Cắt điện khiến doanh nghiệp bị chậm, mất đơn hàng

Thứ Tư, 14/06/2023, 05:56

Nửa tháng qua, tình trạng cắt điện diện rộng ở miền Bắc khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thực trạng này, nhiều DN lo ngại miền Bắc còn nắng nóng kéo dài, việc cắt điện nếu không được tính toán lại, các công ty sẽ rất khó khăn để duy trì sản xuất.

Doanh nghiệp trở tay không kịp

Cắt điện, mất điện khiến hàng loạt DN phải loay hoay tìm phương án đối phó. Ông Phạm Danh Mạnh, Giám đốc sản xuất, Công ty TNHH Thắng Lợi (VICO) ở Nam Định, cho biết, do đặc thù của DN là sản xuất nấu luyện thép nên sử dụng nhiều điện và phụ thuộc hết vào điện lưới. DN cung ứng thép cho thị trường trong nước và xuất khẩu nên việc đảm bảo đơn hàng kịp tiến độ rất quan trọng.

1120230609102020.jpeg -0
Mực nước tại hồ thuỷ điện Hoà Bình chưa bao giờ xuống thấp như hiện nay.

Do vậy, DN của ông cần một kế hoạch cắt điện cụ thể và dài hạn để chủ động kế hoạch sản xuất, kịp đơn hàng xuất khẩu. Chia sẻ với khó khăn của ngành điện trong bối cảnh chung hiện nay, DN này cũng đã chủ động các giải pháp tiết kiệm điện, sản xuất vào giờ thấp điểm để đảm bảo tiến độ sản xuất.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thiết bị điện MBT ở Đan Phượng, Hà Nội cho biết, hoạt động của công ty bị đảo lộn khi mấy ngày qua xưởng sản xuất bị cắt điện liên tục, từ 7h sáng đến 5h chiều.

Theo ông Nam, mọi năm cao điểm nắng nóng, nếu cắt điện, ngành điện đều báo trước khoảng 2 ngày để DN chuẩn bị phương án, nhưng năm nay chỉ báo trước 2 tiếng, khiến DN trở tay không kịp. Việc mất điện ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng, thời gian giao hàng. Do đó, công ty có thể đối diện với nguy cơ bị phạt chậm đơn hàng, thậm chí mất đơn hàng.

Để ứng phó với tình trạng mất điện, bà Dương Thị Liên Hương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tây Bắc Đô (Hà Nội) cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay, DN đã trải qua 4 đợt cắt điện. Để khắc phục và sớm hoàn thành đơn hàng gần nhất, DN bám sát lịch cắt điện, tăng giờ, tăng ca những ngày có điện. Những hôm bị cắt điện, DN tập trung vào các công đoạn không sử dụng máy móc, thiết bị để bảo đảm tiến độ giao hàng.

Không chỉ lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng bởi cắt điện, mới đây, 3 hiệp hội DN liên quan đến hoạt động cảng biển và Logistics Việt Nam, gồm: Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam vừa có công văn gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng về việc cung cấp điện cho các cảng khu vực cảng Hải Phòng.

“Trong giai đoạn cao điểm nắng nóng, nhu cầu điện tăng cao như hiện nay, các Hiệp hội hoàn toàn chia sẻ khó khăn tới ngành điện, tuy nhiên, vì tần suất cắt điện (theo kế hoạch và đột xuất) đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của cảng và dòng chảy của nền kinh tế”, công văn nêu.

Theo ông Lê Hồng Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, cắt điện làm tăng chi phí, đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giao hàng không đúng tiến độ, chuỗi sản xuất bị gián đoạn, đồng thời còn có thể dẫn đến hủy đơn hàng…

Làm gì để có đủ điện?

Mặc dù rất chia sẻ với ngành điện trước khó khăn chung, song thiếu điện đang tăng gánh nặng cho DN sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và tình hình kinh tế thế giới ảm đạm. Để đảm bảo sản xuất, DN mong muốn cơ quan chức năng sớm có giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài để bảo đảm nguồn điện cho sản xuất.

Cắt điện khiến doanh nghiệp bị chậm, mất đơn hàng -0
Đến ngày 13/6, tình hình cung ứng điện đã có phần cải thiện.

Theo đó, 3 Hiệp hội nêu trên đề nghị hệ thống lưới điện thành phố Hải Phòng và quốc gia cần có các nguồn điện dự phòng, xem xét điều phối lại nguồn điện cho từng khu vực, ngành nghề một cách phù hợp, trong đó đặc biệt ưu tiên đảm bảo cung ứng điện cho các cảng luôn trong tình trạng sẵn sàng, liên tục 24/7.

