Cẩn trọng “chợ thực phẩm online” dịp Tết

Thứ Ba, 10/01/2023, 06:24

Tết Nguyên đán càng đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng tăng cao. Đáp ứng nhu cầu này, rất nhiều các gian hàng "chợ thực phẩm Tết online" nở rộ cung cấp đủ các loại thực phẩm cho người tiêu dùng. Đằng sau sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian là những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh thực phẩm ở các gian hàng "chợ thực phẩm Tết online".

Món gì cũng có

Chỉ cần đăng nhập các trang mạng xã hội, thương mại điện tử, website… sản phẩm là thực phẩm phục vụ Tết được giới thiệu rất đa dạng, phong phú. Trong đó, phía Bắc có các thực phẩm như bánh chưng, thịt lợn xông khói, thịt trâu gác bếp, nấm hương, măng khô, mắc khén, hạt dổi… Sản phẩm miền Trung, miền Nam có đặc sản nem chua, giò bê, bánh tôm, trái cây sấy, khô gà lá chanh, hạt điều...

Hầu hết các thực phẩm phục vụ Tết đều được quảng cáo là sản phẩm tự làm, 100% nguyên liệu tươi, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại. Mặc dù nhiều sản phẩm không có nhãn mác, không được đăng ký chất lượng nhưng việc mua bán vẫn nhộn nhịp do chủ yếu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau.

thu pham.jpg -0
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ việc kinh doanh, vận chuyển thực phẩm “bẩn” dịp Tết Nguyên đán.

Có thâm niên 2 năm bán hàng online, cứ gần đến dịp Tết, chị Nguyễn Thị Thu, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội lại nhập thêm các loại đặc sản vùng miền để bán Tết. Chị Thu cho hay, trước Tết 2 tháng tôi đã liên hệ người quen ở các tỉnh ngoài Bắc đưa vào các loại đặc sản như thịt trâu, bò gác bếp, các loại giò, chả, nem, cá khô, mực khô... để bán. Càng gần đến Tết thì các loại thực phẩm này càng bán chạy do nhu cầu tăng cao.

Còn chị Nguyễn Thanh Xuân, trú quận Long Biên, Hà Nội, chủ một bếp chuyên cung cấp thực phẩm chín chia sẻ, thông thường dịp Tết, bếp ăn của chị sẽ cung cấp các mặt hàng như bắp bò ngâm mắm, bò khô, trâu khô, mứt dừa non… Người mua hàng chủ yếu là người quen, vừa để biếu vừa để sử dụng. Để đảm bảo uy tín, tất cả các loại thực phẩm, chị Xuân đều phải tự tay lựa chọn, đảm bảo tươi ngon. Chị cũng thường xuyên đăng tải các video clip nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến để khách hàng biết và yên tâm với các sản phẩm sử dụng. "Tôi bán giá cao hơn một chút so với ngoài thị trường vì các nguyên liệu đều được lựa chọn kỹ càng và đặc biệt không sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản", chị Xuân cho biết.

Khó quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

Trên thực tế, không phải cơ sở kinh doanh thực phẩm online nào cũng đảm bảo uy tín và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã có không ít trường hợp người tiêu dùng mua phải các sản phẩm thực phẩm online không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từng tin tưởng vào một trang mạng online chuyên bán đặc sản giò bê Nghệ An, chị Nguyễn Thu Hương kể lại: "Năm ngoái, khi gần đến Tết, tôi bắt gặp hình ảnh quảng cáo sản phẩm rất chuyên nghiệp và có đặt mua 3kg giò bê để ăn Tết. 3 ngày sau tôi nhận được hàng gửi đến. Do không được kiểm tra hàng trước khi nhận, nên tôi phải thanh toán hết số tiền theo hình thức. Sau khi mở gói hàng ra thì tôi rất thất vọng bởi giò bê đã có dấu hiệu bị chảy nước, không tươi ngon và cuốn chặt như quảng cáo. Tôi có nhắn tin cho trang bán hàng online nhưng bên bán hàng đổ lỗi cho khâu vận chuyển nên tôi đành chấp nhận bỏ hết số giò trên".

Cơ quan chức nãng đã từng kiểm tra, xử phạt Bếp Hoa, một cơ sở chuyên kinh doanh thực phẩm online có địa chỉ tại phường Thịnh Quang, Ðống Ða, Hà Nội vì không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vào dịp Tết Nguyên đán, cơ sở này đang sản xuất bánh chưng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng bất ngờ kiểm tra đã phát hiện cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận VSATTP. Quá trình kiểm tra phát hiện nhân viên của cơ sở không đeo găng tay khi chế biến thực phẩm sống, chín lẫn lộn. Khu chế biến thực phẩm bốc mùi hôi, tanh mất vệ sinh.

Rất dễ nhận thấy các mô hình kinh doanh đồ handmade, homemade, đặc biệt là đồ ăn, bánh mứt kẹo... thường có quy mô nhỏ lẻ và phục vụ một nhóm khách hàng nhất định. Đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm loại này chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước, do đó, khó có thể bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng. Ngoài ra, khi chế biến, các cơ sở nhỏ lẻ hạn chế về các điều kiện vệ sinh an toàn từ khâu chọn nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến giao hàng, vì thế tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, các lực lượng chức năng trong đó có lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại. Công tác này tập trung vào việc sản xuất, buôn bán hàng hóa không bảo đảm chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại; các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết… Các lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, các website, mạng xã hội, các ứng dụng bán hàng trực tuyến…

Đại diện Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương cho biết, đối với hình thức "chợ mạng", thực tế cho thấy các cửa hàng trên mạng xã hội kinh doanh các sản phẩm thực phẩm đặc biệt là thức ăn chế biến sẵn luôn cam kết về nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, bảo quản nhưng rất khó để cơ quan chức năng giám sát việc hiện này. Người mua chỉ biết tin tưởng hoàn toàn vào lời quảng cáo cũng như sự trung thực của người bán mặc dù không phải người bán nào cũng giữ đúng cam kết của mình.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận như trước đây. Sau đó, căn cứ công bố của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt, nếu phát hiện sai phạm; mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định của pháp luật; đặc biệt có một số mặt hàng sẽ được miễn công bố. Tuy nhiên, với mô hình kinh doanh trên mạng rầm rộ như hiện nay, việc tự công bố của các cá nhận kinh doanh thực phẩm gần như là không thực hiện và rất khó xác định được địa chỉ kinh doanh chính xác đối với nhiều trường hợp.

Theo khuyến cáo của lực lượng QLTT, người dân cần trở thành người tiêu dùng khôn ngoan, phát hiện, không tham gia sử dụng và thông báo kịp thời cho cơ quan QLTT nơi gần nhất để xử lý nghiêm theo quy định các hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyễn Hương-Lưu Hiệp
.
.
.