Cần những giải pháp mạnh để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Thứ Tư, 04/09/2024, 06:54

Đến hết tháng 7, giải ngân vốn đầu tư công cả nước mới đạt 33%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (trong khi đó, mục tiêu Chính phủ đặt ra trên 95% kế hoạch). Trong khi đó, thời gian kết thúc năm niên độ không còn nhiều, các chuyên gia cho rằng, cần có những giải pháp mạnh để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn rất thấp

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đang có dấu hiệu chậm lại. Số tiền vốn thực hiện trong 7 tháng qua thấp hơn cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 232,1 nghìn tỷ đồng, đạt 32,22% tổng kế hoạch, bằng 34,3% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và giảm 8,4% so cùng kỳ năm 2023.

vp-dtc1.jpg -0
Nguyên nhân giải ngân chậm là do việc tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập.

Đáng chú ý, với các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia, giải ngân cũng mới đạt 32,4% kế hoạch. Bộ Tài chính lưu ý, đến ngày 31/7, cả nước còn 16 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 15% so với kế hoạch (có 3 dự án giải ngân 0%). Dự án giải ngân 0% gồm có cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La; dự án trụ sở cơ quan hải quan Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo Bộ KH&ĐT, năm 2024 nhiều dự án được giao vốn lớn nhưng lại có tỷ lệ giải ngân thấp, như dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh…

Bắc Ninh là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp. Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh, tính đến ngày 19/8, toàn tỉnh giải ngân được 2.062 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt tỷ lệ 32,6% so với số vốn 3 cấp tỉnh - huyện - xã phân bổ chi tiết. Tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh tăng 4,1% so với tháng 7, tuy nhiên kết quả giải ngân vẫn thấp so với mức trung bình cả nước.

Theo Bộ KH&ĐT, tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp đã trở thành đặc thù của đầu tư công (do tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu). Về cuối năm, tình hình giải ngân đầu tư công thường có xu hướng khởi sắc. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là công tác tổ chức thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương bất cập; cùng mặt bằng pháp lý, có đơn vị, địa phương giải ngân tốt nhưng vẫn có những đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa tốt. Trong một số thời điểm, tại một số dự án, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt và đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm ở nhiều địa phương. Cùng với đó, ngoài tác động bất lợi của thời tiết đối với các dự án trọng điểm thì những vướng mắc trong thực hiện các luật và độ trễ của các chính sách mới đang ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án; còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ (gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công).

Giảm bớt thủ tục

Theo ông Lê Bách Cương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đầu tư xây dựng phụ trách phía Nam, Bộ KH&ĐT, để thúc đẩy đầu tư công, có khoảng 70% đầu việc để các địa phương có thể đẩy nhanh; trong đó, quan trọng nhất là giải phóng mặt bằng vì đây là khâu khó khăn nhất trong quá trình thực hiện.

Tại Bắc Ninh, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trong tỉnh, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết, Bắc Ninh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan, chủ đầu tư các dự án định kỳ hằng tuần, tháng phải kiểm đếm tiến độ, giám sát, đôn đốc nhà thầu, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách theo hướng thuận lợi cho người dân trong giải phóng mặt bằng. Đồng thời báo cáo kịp thời UBND tỉnh mọi khó khăn, vướng mắc để bàn phương án giải quyết; đưa ra mốc thời gian cụ thể hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án, nhằm đẩy nhanh tiến độ, về đích đúng kế hoạch, phấn đấu vượt kế hoạch… Tỉnh Bắc Ninh phấn đấu triển khai hoàn thành các dự án bảo đảm tiến độ, đạt tỷ lệ giải ngân hơn 95% kế hoạch vốn được giao năm 2024. Theo đó, tỉnh Bắc Ninh đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, xây dựng các khu tái định cư - chìa khoá đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tạo mặt bằng thi công liền mạch cho các dự án giao thông trọng điểm gồm đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội, đoạn qua địa phận tỉnh Bắc Ninh; dự án các tuyến ĐT.295C, ĐT.285B kết nối TP Bắc Ninh qua các khu công nghiệp với QL.3 mới; ĐT.277B kết nối với cầu Hà Bắc 2, đường Vành đai 4; các tuyến ĐT.285B (đoạn từ ĐT.295, xã Đông Tiến đến QL.3 mới huyện Yên Phong) và nút giao hoàn chỉnh nối ĐT.285B với QL3 mới; dự án đầu tư xây dựng cầu Nét (lý trình  Km77+00) ĐT.295, đoạn huyện Yên Phong - TP Từ Sơn.

Cùng với đó, Đồng Nai là một trong những địa phương đến hết tháng 7 mới chỉ giải ngân được 28%. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, một trong những giải pháp của tỉnh đó là chủ đầu tư, các đơn vị, địa phương được giao vốn đầu tư công năm 2024 phải rà soát, đánh giá và phân tích nguyên nhân, hạn chế, đề ra biện pháp thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công; xem đây là tiêu chí xếp loại hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2024.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, giải pháp quan trọng nhất đó là giảm bớt thủ tục. Ngoài ra, các địa phương cần có cơ chế tháo gỡ, điều phối chung; giải phóng mặt bằng; liên quan đến mỏ vật liệu cơ bản như: đất, cát, sỏi; đồng thời, tháo gỡ những điểm nghẽn về nguồn vốn kết hợp, ODA.

“Nhiều khi vì an toàn, chúng ta phải xin ý kiến tất cả sở, ngành, đơn vị dù không có nội dung gì liên quan đến nhiều sở, ngành được xin ý kiến. Theo tôi, chỉ cần xin ý kiến đơn vị nào thật sự cần thiết và trong công văn phải ghi rõ thời hạn trả lời”, ông Việt đề xuất.

Những bất cập về quy trình, thủ tục đã được kiến nghị nhiều trong thời gian qua và được biết, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng mà Bộ KH&ĐT đề xuất trong lần xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) tới đây. Bộ KH&ĐT cho biết, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) dự kiến sửa đổi một số quy định để tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cắt giảm thủ tục hành chính; đồng thời, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính linh hoạt, chủ động của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công phù hợp với năng lực quản lý và thực tế, tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc phân cấp sẽ tạo điều kiện để sớm phân bổ kế hoạch vốn, sớm phê duyệt, đưa các dự án vào khai thác, sử dụng, qua đó tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn, kịp thời đáp ứng những nhu cầu phát sinh trên thực tế.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị người đứng đầu các cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án. Đồng thời, yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phải báo cáo, làm rõ tình hình phân bổ, giải ngân dự kiến đến hết năm 2024. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng trong trường hợp chậm trễ, không giải ngân hết.

Mới đây, tại cuộc họp về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và khó khăn, vướng mắc của 29 bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư mới có thể xử lý thấu đáo khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Lưu Hiệp
.
.
.