57 năm tuổi Đảng, ngụ Tân Phú) phải nhờ vào cây gậy sắt. Khi được hỏi đến, bà Thái xin mọi người cho bà một phút để cúi đầu mặc niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Đồng chí là người cộng sản kiên trung hết lòng vì nước vì dân, con người tài ba lỗi lạc, được nhân dân trong nước yêu kính và được nhân dân thế giới kính phục. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã hết mình vì lý tưởng cộng sản cho nên tôi rất ngưỡng mộ.
Hôm nay đến viếng với một tấm lòng thương tiếc vô hạn. Đồng chí ra đi không chỉ một mình tôi buồn mà cả triệu người buồn, có lúc không cầm được mắt. Tôi đã khóc khi biết những ngày cuối đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dù nằm trên giường bệnh vẫn tiếp tục công việc để lo cho nước, cho dân. Bởi thế những thế hệ mai sau không được lãng quên những công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” - bà Thái xúc động.
Ông Hồ Phước Ba (89 tuổi, ngụ Tân Bình) đứng cạnh lâu lâu lấy tay đỡ phía sau vì sợ bà Thái ngã. Gương mặt vẫn còn đọng lại vẻ u buồn. Ông Ba cho hay, sống đến tuổi này, mỗi lần Hội trường Thống Nhất tổ chức quốc tang cho các lãnh đạo, không lần nào ông không đến viếng nhưng lần này khi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại cho ông một cảm xúc khó tả.
“Một người học trò xuất sắc của Bác Hồ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một di sản lớn cho đất nước, lấy lại lòng tin vào Đảng cho nhân dân. Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử nhưng khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi, tôi và những người trong Hội cựu chiến binh đều hết sức ngỡ ngàng, đau xót!” - ông Ba xúc động.
Sáng nay, dòng người từ các tỉnh thành và người dân thành phố đổ về Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn rất đông đảo. Trong dòng người ấy có rất nhiều bạn trẻ là sinh viên, học sinh. Đứng trong dòng người, khăn quàng đỏ trên vai, em Nguyễn Ngô Anh Thư (học sinh lớp 7, Trường THPT Hồng Bàng) cho biết, em được nghe rất nhiều về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ba mẹ, từ tin tức thời sự nên khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, bé Anh Thư đã hét lớn, sụt sùi khóc báo với cả nhà.
“Con học được từ ông bài học giản dị và sẽ cố gắng học tập, rèn luyện đức tính của ông. Nhà con rất quí trọng ông nên khi ông mất nhà con cũng treo cờ rủ! Hôm nay vào viếng ông lần cuối, con thấy rất buồn!” - bé Anh Thư chia sẻ.
Ông Trần Minh Phúc (82 tuổi, quê Hưng Yên) dẫn theo cháu nội 8 tuổi vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Phú từ Hải Dương vào thăm những người con sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, ông Phúc nhờ con chở mình đến viếng.
“Tôi tự hào được gặp vào tiếp xúc với Tổng Bí thư 3 lần, đó là những lần Tổng Bí thư tiếp xúc cử tri ở Hà Nội và Hải Dương. Những lần tiếp xúc, tôi đều thấy Tổng Bí thư toát ra vẻ mộc mạc, giản dị, gần gũi với người dân. Những việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho đất nước và người dân là vô cùng quý báu. Vì vậy dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn muốn được đến viếng, thắp nén nhang cùng mọi người tiễn Tổng Bí thư lần cuối cùng”.
12h, dòng người vẫn đổ dồn về Hội trường Thống Nhất đứng từ xa để chuẩn bị theo dõi lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giây phút lắng đọng, đong đầy cảm xúc.
Trưa 26/7, theo Ban tổ chức lễ viếng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ 7h đến 10h có 180 đoàn đến viếng (trong đó có 1 đoàn Trung ương, 4 đoàn nước ngoài, 175 đoàn trong nước) với hơn 10.664 người.