Cần giải pháp mạnh để chấm dứt nạn rác thải gây ô nhiễm xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn

Thứ Bảy, 19/10/2024, 07:52

Có mặt tại khu vực xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn nằm trên địa bàn ấp Mỹ Hòa 4, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh vào một ngày giữa tháng 10/2024, chúng tôi ghi nhận: Dọc theo đoạn đường Nguyễn Thị Sóc (phía bên hông chợ), bên trên cột điện là hàng chục chiếc loa liên tục phát đi thông báo về việc xả rác bừa bãi sẽ bị phạt tiền và khuyên người dân cần nâng cao ý thức để cùng chung tay bảo vệ môi trường nhưng bên dưới lòng, lề đường lúc nào cũng tràn ngập rác...

Chợ đầu mối Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh mỗi ngày thu hút trên 12.000 lượt người và phương tiện từ các nơi đến trao đổi, mua bán sỉ heo thịt và các loại rau, củ, quả. Ăn theo còn có hàng ngàn người từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước đổ về, sử dụng các loại phương tiện là xe lôi, xe ba gác máy, xe ba bánh tự chế tụ tập suốt ngày đêm, chiếm gần hết bề mặt các con đường xung quanh chợ để bán lẻ thịt, cá, rau củ, quả các loại cho người tiêu dùng. Những người này chủ yếu mua bán theo kiểu chụp giật. Đặc biệt là họ không có ý thức bảo vệ môi trường nên sẵn sàng xả tất cả các loại rác thải từ rau, cá thối, vỏ bao bì… ra ngay sau lưng nơi họ đậu xe bán hàng, những bãi đất trống, thậm chí đổ đầy lòng đường gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.

Rác thải tràn xuống đường, lấp đầy các khu đất trống

Có mặt tại khu vực xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn nằm trên địa bàn ấp Mỹ Hòa 4, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh vào một ngày giữa tháng 10/2024, chúng tôi ghi nhận: Dọc theo đoạn đường Nguyễn Thị Sóc (phía bên hông chợ), bên trên cột điện là hàng chục chiếc loa liên tục phát đi thông báo về việc xả rác bừa bãi sẽ bị phạt tiền và khuyên người dân cần nâng cao ý thức để cùng chung tay bảo vệ môi trường nhưng bên dưới lòng, lề đường lúc nào cũng tràn ngập rác. 

Cần giải pháp mạnh để chấm dứt nạn rác thải gây ô nhiễm xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn -0
Xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn, người bán hàng rong sẵn sàng xả rác thành đống ra lòng đường (ngay phía sau chỗ dựng xe bán hàng).

Canh lúc nhá nhem hoặc lúc các nhân viên tổ tuần tra của xã giao ca thì người dân lập tức đem đổ rau, củ, quả đã thối rữa, bàn ghế, chăn, mền, quần áo cũ, xác động vật… nói chung là đủ mọi thứ rác thải sinh hoạt chất thành từng đống to kéo dài đến hàng trăm mét phủ kín vỉa hè lấn xuống hết nửa lòng đường. Mùi hôi thối của rác thải ngậm nước mưa xộc thẳng vào không khí khiến cho bất kỳ người đi đường nào ngang qua đây cũng phải đưa tay bịt mũi. Nhà dân xung quanh thì phải lắp cửa kính để giảm bớt mùi.

Ở phía đối diện là một bãi đất trống rộng hàng trăm mét vuông, mặc dù UBND xã Xuân Thới Đông có cắm bảng cấm đổ rác, đồng thời thông báo có gắn camera ghi hình để phạt nguội nhưng nhiều người không chấp hành mà vẫn vô tư đổ các loại rác thải sinh hoạt thành đống cao hàng mét. Những vũng nước hôi thối đặc quánh từ đống rác thải này chảy tràn ra khiến cho đám ruồi, nhặng tụ về bám đen cả lớp bề mặt để đẻ trứng.

Con đường nằm ở sau lưng chợ, phía có nhà dân thì hàng quán được bầy sạch sẽ, ngăn nắp. Phía giáp tường rào chợ là nơi “cát cứ” của những người bán hàng rong. Hàng trăm xe lôi, xe ba bánh tự chế, xe đẩy chất đầy rau, củ, quả, cá, thịt… lấn chiếm hết một chiều lưu thông của con đường. Rau củ bị thối rữa, cá chết ươn, vỏ bao bì bằng giấy carton… bị ném ra sau lưng họ (phần sát lề đường) tạo thành những đống rác cao hàng mét, kéo dài hơn trăm mét dọc theo sau lưng chợ. Những đống rác này không chỉ bốc mùi hôi thối mà còn rỉ nước đen, bốc mùi nồng nặc khó tả, cách xa hàng bốn, năm chục mét vẫn có thể ngửi thấy.

