Cần lắm một cây cầu qua tràn Nhồng

Thứ Sáu, 26/05/2023, 07:35

Những lúc mưa to, nước sông Nhồng (xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) dâng cao, chảy xiết, giao thông chia cắt... Đây là con đường "độc đạo" đi vào 4 thôn bản trong xã nên nhiều hôm nước to, người dân vẫn liều mình vượt tràn và đã xảy ra đuối nước thương tâm ở đây. Chính quyền và người dân xã Vạn Xuân đang mong ước sớm có một cây cầu bắc qua tràn Nhồng...

Theo tìm hiểu của phóng viên, tràn Nhồng hay còn gọi là tràn sông Nhồng nằm trên Tỉnh lộ 519B, thuộc địa phận xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân. Về mùa khô, tràn Nhồng không có nước chảy trên bề mặt, nước chỉ thoát qua cống nhỏ phía dưới, tuy nhiên khi có mưa lớn, nước sông dâng cao, chảy xiết, tràn Nhồng trở nên hung giữ, sẵn sàng "nuốt chửng" bất kể mọi thứ đi qua...

Quan sát thực tế của phóng viên cho thấy, Tỉnh lộ 519B, đoạn qua tràn Nhồng có chiều dài khoảng 100m, rộng khoảng 5m, đã được đổ bê tông kiên cố. Giữa tràn được đặt một số chiếc cống thoát nước kích cở nhỏ. Thời điểm phóng viên có mặt, dù đã kết thúc đợt mưa nhưng nước tại tràn Nhồng vẫn chảy mạnh, chênh lệch mực nước trên và dưới tràn khá lớn.

Cần lắm một cây cầu qua tràn Nhồng -0
Đơn vị quản lý Tỉnh lộ 519B cắm biển cảnh báo nguy hiểm khi tràn Nhồng ngập sâu.

Người dân địa phương cho hay, tại tràn Nhồng đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm, khiến 2 người chết, còn số người bị nước lũ cuốn trôi được cứu sống thì không đếm xuể. Mới đây nhất, tối 10/5, chị Trần Thị D. (SN 1984), trú tại thôn Hang Cáu, xã Vạn Xuân đi qua tràn Nhồng về nhà, không may bị nước lũ cuốn trôi. Thi thể nạn nhân được tìm thấy cách hiện trường vụ tai nạn không xa. Trước đó, mùa mưa lũ năm 2020, tại tràn Nhồng cũng xảy ra vụ tai nạn đuối nước, khiến một học sinh Trường Tiểu học Vạn Xuân tử vong.

Chị Lương, một người dân trú tại thôn Hang Cáu, xã Vạn Xuân mỗi khi đi qua hoặc ai nhắc đến tràn Nhồng vẫn chưa hết ám ảnh. Chị Lương kể, mùa mưa lũ năm 2022, trong một lần đưa con vượt tràn Nhồng tới trường, chị suýt mất mạng. Hôm đó, thấy nước lũ đổ về, chị Lương gửi con nhờ người khác đưa qua sông, còn mình đi theo sau. Tuy nhiên, khi ra giữa tràn, do nước chảy xiết, đứng không vững, chị Lương đã bị dòng lũ cuốn trôi. May mắn cho chị Lương là thời điểm này, một số giáo viên đang hướng dẫn và đưa học sinh qua sông đã phát hiện, kịp thời cứu sống trong gang tấc.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thân, giáo viên trường THCS Vạn Xuân là người đã nhiều năm "đứng gác" ở tràn Nhồng đưa học sinh, người dân qua tràn khi có nước lớn. Thầy Thân cũng chính là "ân nhân" cứu mạng, đã giành lại sự sống cho nhiều người trước miệng "hà bá" tràn Nhồng. Thầy Thân kể, năm 2004, sau khi tốt nghiệp ngành thể dục thể thao, thầy về nhận công tác tại Trường THCS Vạn Xuân, ngay chính quê hương mình cho tới nay. Hằng ngày, từ nhà tới trường đi dạy, thầy Thân và nhiều thầy cô giáo đều phải đi qua tràn Nhồng. Đây cũng là con đường độc đạo từ trung tâm xã đi vào 4 thôn, bản xã Vạn Xuân với hàng trăm hộ dân đang sinh sống. Thầy Thân cho hay, bình thường, tràn Nhồng khô cạn, nhưng vào mùa mưa lũ, nhất là những hôm mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về, chảy xiết, người dân địa phương và học sinh nhiều hôm vẫn phải "liều mình" đi qua đây, vì không có con đường nào khác. Gần 20 năm qua lại trên đoạn đường này, thầy Thân đã chứng kiến và cứu sống hàng chục người, trong đó có cả học sinh bị nước lũ cuốn trôi.

Thầy giáo Lê Chung Bắc - Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Xuân cho biết, trường có hơn 300 học sinh thì có hơn 100 em thuộc 4 thôn bản ở bên kia tràn Nhồng. Ngoài thầy Thân, nhà trường cũng có một số giáo viên ở bên kia tràn và hằng ngày phải đi qua đó để tới trường. Vào mùa mưa lũ, lãnh đạo nhà trường rất lo lắng an toàn tính mạng của học sinh và các giáo viên khi qua tràn Nhồng.

Ông Cầm Bá Thuần - Chủ tịch UBND xã Vạn Xuân xác nhận, tại địa phương đã có hai người dân bị tai nạn đuối nước khi đi qua tràn Nhồng và nhiều người khác bị lũ cuốn trôi may mắn được cứu vớt kịp thời. Hiện tại, công ty quản lý đường bộ đã có biển cánh bảo và rào chắn tại tràn Nhồng. Mùa mưa lũ địa phương đều cắt cử lực lượng túc trực, canh gác để ngăn chặn người dân qua sông khi không đảm bảo an toàn. Theo ông Thuần, để việc đi lại thuận lợi, tránh nguy hiểm cho nhân dân khi đi qua đây, xã đã đề xuất các cấp sớm đầu tư xây dựng một cây cầu tại tràn Nhồng.

Trần Thắng
.
.
.