Chủ động phòng ngừa cháy rừng trong mùa khô
Các tỉnh miền Tây đang trong cao điểm nắng nóng kéo dài kèm theo thiếu hụt lượng mưa, dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm), tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. Tại các địa phương, gồm: An Giang, Kiên Giang và Cà Mau,… cũng đã xảy ra tình trạng cháy rừng.
Tiền Giang có tổng diện tích đất rừng là hơn 2.600ha thuộc địa bàn các huyện: Tân Phước, Gò Công Đông, Tân Phú Đông. Trong đó, có các khu vực rừng quan trọng bảo tồn hệ động thực vật hoang dã, như: Khu bảo tồn và du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười thuộc xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước). Khu bảo tồn có diện tích khoảng 100ha tại khu trung tâm và 1.800ha vùng đệm, nơi có hệ sinh thái vùng ngập nước độc đáo, đa dạng, bảo tồn nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm đặc hữu vùng Đồng Tháp Mười. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài như hiện nay, mùa khô đang vào cao điểm nên nguy cơ xảy ra cháy đang ở mức cao.
Ông Nguyễn Quang Viên, Giám đốc Khu bảo tồn và du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười cho biết: “Ngoài nhiệm vụ bảo tồn và gìn giữ các loài động, thực vật của vùng Đồng Tháp Mười, công tác PCCC được đặt lên hàng đầu. Đơn vị đã ký liên kết về an toàn PCCC với chính quyền địa phương và các đơn vị đóng trên địa bàn”. Trung tá Huỳnh Văn Phong, Phó trưởng Công an xã Thạnh Tân cho biết, Công an xã đã chủ động phối hợp Ban Quản lý Khu bảo tồn thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa cháy rừng, tuyên truyền đến người dân nâng cao công tác PCCC.
Theo ông Nguyễn Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp, địa phương có gần 12.500 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đất có rừng là gần 6.100ha, phân bố trên địa bàn các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh. Đồng Tháp có 6 khu vực nguy cơ cháy rừng ở mức cấp IV (nguy hiểm), gồm: Khu vực rừng Bạch đàn Đoàn Kinh tế Quốc phòng 959; Khu A4 Vườn Quốc gia Tràm Chim; Khu vực cặp lộ Kênh Hội Kỳ Nhất thuộc Rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười, huyện Tháp Mười; Trại giống Động Cát (Lô 3 khoảnh 4); Khu Di tích Gò Tháp (khu vực sau đền thờ, khu kêu gọi đầu tư); Rừng tràm Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh). Đa số rừng dự báo cấp IV đều nằm tiếp giáp đất sản xuất nông nghiệp, gần đường giao thông và Khu di tích Quốc gia Gò Tháp.
Để chủ động trong công tác PCCC rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các chủ rừng đưa nước vào rừng giữ ẩm, thường xuyên vận hành máy chữa cháy 2 lần/tuần; tăng cường tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao, phát hiện cháy sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, gây cháy rừng; chủ động xử lý kịp thời khi xảy ra cháy rừng theo phương châm “bốn tại chỗ”.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng vừa ban hành kế hoạch diễn tập phòng chống cháy rừng. Thời gian diễn tập dự kiến trong tháng 5/2024, địa điểm tại rừng tràm Gáo Giồng (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh), với hình thức diễn tập thực binh khoảng 25ha. Tình huống giả định xảy ra cháy tại khu “Bảo tồn cây tre, tràm” thuộc rừng tràm Gáo Giồng (thuộc Lô 5, Lô 6, Khoảnh 1, Khu A, Đội II, Rừng tràm Gáo Giồng). Nguyên nhân giả định xảy ra cháy do mâu thuẫn tranh chấp đất, người dân đốt phá hoại, người dân vùng ven xâm nhập trái phép vào rừng bắt ong bất cẩn làm rơi tàn lửa gây cháy, vào mùa hanh khô, nắng nóng kéo dài làm cho lớp cỏ bị khô và dày, độ ẩm trong rừng xuống thấp, cảnh báo cháy rừng tăng lên cấp độ V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh năm nay nắng nóng kéo dài, nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao. UBND tỉnh đưa ra kế hoạch diễn tập phòng chống cháy rừng trong mùa khô để khi có tình huống xảy ra lực lượng chức năng có biện khắc phục kịp thời. Thông qua công tác diễn tập góp phần tuyên truyền sâu rộng đến các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương có rừng và người dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố cháy rừng và hạn chế đến mức thấp nhất không để xảy ra sự cố, thảm họa gây thiệt hại về người và tài sản.