Cải tiến cấp visa để hút du lịch
Theo dự kiến, chỉ còn một tuần nữa là đến ngày mở cửa du lịch trên toàn quốc (15/3/2022), các địa phương và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã và đang ráo riết chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế.
Tại TP Hồ Chí Minh, ngành du lịch đang tổ chức các hoạt động để thu hút du khách như Lễ hội áo dài lần thứ 8 - Khởi động chương trình “TP Hồ Chí Minh chào đón bạn”. Tháng 4/2022 sẽ tổ chức Ngày hội Du lịch TP Hồ Chí Minh lần thứ 18; tháng 5/2022 tổ chức Lễ hội ẩm thực Việt Nam; tháng 6/2022 tổ chức Lễ hội ẩm thực TP Hồ Chí Minh; tháng 9/2022 tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế TP Hồ Chí Minh (ITE HCMC) – Công bố 100 điều thú vị TP Hồ Chí Minh…
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, để đón khách du lịch quốc tế, thành phố tổ chức các chiến dịch truyền thông chung về du lịch thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung cho các kênh có tiếng Anh; xây dựng các tư liệu truyền thông giới thiệu về sản phẩm du lịch TP Hồ Chí Minh cung cấp cho các doanh nghiệp. Sở Du lịch tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động “TP Hồ Chí Minh chào đón bạn”; tổ chức truyền thông về du lịch TP Hồ Chí Minh tại các văn phòng làm việc, các VIP Lounge ở các sân bay, các văn phòng đại diện ở các nước…
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở Du lịch phối hợp với các doanh nghiệp, các quận, huyện và TP Thủ Đức nâng cao chất lượng điểm đến hiện có; nâng cao chất lượng các tour nội đô TP Hồ Chí Minh hiện có. Đồng thời, xây dựng sản phẩm mới: Sản phẩm du lịch kết hợp đa dạng các phương tiện thuỷ, bộ trong TP Hồ Chí Minh và kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Theo đại diện một số doanh nghiệp lữ hành, việc mở cửa du lịch là cần thiết, nhưng còn nhiều khó khăn để đón được nhiều khách quốc tế đến Việt Nam. Bởi, đối với vaccine passport, Việt Nam quy định test PCR âm tính 72 giờ trước khi vào Việt Nam và lưu tại khách sạn 24 giờ test PCR lại nếu âm tính thì tự do đi lại. Hiện nay, chỉ có hơn 10 nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam.
Về visa, Việt Nam cần khôi phục chính sách visa như trước khi dịch COVID-19. “Ngay lúc này, Việt Nam nên cải tiến khâu cấp visa du lịch. Đây cũng là một bước tiến lớn cho Việt Nam để tận dụng cơ hội mở cửa. Quan điểm của tôi là không cần phải miễn phí visa nhưng cần cấp visa và thu phí visa online: 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Cho phép gia hạn visa tại Việt Nam mà không cần phải xuất cảnh - đây là mong ước của rất nhiều người nước ngoài”, ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis Co., Ltd) đề xuất.
Đối với đường bay, trước khi có COVID-19, các hãng hàng không có đường bay và sân đậu theo giờ thuận lợi. Sau 2 năm hàng không Việt Nam không bay do dịch bệnh, nhưng hàng không nhiều nước trên thế giới đã bay rồi thì việc xin được chỗ đậu giờ đẹp không phải là điều dễ dàng. Việc bay được hay không ngoài xin chỗ đậu ra thì còn phụ thuộc 2 yếu tố ở trên (hộ chiếu vaccine và visa). Đối với sản phẩm mới và marketing, Việt Nam lâu nay chủ yếu phát triển sản phẩm cho khách đại trà nhưng hiện nay nguồn khách đại trà đang bị kẹt chưa đến được. Các sản phẩn dành cho khách Âu, Mỹ thì gần như chưa có. Marketing phải làm lại từ đầu, đây không phải là công việc đơn giản ngày một ngày hai.
Ngoài ra, còn một số khó khăn để đón khách quốc tế, đó là Việt Nam vẫn phân loại vùng dịch, vẫn nhận diện F0, F1, nhiều địa phương cách ly F1 thì việc mở cửa gặp nhiều khó khăn…