Cần đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ di cư

Thứ Năm, 03/03/2022, 09:33

Phụ nữ di cư, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Hội và TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn trong việc có điều kiện an toàn sinh sống, làm việc và chăm sóc sức khỏe. Tạo công ăn việc làm cho phụ nữ di cư là rất quan trọng, đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm nhằm tăng tính hiệu quả, thiết thực.

Đây là nội dung được thảo luận trong Hội thảo khoa học "Nhóm phụ nữ di cư: Kết quả nghiên cứu và đề xuất giải pháp, mô hình hỗ trợ" được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 2/3 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Có nhiều chính sách liên quan đến người dân, an sinh xã hội, trong đó có công tác hỗ trợ phụ nữ. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ bao trùm, tiếp cận chính sách của các nhóm dân số vẫn còn sự chênh lệch. Phụ nữ di cư gặp nhiều khó khăn hơn trong việc có điều kiện an toàn sinh sống và làm việc.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội cho rằng, vấn đề của người nữ lao động di cư cần phải đặt trên bàn nghị sự, trong đó chú trọng vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ. Phụ nữ di cư là nhóm người rất dễ bị tổn thương, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc đề nghị các chính sách và giải pháp hỗ trợ cho người phụ nữ cần thiết thực và thực tế như: cần được tạo điều kiện mua nhà giá rẻ, được hỗ trợ thuê nhà trọ giá thấp, được ưu đãi tiền điện, nước, được hỗ trợ mua BHXH, BHYT tự nguyện, được vay tiền với lãi suất thấp để sản xuất, kinh doanh, được học các kỹ năng mới để chuyển đổi việc làm. Đồng thời, cần xây dựng chính sách, xây dựng cơ chế trao quyền và nâng cao năng lực của phụ nữ nhằm đảm bảo cho sinh kế bền vững cho phụ nữ di cư.

Còn theo PGS.TS. Trần Thị Minh Thi, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, lao động nữ di cư đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rào cản hơn nam giới khi ít có khả năng thực hiện di cư hợp thức hơn nam giới, cũng như chịu nhiều rủi ro bị bạo lực và lạm dụng tình dục do phân biệt đối xử, nhiều người không có nghề nghiệp ổn định. Do đó, công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ di cư là rất quan trọng. Đào tạo nghề phải gắn với tạo việc làm nhằm tăng tính hiệu quả, thiết thực. Cũng nên mở rộng các khu vui chơi, thể thao, giải trí miễn phí để người lao động có thể tham gia.

"Về chăm sóc sức khỏe, 40,7% phụ nữ di cư mong muốn được sử dụng thẻ BHYT ở nơi đăng ký tạm trú; được cải thiện môi trường sống ở nơi di cư; hoàn thiện các thủ tục hành chính để hỗ trợ việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe", PGS.TS. Trần Thị Minh Thi cho biết. Tại nhóm đối tượng này, mức bao phủ và sử dụng Bảo hiểm y tế (BHYT) được cho là thấp nhất, tỉ lệ sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh chỉ đạt 48,9%.

Nguyễn Cảnh
.
.
.