Cấm biển, khẩn cấp đưa tàu thuyền về tránh siêu bão Noru
Chiều 25/9, đoàn công tác do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Lê Minh Hoan dẫn đầu đã có buổi kiểm tra công tác ứng phó với bão Noru tại TP Đà Nẵng.
Báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại công tác phòng chống lụt bão đối với các tàu trong bờ đã đảm bảo. Hiện tại, Đà Nẵng còn 35 tàu đang hoạt động trên biển. Trong đó, 7 tàu gần bờ, các tàu còn lại đã liên lạc được và hướng dẫn cho ngư dân thoát khỏi vùng nguy hiểm vào khu vực tránh trú bão an toàn.
Trong ngày 25/9, ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ TP Đà Nẵng đã kiểm tra thực tế công tác triển khai ứng phó bão Noru ở các địa phương, cơ sở.
Tại khu vực âu thuyền, cảng cá Thọ Quang và vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), Phó Chủ tịch UBND TP Trần Phước Sơn đã lưu ý Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang tiếp tục kêu gọi và hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung neo đậu trú bão an toàn.
Tại cuộc họp ứng phó bão Noru, ông Trần Phước Sơn, cũng đã yêu cầu các địa phương sẵn sàng phòng chống bão Noru theo phương châm “4 tại chỗ”, sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại khu trú tránh bão Âu thuyền Thọ Quang và các điểm neo đậu được quy hoạch, di dời các tàu kinh doanh xăng dầu ra khỏi Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.
Ghi nhận tại biển Thọ Quang, từ trưa đến chiều 25/9, ngư dân đồng loạt đưa thuyền thúng lên bãi cát, chờ xe chuyên dụng đến để cẩu lên bờ. Hầu hết các ghe giã cào đã lên bờ. Trong khi đó, một số thuyền thúng còn nấn ná, tranh thủ cào nốt chuyến lưới kéo gần bờ.
Theo ngư dân Trần Ka (45 tuổi, trú phường Mân Thái, quận Sơn Trà), dù bão Noru chưa vào biển Đông nhưng đã có dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Đà Nẵng nên gia đình tranh thủ đưa thuyền thúng lên bờ sớm, tránh sự cố.
“Rút kinh nghiệm các đợt bão lần trước, chúng tôi đưa thuyền thúng lên bờ sớm 1 – 2 ngày để khỏi cập rập. Sáng nay trời không mưa nên việc cẩu ghe, che đậy ghe, thúng cũng thuận tiện hơn. Ngư dân tại phường Thọ Quang cũng đã chủ động thuê xe cẩu chuyên dụng để đưa thuyền thúng lên bờ với giá từ 400 - 800 nghìn đồng/lượt" - ngư dân Trần Ka cho biết.
Trước tình hình TP Đà Nẵng có thể sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão Noru, Sở Công thương TP Đà Nẵng cho biết: Sở đã làm việc với các đơn vị phân phối lương thực phẩm trên địa bàn về dự trữ hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân. Hàng hóa thường xuyên được bảo đảm, phong phú, dồi dào, luôn duy trì khả năng cung ứng trong vòng từ 1-3 tháng và khả năng huy động nguồn hàng trong vòng 7-10 ngày. Lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ hằng ngày tại 4 chợ lớn của thành phố ước khoảng 700 triệu đồng, hàng hóa được lưu chuyển về các chợ thường xuyên theo chu kỳ 2-3 ngày/lần.
Tại Phú Yên:
Trong chiều 25/9, đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Yên trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống cơn bão Noru tại thị xã Sông Cầu và đã chỉ đạo địa phương này quyết liệt triển khai nhiều biện pháp cấp thiết.
Đến chiều tối 25/9, tất cả tàu cá của ngư dân Phú Yên đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển đều nắm được thông tin về những diễn biến phức tạp của cơn bão Noru, chủ động rời khỏi tầm nguy hiểm của bão.
Liên quan đến các biện pháp ứng phó cơn bão Noru đang tiến vào biển Đông, trao đổi với PV Báo CAND chiều tối nay (25/9), Trung tá Nguyễn Quang Luân – Phó trưởng Công an thị xã Sông Cầu cho biết, đến thời điểm này Công an thị xã Sông Cầu đã triển khai phương án phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại các xã, phường theo phương châm 4 tại chỗ.
Ngoài việc huy động 83 cán bộ – chiến sĩ công an thường trực ứng phó cơn bão, trong đó có 40 CBCS tại trung tâm chỉ huy và 42 CBCS bám sát tại địa bàn cơ sở các xã, phường, Công an thị xã Sông Cầu chuẩn bị 3 ca nô, 4 xe ô tô, hơn 500 áo phao, phao tròn, phao bè sẵn sàng thực thi nhiệm vụ cứu nạn - cứu hộ khi có tình huống xảy ra.
