Chủ động ứng phó mưa lớn kéo dài tại miền Trung

Thứ Sáu, 26/11/2021, 18:57

Chiều tối ngày 26/11, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT) đã có công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, TP từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên yêu cầu chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 26/11 đến 30/11 tại các tỉnh, TP khu vực miền Trung và Tây Nguyên có mưa to đến rất to; dự báo các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có mưa phổ biến từ 300-500mm, có nơi trên 600mm; các tỉnh, TP Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa phổ biến từ 100-250mm, có nơi trên 250mm.

Từ ngày 27/11 đến 1/12, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên lên báo động 1, báo động 2, có sông trên báo động 3. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị.

mua-lu-quang-binh-2-5901.jpeg -0
Đợt mưa lớn từ Quảng Nam đến Khánh Hòa có mưa phổ biến từ 300-500mm, có nơi trên 600mm, nguy cơ ngập lụt nhiều nơi.

Để chủ động đối phó với diễn biến của mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT - Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị các tỉnh, TP từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn cho người, tài sản và sản xuất.

Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân tại các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, chia cắt; kiểm tra công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm theo phương châm 4 tại chỗ.

Rà soát, bổ sung các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, khơi thông dòng chảy ở các vị trí bị tắc nghẽn và kiểm tra khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn.

Tổ chức lực lượng để canh gác, cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt khi có lũ và các khu vực bị sạt lở; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục đảm bảo giao thông.

Chỉ đạo kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước; công tác vận hành các hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

T.Linh
.
.
.