Trên thực tế, việc thiếu điện không phải bây giờ mới diễn ra mà đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, vấn đề căn bản nằm ở việc chậm triển khai các nguồn điện có tính ổn định cao. Theo Bộ Công Thương, có 10 dự án nguồn điện lớn với tổng công suất gần 7.000MW dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020 nhưng bị chậm tiến độ, gây nguy cơ thiếu điện đến năm 2025.

Thực tế, miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước, ngưỡng 9,3%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020, tương ứng gần 6.000MW. Nhưng tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600MW giai đoạn này, khoảng 4,7% một năm. Ngược lại, ở miền Trung và miền Nam, tăng trưởng nguồn điện cao hơn nhiều so với tăng trưởng nhu cầu.

Trong khi, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 KV Bắc - Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 - 2.700MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố. Do đó, trước mắt, không còn giải pháp nào khác là phải tiết kiệm điện. Hiện, giải pháp ngành điện đưa ra là cắt điện luân phiên và kêu gọi tiết kiệm điện tự nguyện từ phía DN và người dân.

Với việc cắt điện luân phiên, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, sẽ căn cứ Thông tư 34 của Bộ Công Thương hướng dẫn để phân bổ công suất sử dụng đó cho EVNNPC và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Hai đơn vị này căn cứ hướng dẫn sẽ phân bổ công suất sử dụng cho từng điện lực tỉnh, thành. Sau khi có công suất phân bổ đó, điện lực các địa phương sẽ xây dựng các kế hoạch và thứ tự ưu tiên đối với các khách hàng.

Giáo sư. TSKH Trần Đình Long, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, để ứng phó với tình trạng mất điện, DN cần tính toán có nguồn điện dự phòng riêng, ít nhất đủ để vận hành những khâu quan trọng, dù trước mắt là tốn kém.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu điện còn có thể diễn ra, do vậy chủ động nguồn điện là việc cần làm. Bên cạnh đó, các địa phương cần có chính sách rõ ràng và minh bạch trong việc ưu tiên cho sản xuất, cụ thể thứ tự ưu tiên, khung giờ ưu tiên.

Ngành điện cũng cần thông tin trước tình hình cắt điện trong trung hạn, như trong tháng 6 cắt điện khoảng ngày nào, mức là bao nhiêu, để DN chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, mọi người dân hãy cùng đồng hành với ngành điện để vượt qua giai đoạn này. Về trung hạn và dài hạn, cần nhanh chóng đầu tư vào đường dây truyền tải Trung - Bắc.

Về giải pháp căn cơ trong cung ứng điện trong tháng 6, tháng 7, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, xây dựng kịch bản cung ứng điện cho từng địa phương, khu vực phù hợp theo chỉ đạo của UBND các tỉnh/ thành phố.

Bên cạnh đó, EVN đang bám sát diễn biến thực tế tình hình nước từ thượng nguồn về các hồ thuỷ điện và việc xử lý, khắc phục sự cố các tổ máy nhiệt điện và đảm bảo cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện. Việc đảm bảo cho cung ứng điện trong tình hình hiện nay được thực hiện tối ưu nhất có thể trong hoàn cảnh hiện có. Đến ngày 13/6, tình hình cung ứng điện đã có phần cải thiện.

Hiện, EVN đã và đang đôn đốc sửa chữa các tổ máy nhiệt điện than bị sự cố, sớm vào vận hành, đảm bảo đủ nhiên liệu. Thủy điện vẫn đang trông đợi đợt mưa trong tuần, nếu có mưa thượng nguồn sẽ đẩy được mức nước các hồ lên. Đường dây 500KV Bắc - Nam vẫn đang duy trì truyền tải cao liên tục, do vậy phải giám sát liên tục để đảm bảo vận hành an toàn. Về phía tiêu thụ điện thì mọi khách hàng cần triệt để tiết kiệm điện.

Khắc phục khó khăn để đảm bảo cung ứng điện

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện hiện nay. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN, PVN, TKV có trách nhiệm tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp được giao đạt hiệu quả, khắc phục nhanh nhất các khó khăn về cung ứng điện hiện nay.

Các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương trong cả nước phối hợp, hỗ trợ cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm khắc phục khó khăn để đảm bảo cung ứng điện. Trong điều kiện khó khăn nhất phải điều tiết cắt giảm điện, EVN phải tổ chức thực hiện theo đúng quy định và có giải pháp giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất, đời sống của nhân dân. (Phan Đức)

Lưu Hiệp
.
.
.