Thị xã Sông Cầu có 8 xã, phường ven biển và là “thủ phủ” tôm hùm của Phú Yên, hiện có 82.696 lồng gồm 2.018 bè thả nuôi tôm ở vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông với 4.780 lao động. Trong chiều 25/9, lực lượng công an đã phối hợp các Đồn biên phòng Xuân Hòa, Xuân Đài cùng với chính quyền địa phương rà soát, thông tin về những diễn biến phức tạp của cơn bão Noru, đồng thời kêu gọi người dân khẩn trương giằng neo lồng, bè để ứng phó với bão, người dân phải rời khỏi lồng bè vào nơi an toàn trước khi cơn bão ập đến.
Tương tự, tại thị xã Đông Hòa, lực lượng Công an cũng đã phối hợp Đồn biên phòng cửa khẩu Vũng Rô hướng dẫn, hỗ trợ hơn 800 người dân giằng neo 16.852 lồng gồm 400 bè thả nuôi tôm cá ở vịnh biển Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam. Bên cạnh đó, Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Yên tập trung rà soát lại cơ sở làm việc, nhà tạm giữ để gia cố, giằng neo phòng, chống bão.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Phú Yên cho biết, hiện có 387 tàu cá với 2.250 ngư dân đang hoạt động khai thác thủy sản trên biển đã nắm thông tin về cơn bão Noru, trong số đó có 294 tàu cá với 1.799 ngư dân hành nghề ở vùng biển Trường Sa và phía Nam biển Đông, tất cả đều rời khỏi tầm nguy hiểm của cơn bão và kết nối thông tin liên lạc thường xuyên với BĐBP Phú Yên qua hệ thống thông tin vô tuyến.
Tại Khánh Hòa:
Nguồn tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Khánh Hòa đến chiều tối 25/9 có 729 tàu cá của địa phương này cùng với 4.467 ngư dân đang khai thác thủy sản trên biển. Trong số đó có 70 tàu cá với 742 ngư dân ở vùng biển Trường Sa, 631 tàu cá với 3.436 ngư dân hành nghề trên vùng biển Khánh Hòa đến Bình Thuận và 28 tàu cá với 292 ngư dân hành nghề vùng biển Vũng Tàu đến Kiên Giang.
Bằng các thiết bị liên lạc vô tuyến, BĐBP Khánh Hòa đã liên lạc tất cả các tàu cá nêu trên để thông tin về diễn biến cơn bão Noru, qua đó được biết không có tàu cá nào đang vận hành trong tầm nguy hiểm của bão.
Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Khánh Hòa cho biết, người nuôi tôm cá trong lồng bè và các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch ven biển và trên các đảo ở Khánh Hòa đều nắm bắt tình thông tin và hướng đi của bão, sẵn sàng vào bờ khi có yêu cầu. Các địa phương cũng đã phân công lực lượng thường trực tại các điểm có nguy cơ sạt lở, khu vực ngầm, cầu, tràn, khu vực nguy hiểm để chủ động chốt chặn, hỗ trợ người dân sơ tán ra khỏi vùng nguy hiểm của bão, vùng có nguy cơ sạt lở, triều cường.
Trong một diễn biến có liên quan, toàn tỉnh Khánh Hòa có 19 hồ chứa nước lớn với tổng dung tích 248m3 nước nhưng lượng nước hiện có là 171m3. Từ sáng 25/9 đã có 6 hồ chứa đang xả nước để điều tiết lũ là các hồ Suối Trầu, Đá Bàn – thị xã Ninh Hòa; Hoa Sơn – huyện Vạn Ninh; Suối Dầu, Cam Ranh, Tà Rục – huyện Cam Lâm, nhưng mức xả nước tại các hồ chứa này không lớn.
Tại Quảng Nam:
Trước diễn biến phức tạp, nguy hiểm của bão Noru, chiều tối 25/9, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký ban hành công điện, yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất; trong đó đình hoãn các cuộc họp không thật sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão lũ.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực trên đảo, ven biển, ven sông, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, những khu vực được cảnh báo có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Trong đó, đối với công tác sơ tán dân các địa phương ven biển phải đảm bảo đến các cơ sở có kết cấu tối thiểu nhà cấp 3, có sàn bê tông cốt thép chắc chắn. Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 9h ngày 27/9, đồng thời đảm bảo lương thực, các nhu cầu thiết yếu tại nơi tổ chức sơ tán tập trung.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam và UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ 0h ngày 26/9 (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ) cho đến khi tình hình thời tiết trên biển trở lại trạng thái bình thường; bằng mọi biện pháp thông tin, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển nằm trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 12h ngày 27/9.
Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ.
Tại Quảng Ngãi:
Chiều cùng ngày, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký công điện, chỉ đạo cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 12h ngày 26/9 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi; hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền trú, tránh bão trước 10h ngày 26/9; hoàn thành việc di dời, sơ tán dân trước 10h ngày 27/9, riêng huyện Lý Sơn hoàn thành trước 8h ngày 27/9.
Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn; trong đó đặc biệt lưu ý việc tàu vận tải biển, tàu cá ngư dân neo đậu khu vực cửa Sa Cần, vùng biển Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hòa. Hoàn thành việc neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền, lồng bè tại khu neo trú trước 8h ngày 27/9.