Khoảng 3h sáng hôm sau, tôi tiếp tục có mặt. Vừa đến khu vực đã phát hiện một người đàn ông chạy xe gắn máy chở những bao lớn chứa đầy rác đã phân hủy ném xuống lòng đường phía bên hông chợ. Ngay lập tức, có bốn, năm thành viên trong tổ công tác của xã gồm Trật tự đô thị, Dân phòng, Bảo vệ dân phố xuất hiện ghi nhận sự việc, lập biên bản rồi buộc người này phải hốt toàn bộ số rác vào bao rồi hướng dẫn chở vào bô rác trong chợ đầu mối đổ. Người này chấp hành nhưng luôn miệng cằn nhằn: “Bao nhiêu người cũng đổ sao không bắt mà chỉ bắt rồi xử phạt mình tui… Bộ các anh bảo kê cho họ à…”.

Di chuyển đến khu đất trống phía bắc chợ, chúng tôi tiếp tục ghi nhận có 3 người gồm 2 nam, một nữ cầm những túi to ném vào đống rác chắc có lẽ lưu cữu từ lâu. Rác thối rữa gặp nước mưa chảy tràn ra xung quanh gây mất vệ sinh, nhưng người dân không thể làm gì được vì người ta toàn canh lúc nửa đêm, gà gáy mới mang rác ra đổ. Họ thường đội mũ, đeo khẩu trang che kín mặt, đặc biệt là họ luôn tắt đèn xe mỗi khi đến và đi để cho camera an ninh không quay được rõ biển số.

Cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn rác thải gây ô nhiễm môi trường

Là người dân sống ngay cạnh khu vực có nhiều rác thải, Ông Huỳnh Văn Đôi ngán ngẩm: “Chỉ có những tiểu thương kinh doanh bên trong chợ do được tuyên truyền, hướng dẫn và Ban quản lý chợ cũng có quy định chặt chẽ nên họ mới có ý thức thu gom rác thải bỏ vào thùng, vào bô, còn những người bán hàng rong thì không. Cứ 4-5 giờ sáng, họ ra chợ đầu mối lấy rau, củ, trái cây, thịt, cá… chất lên xe kéo, xe lôi, xe đẩy, xe ba gác rồi mang ra các cung đường bên ngoài chợ bán lẻ cho người tiêu dùng. Rau, củ, quả úa, thối, cá chết, thịt hư hỏng, họ sẵn sàng ném ngay xuồng lòng, lề đường mà không cần quan tâm đến vệ sinh”.

Nước bẩn từ rác còn ngấm xuống tầng nước ngầm khiến chiếc giếng khoan của gia đình trước đây còn bơm để tưới cây được, nhưng mấy năm nay, nước bơm lên có màu đục lờ nhờ, mùi hôi tanh nên không sử dụng được nữa.

Ông Vương Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh cho biết: Chợ đầu mối Hóc Môn là điểm tập kết bán sỉ nhiều loại rau, củ, quả, thịt heo nên ngoài những hộ gia đình sinh sống xung quanh khu vực mở sạp bán lẻ thì luôn có rất nhiều người buôn bán hàng rong từ khắp nơi đổ về kinh doanh buôn bán. Theo chỉ đạo của UBND huyện Hóc Môn, từ nhiều năm nay, xã đã cho lắp đặt nhiều loa cố định trên các cột điện liên tục phát thông điệp tuyên truyền, nhắc nhở, mức xử phạt tiền nếu vi phạm. Tổ công tác gồm Trật tự đô thị có sự hỗ trợ của Dân quân và Bảo vệ dân phố tổ chức tuần tra, quay phim, ghi hình để tiến hành lập biên bản xử phạt đối với những trường hợp đổ rác bừa bãi, nhưng không xuể.

Ông Thống đã trực tiếp gặp gỡ những người buôn bán hàng rong yêu cầu họ nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung, hãy bỏ rác vào túi rồi mang bỏ vào bô rác bên trong chợ. Lúc gặp gỡ thì họ gật đầu cho xong chuyện, nhưng khi tổ công tác đi khuất, họ lại tiếp tục ném rác ra đường. Có người còn chạy xe môtô ném thẳng những túi rác hôi thối vào tổ công tác rồi rú ga bỏ chạy. Anh em trong tổ công tác đề nghị truy đuổi, nhưng ông Thống không đồng ý bởi không đúng chức trách, không cẩn thận còn gây ra tai nạn cho người đi đường.

“Họ là những người lao động từ nhiều nơi tìm về đây buôn bán mong kiếm được miếng cơm, manh áo nuôi gia đình nên cũng khổ lắm. Đẩy đuổi họ quyết liệt thì dễ, nhưng làm như vậy thì họ biết lấy gì nuôi gia đình, vợ con. Hơn nữa trong tình cảnh khốn khó quá có khi họ lại sa ngã vào cái bẫy của các đối tượng hoạt động tội phạm thì tan nát gia đình”, ông Thống nói.

Để xử lý triệt để tình trạng xả rác gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị thì chỉ lực lượng của xã thôi là chưa đủ, mà cần có sự hỗ trợ từ cấp huyện, của cán bộ Cảnh sát chuyên trách về môi trường.  Cần tăng cường lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì mới đủ sức răn đe…

Đức Cương
.
.
.