Cảnh báo tai nạn khi thi công ngành điện
Quá trình thi công các dự án liên quan đến ngành điện, do không tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động nên hằng năm, vẫn xảy ra các vụ việc đáng tiếc, lấy đi sinh mạng của nhiều người. Mặc dù ngành chức năng đã cảnh báo, nhưng xuất phát từ yếu tố chủ quan, tai nạn vẫn xảy ra.
Vào khoảng 14h30 ngày 6/5, mưa lớn kéo dài đã gây ra sự cố sạt lở tại khu vực thi công vị trí móng cột 28 đường dây 500kV mạch 3 cung đoạn Quảng Trạch - Quỳnh Lưu trên địa bàn huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh làm 3 người chết, 4 người bị thương.
Đây là dự án thành phần thuộc Dự án đường dây 500kV mạch 3, chiều dài 514km Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) với tổng vốn đầu tư 23.000 tỷ đồng. Dự án do Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án các công trình điện Miền Trung quản lý điều hành, đơn vị thi công vị trí xảy ra tai nạn là Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 nhưng thời điểm xảy ra vụ việc, doanh nghiệp này không thực hiện mà thuê nhà thầu có địa chỉ tại Hà Tĩnh thực hiện. Quá trình thi công đã vi phạm mở đường công vụ trái phép trên đất rừng phòng hộ, cùng với đó tại nhiều vị trí móng cột thực hiện trên sườn núi cao nhưng không có các biện pháp đảm bảo an toàn lao động cũng như tập kết khối lượng đất, đá. Hậu quả là sau những trận mưa lớn đã gây ra sạt lở, bồi lấp khe suối, trong đó việc lán trại của công nhân bị vùi lấp khiếp 7 người thương vong là sự việc đã được cảnh báo từ trước.

Trước đó, vào ngày 11/11/2023, quá trình thi công dự án đường dây điện 110kV Lộc Hà (Hà Tĩnh), Công ty CP xây dựng điện VNECO4, địa chỉ tại thành phố Vinh (Nghệ An) tiến hành đào đất để thi công móng cột nhưng không có các biện pháp, thiết bị cảnh báo dẫn đến thai phụ Nguyễn Thị N. (SN 1987), trú tại xã Bình An, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) sa chân xuống hố công trình tử vong. Đây là dự án đường dây điện do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 135 tỉ đồng. Cũng trên địa bàn Hà Tĩnh, trước đó trong quá trình thực hiện dựng cột kéo cáp viễn thông dưới đường dây 35kV, nhóm gồm 4 công nhân đã vi phạm khoảng cách an toàn bị phóng điện dẫn đến tử vong. Cũng thời gian này, tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) 4 công nhân trong lúc thi công dựng cột viễn thông cũng bị đường điện 35KV phóng trúng, khiến cả 4 người đều không qua khỏi.
Tai nạn liên quan đến ngành điện xảy ra chủ yếu là do lỗi chủ quan, không đảm bảo khoảng cách an toàn nhưng các đơn vị thi công vẫn phớt lờ. Nhiều dự án, công trình vẫn vô tư thi công dưới đường điện trung thế, cao thế bất chấp nguy hiểm luôn rình rập. Đơn cử, trong thời gian này, Công ty TNHH Xây dựng Khánh Môn (xã Đồng Môn, TP Hà Tĩnh) đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng khuôn viên Trung tâm điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh, hạng mục san nền và tường bao. Dự án thực hiện dưới đường dây trung áp và trạm biến áp, mặc dù từ ngày 29/12/2023, UBND TP Hà Tĩnh đã có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình di dời đường dây 22kV và Trạm biến áp phục vụ công tác GPMB dự án. Tuy nhiên, đến nay đơn vị trúng thầu là Công ty điện lực Nam Hà vẫn chưa thực hiện việc tháo dỡ, thu hồi toàn bộ tuyến đường dây trung áp gồm 8 cột điện và xây mới đường dây với chiều dài 699m.
Thay vào đó, Công ty TNHH Xây dựng Khánh Môn làm bản cam kết gửi Công ty điện lực Hà Tĩnh về việc thực hiện đảm bảo an toàn khi xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không. Điện lực TP Hà Tĩnh đã đồng ý cho doanh nghiệp này công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện cao áp trên không. Hằng ngày, xe ben, xe tải vẫn vô tư chở vật liệu, đất đá để san lấp, nâng hạ ben dưới hàng lang lưới điện. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng khuôn viên Trung tâm điều dưỡng người có công và bảo trợ xã hội Hà Tĩnh do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, tổng mức hơn 19,6 tỷ đồng, với diện tích 3,1ha. Trước đó, ngày 19/01/2022, Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup cũng đã có văn bản đồng ý tài trợ xây dựng khu chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi và đối tượng bảo trợ xã hội tỉnh Hà Tĩnh trên phần diện tích khuôn viên mở nói trên, với tổng mức đầu tư tối đa 70 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, mỏ cát tại thôn Mỹ Yên, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) để phục vụ thi công cao tốc Bắc – Nam cũng đã được đơn vị thi công là Công ty CP Tập đoàn Thành Huy, trụ sở tại thị trấn huyện Cẩm Xuyên thi công, khai thác sau khi đã hoàn thiện hồ sơ đấu nối tạm vào QL8C để vận chuyển vật liệu thi công cao tốc thành phần Hàm Nghi – Vũng Áng. Mỏ cát này có tuyến đường dây trung áp 35kV chạy qua. Đại diện Điện lực huyện Cẩm Xuyên thông tin, đường dây này ảnh hưởng đến mỏ cát nên buộc phải di dời. Nguyên tắc khi nào dự án được phép thi công thì sẽ lập phương án để di dời đường điện, tuy nhiên đến nay phía điện lực Cẩm Xuyên chưa thấy chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Thăng Long đề xuất. Trong khi đơn vị thi công đã bóc phong hóa, khai thác dưới chân các cột điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của đường dây. Thời gian vừa qua, phát hiện sự việc Công ty CP Tập đoàn Thành Huy dựng nhà kho và thi công dưới hành lang lưới điện, điện lực Cẩm Xuyên cũng đã kiểm tra hiện trường, lập biên bản và làm việc với chính quyền cũng như các đơn vị liên quan.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua tình hình tai nạn lao động trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 35 vụ tai nạn lao động, làm chết 27 người, bị thương 21 người. Trong đó, có những vụ việc nghiêm trọng như sạt lở đất vùi lấp lán trại khi thi công đường dây 500kV mạch 3 làm 7 người thương vong trong tháng 5/2024 vừa qua. Trước vấn nạn này, thực hiện Công điện số 51/CĐ-TTg ngày 21/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động, tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các doanh nghiệp triển khai biện pháp phòng ngừa, tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát, công tác diễn tập để giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Chủ động rà soát các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người lao động.
Thực hiện công tác tự kiểm tra, đánh giá để phát hiện các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời nhằm hạn chế tối thiểu nguy cơ tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt đối với các công trình, dự án trọng điểm, các doanh nghiệp có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.