Cần sớm sửa chữa Di tích địa đạo Vịnh Mốc
Địa đạo Vịnh Mốc (thôn Vịnh Mốc, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) nằm trong cụm di tích “Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, vào ngày 31/12/2014.
Nơi đây được thế giới biết đến trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; sau ngày thống nhất, một người Mỹ đến đây, kinh ngạc trước công trình này tồn tại sâu trong lòng đất và có câu nói nổi tiếng, “To be or not to be” (Tồn tại hay không tồn tại).
Trải qua thời gian, hiện nhiều cửa hầm của di tích địa đạo Vịnh Mốc đã xuống cấp nặng, cần sớm được sửa chữa phục vụ du khách tham quan cũng như giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống anh hùng cách mạng.
Để chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, từ tháng 6/1966 đến đầu năm 1968, quân và dân Vĩnh Linh đã huy động hơn 18 nghìn ngày công, đào và vận chuyển hơn 6.000m3 đất, đá, xây dựng nên địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng, dài trên 1.700m với 13 cửa. Hình ảnh làng quê đã được kiến tạo đầy đủ trong lòng đất, như căn hộ, giếng nước, nhà vệ sinh, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, hội trường…
Trong chiến tranh đánh phá miền Bắc, quân Mỹ đã giội xuống mảnh đất này hơn nửa triệu tấn bom đạn nhưng không phát hiện được địa đạo Vịnh Mốc, bởi nó được chọn đào ở một vị trí lý tưởng, bên dưới một quả đồi đất đỏ ba-zan cứng chắc, xung quanh được bao phủ bởi những hàng tre dày đặc và sát với bờ biển.
Sau giải phóng thống nhất đất nước, di tích này được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm sửa chữa, bảo tồn nhằm ghi nhớ, tri ân công sức bền bỉ, to lớn của quân và dân Vĩnh Linh, giáo dục thế hệ trẻ học tập, noi gương, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng; đồng thời, đưa vào khai thác du lịch, phát triển kinh tế-xã hội địa phương; quảng bá hình ảnh quê hương và con người Vĩnh Linh kiên cường, gan dạ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, di tích Quốc gia đặc biệt này đã thu hút hơn 20 ngàn khách tham quan, trong đó riêng dịp lễ 30/4, 1/5 vừa qua, di tích đã đón trên 1.000 lượt khách trong và ngoài nước/ngày. Để đảm bảo an toàn khi tham quan, khám phá địa đạo Vịnh Mốc, từ năm 1996 đến năm 2000, Ban Quản lý (BQL) Di tích địa đạo Vịnh Mốc đã phục dựng các cửa ra vào ở di tích này bằng cách ốp gỗ lim dọc các cửa với chiều dài khoảng 20m. Tuy nhiên, trải qua thời gian cộng với yếu tố ẩm ướt trong lòng đất, lại được xây dựng ở vùng đồi đất đỏ ba-zan vốn có nhiều mối mọt, nên các cửa này đã bị mục nát, mối mọt ăn thủng, trở nên hư hỏng nặng; trong đó, nhiều mảng tường lớn đã bị sập đổ.
Bà Nguyễn Thị Khánh Chi, Phó Trưởng BQL Di tích địa đạo Vịnh Mốc cho hay, trong số các cửa bị hư hỏng, xuống cấp nặng kể trên tập trung chủ yếu tại các cửa hầm số 1, 2, 6, 11 và 12. Do đó, BQL đã phải thay đổi lộ trình tham quan dưới lòng địa đạo này; dừng hẳn việc khai thác du lịch tại các cửa hầm bị hư hỏng, xuống cấp kể trên nhằm đảo bảo an toàn.
Qua trao đổi, ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị cho hay, việc tu sửa các cửa lên xuống ở địa đạo Vịnh Mốc là hết sức bức thiết. Ngày 12/5/2021, HĐND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng, tôn tạo tổng thể Di tích địa đạo Vịnh Mốc, giai đoạn 2.
Cụ thể, dự án sẽ được thực hiện trong thời gian 4 năm, từ năm 2025 - 2028 với tổng mức đầu tư 45 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ. Trong đó, phần tu bổ tập trung vào lòng địa đạo; cửa địa đạo; giếng thông hơi; giao thông hào; các công trình trong địa đạo như: Hội trường, trạm giải phẫu tiền phương, bảng tin, bếp Hoàng Cầm…
Phần tôn tạo có nhà ở truyền thống, cảnh quan làng quê giai đoạn chiến tranh, hệ thống chiếu sáng, thoát nước, sân đường nội bộ, công trình phục dựng để minh họa không gian và tinh thần của quân và dân Vĩnh Linh. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn phân bổ có hạn nên việc trùng tu, tôn tạo địa đạo Vịnh Mốc đến nay vẫn chưa thể triển khai.