Cần có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân
Sau chuyến ra khơi "xông biển" đầu năm, hiện nhiều ngư dân ở khu vực miền Trung, trong đó có tỉnh Thừa Thiên-Huế phải cho tàu cá nằm bờ do thời tiết mưa rét kéo dài. Đặc biệt, nguồn lợi hải sản ngày càng giảm trong khi giá nhiên liệu xăng, dầu tăng cao khiến các chủ tàu cá lo lắng thua lỗ khi ra khơi dài ngày.
Hơn 1 tuần nay, cảng cá Thừa Thiên-Huế (phường Thuận An, TP Huế) không còn cảnh tấp nập như thường lệ do tàu cá của ngư dân chưa ra khơi trở lại. Nhiều tàu cá xa bờ công suất lớn được ngư dân neo đậu ở cầu cảng cá này và những âu thuyền lân cận ở xã biển Phú Thuận, Phú Hải, huyện Phú Vang.
Các ngư dân cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, giá xăng dầu trong nước đã tăng 4 đợt. Đến ngày 21/2/2022, giá xăng E5 RON 92 tăng lên 25.530 đồng/lít, xăng RON 95 tăng lên 26.280 đồng/lít, dầu diesel lên mức 20.800 đồng/lít, dầu hỏa lên 19.500 đồng/lít, dầu mazut (FO) cũng ở mức 17.930 đồng/kg. Hiện, giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao nhất trong gần 10 năm qua. Việc giá xăng dầu liên tục tăng khiến nhiều ngư dân lo lắng thu không đủ chi nên cho tàu nằm bờ…
Trò chuyện với chúng tôi, ngư dân Trần Văn Chiến (ở xã Phú Thuận), chủ tàu cá vỏ thép số hiệu TTH-99999 TS cho biết, sau chuyến biển đầu năm, tàu cá của anh về nằm bờ nhiều ngày qua. Theo anh Chiến, vào thời điểm này năm trước, tàu cá của anh và nhiều ngư dân ở địa phương đã ra khơi sau lễ "mở biển" để đánh bắt hải sản thì giờ tàu đang phải nằm bờ do thời tiết bất lợi và một phần do giá nhiên liệu tăng cao.
"Tàu cá của gia đình tôi là tàu vỏ thép có công suất gần 1.000CV, bình quân mỗi chuyến biển chúng tôi đi từ 20 ngày đến 1 tháng, tiêu tốn khoảng 4.000 lít dầu. Tuy nhiên những ngày qua, thời tiết mưa rét kéo dài, giá nhiên liệu xăng dầu lại tăng ở mức cao kỷ lục nên tôi buộc phải cho tàu cá nằm bờ để tránh bị thua lỗ", anh Chiến tâm sự.
Nhiều ngư dân ở xã Phú Thuận còn cho biết, giá xăng dầu liên tiếp tăng cao, trong khi nguồn lợi hải sản trên các ngư trường ngày càng giảm, việc đánh bắt gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau quá trình đánh bắt trên biển, hải sản đưa vào bờ tiêu thụ thường bị thương lái ép giá, mức giá hải sản sụt giảm khiến ngư dân không khỏi lo lắng. Ngư dân Trương Viết Rơ (54 tuổi, ở xã Phú Thuận), chủ tàu cá xa bờ công suất lớn cho hay, so với những tháng trước, giá hải sản có tăng nhẹ nhưng không đáng kể. Hiện giá cá thu được thu mua từ 100-110 nghìn đồng/kg; cá ngừ từ 20-30 nghìn đồng/kg tùy loại…
Bình quân mỗi chuyến biển từ 15-20 ngày có chi phí từ 100-120 triệu đồng. Nay xăng dầu tăng giá, nếu vươn khơi thì chi phí đi biển có thể đội lên từ 170-180 triệu đồng. Với giá bán hải sản nói trên, trừ chi phí nhiên liệu, thực phẩm và tiền thuê lao động thì chủ tàu thu lợi không được bao nhiêu, thậm chí thua lỗ.
Qua tìm hiểu được biết, ngoài tàu cá công suất lớn ở xã Phú Thuận, còn có rất nhiều tàu cá của bà con ngư dân ở phường Thuận An, TP Huế và các xã ven biển như xã Phú Hải, Phú Diên, Vinh Thanh (huyện Phú Vang); Lộc Trì (huyện Phú Lộc) và phương tiện đánh bắt vùng lộng, gần bờ tại các địa phương ven biển của tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng nằm bờ do ảnh hưởng thời tiết và giá nhiên liệu tăng vọt.
Theo ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Thừa Thiên-Huế, dịch bệnh COVID-19 khiến giá bán các loại hải sản vẫn ở mức thấp, trong khi giá dầu diesel hiện đang ở mức gần 21 nghìn đồng/lít khiến việc vươn khơi, bám biển của bà con ngư dân ở địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Giá nhiên liệu liên tục tăng cao buộc các chủ tàu cá phải tính toán cân đối lại chi phí sao cho hợp lý trong mỗi chuyến biển mới có thể đảm bảo việc vươn khơi, đánh bắt hải sản không bị thua lỗ. Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng bày tỏ, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có khoảng 450 tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần xa bờ công suất từ 90CV đến 1.100CV và hơn 2.000 phương tiện đánh bắt vùng gần bờ, đầm phá. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đầu ra tiêu thụ hải sản, giá cả các loại hải sản sụt giảm, trong khi giá nhiên liệu xăng dầu tăng khiến hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản của ngư dân gặp vô vàn trở ngại, khó khăn.
Để giảm áp lực cho ngư dân, Chi cục Thủy sản đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển tuyên truyền, vận động ngư dân tiếp tục vươn khơi khi thời tiết thuận lợi trở lại. Đồng thời yêu cầu ngư dân thực hiện các giải pháp như kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, bán hải sản cho tàu hậu cần, dịch vụ để đổi lấy nhiên liệu, lương thực để tiếp tục đánh bắt nhằm giảm chi phí, tránh thua lỗ.
Để tạo động lực vươn khơi, bám biển, thời điểm này, ngư dân các tỉnh miền Trung nói chung, tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng mong muốn Nhà nước, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm có giải pháp áp dụng các chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu cho ngư dân.