Cảnh giác từ các vật dụng in hình bản đồ Việt Nam không có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
Theo Công an thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện nay trên thị trường xuất hiện các mẫu áo phông, cổ tròn, màu đỏ, phía trước in hình ngôi sao vàng năm cánh, sau lưng in hình bản đồ Việt Nam nhưng không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tương tự, vào cuối tháng 5 vừa qua, Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa cũng đã vận động chủ ki ốt tại chợ Phủ Thọ, thị trấn Thọ Xuân giao nộp 7 áo có in bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước đó, các lực lượng chức năng huyện Thọ Xuân cũng đã phát hiện, vận động 3 cơ sở buôn bán quần áo tại xã Thọ Lâm và nhiều học sinh tự nguyện giao nộp nhiều áo có in bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành cũng đã khuyến cáo tình trạng nhiều phương tiện giao thông vận tải đường bộ của các tổ chức, cá nhân có dán hình ảnh bản đồ Việt Nam trên kính, thân xe và khung biển số xe, nhưng không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Do các phương tiện giao thông có phạm vi lưu thông rộng, tác động lớn đến thị giác người dân và du khách nước ngoài nên có thể hình thành ý thức sai lệch về chủ quyền biển, đảo. Mặc dù Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng trên thực tế thời gian qua, những thế lực xấu vẫn tìm cách phủ nhận chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Một số tổ chức, cá nhân tuyên truyền, quảng bá, lưu hành những bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên nhiều phương tiện, vật dụng; từ hình ảnh trong các bộ phim, in trên tài liệu, vật trang trí, áo, nón và các hình ảnh dán lên kính, thân xe và khung biển số xe… nhằm cố tình làm sai lệch ý thức chủ quyền biển, đảo ngay chính tại Việt Nam.
Có thể nhiều người cho rằng hình ảnh bản đồ Việt Nam trên các vật dụng như nón, áo, khung biển số xe… là nhỏ, việc thể hiện quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ là những chấm nhỏ nên không chú ý và dễ dãi cho qua. Tuy nhiên, mưu đồ của các đối tượng, thế lực xấu là rất rõ ràng. Bởi chính những bản đồ “khiếm khuyết” này sẽ làm người dân mất cảnh giác về trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Những quốc gia tranh chấp biển, đảo với Việt Nam cũng có thể dựa vào tình trạng lưu hành bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa ngay tại đất nước Việt Nam để gây bất lợi cho chúng ta trong công tác đấu tranh pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Bên cạnh đó, cũng cần nhắc thêm là hình ảnh những “đường lưỡi bò” phi pháp bị các thế lực xấu tìm cách “cài cắm” tinh vi, len lỏi ở khắp nơi, khi thì ở cái áo phông du lịch, khi ở cái mũ lưỡi trai, lúc thì ở cái đèn lồng đỏ… Do đó, chúng ta cần cảnh giác không để lọt “đường lưỡi bò” phi pháp có thể lưu hành và càng không thể chấp nhận việc các vật dụng in hình bản đồ Việt Nam lại thiếu hình ảnh hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo quy định của pháp luật, việc sản xuất, buôn bán và sử dụng vật dụng như nón, áo, biển số xe… có in bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hình ảnh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 11, Nghị định số 18/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đo đạc và bản đồ. Mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu đồng…