Các nhà báo - liệt sĩ và “kho” di sản quý để lại
Cùng với danh sách trên 500 liệt sĩ nhà báo, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang bảo quản hàng trăm tư liệu, hiện vật về các nhà báo này. Đằng sau những cây bút, máy ảnh cũ kỹ, những bức ảnh hay các cuốn sổ ghi chép vương màu thời gian là rất nhiều câu chuyện về những nhà báo liệt sĩ chưa được nhiều người biết đến.
Những “tấm hình có lửa”
Đúng dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đón một vị khách khá đặc biệt – PGS.TS Phan Tam Đồng, anh trai của liệt sĩ nhà báo Phan Tứ Kỷ. Ông mang theo nhiều tư liệu khá đặc biệt, trong đó có cuốn nhật ký của người em trai và khá nhiều tư liệu hình ảnh mà nhà báo Phan Tứ Kỷ đã ghi lại trong những năm tháng xông pha trên nhiều mặt trận, trong đó có mặt trận Quảng Trị. Những hình ảnh ấy được nhà thơ, nhà báo Phan Dương Huy, anh trai của liệt sĩ nhà báo Phan Tứ Kỷ gọi đó là “những tấm hình có lửa”.
Được biết, nhà báo Phan Tứ Kỷ sinh năm 1947 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và cách mạng. Ông nhập ngũ năm 1968, là một nhiếp ảnh chiến trường thuộc Sư đoàn 304. Với chiếc máy ảnh, ông đã kịp thời ghi lại nhiều hình ảnh sống động, chân thực, giàu cảm xúc về chiến trường khói lửa. Ngoài các bức ảnh còn có nhiều tranh ký họa và thư từ nhà báo Phan Tứ Kỷ gửi cho bạn bè, người thân đã được lưu giữ lại. Đây là nguồn tư liệu quý giá về cuộc chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta tại chiến trường Trị - Thiên khói lửa. Với những người làm báo, đây là di sản quý về báo chí Việt Nam, đặc biệt là báo chí cách mạng.
Cùng với các tư liệu, hiện vật về liệt sĩ nhà báo Phan Tứ Kỷ, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam còn có một số hiện vật, tư liệu khác của nhiều liệt sĩ nhà báo khác. Đó là chiếc máy ảnh cũ kỹ của nhà báo Bùi Nguyên Khiết (Báo Hoàng Liên Sơn), tấm thẻ của quay phim Nguyễn Như Đạt (Xưởng phim Quân đội), những lá thư và trang nhật ký của nhà báo Hoàng Kim Tùng (Báo Giải phóng Quảng Đà)… Dấu ấn khốc liệt của chiến trường năm nào có khi còn in dấu trên cả những trang viết tay đã mất một chút vì bén lửa. Có những trang viết tay không còn nguyên vẹn theo năm tháng… Trên bức tường màu đỏ trong phòng trưng bày đương đại của Bảo tàng Báo chí Việt Nam có danh sách trên 500 liệt sĩ nhà báo. Đây cũng là nơi mà nhiều đoàn khách đến dâng hương, tưởng niệm khi đến thăm ngôi nhà di sản chung của những người làm báo Việt Nam thời gian qua.
Nhìn lại để vững bước hơn
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cố vấn của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, trên bức vách của Bảo tàng đã có tên của 512 liệt sĩ nhà báo. Có thể, đây cũng chưa hẳn là danh sách đầy đủ các liệt sĩ nhà báo và cũng khó có điều kiện để kể về hết các nhà báo đã hy sinh cho sự nghiệp báo chí Việt Nam. Tuy nhiên, trong danh sách ấy có những con người quá đặc biệt mà chúng ta không thể không nhắc đến họ. Trong đó có nhà báo Trần Kim Xuyến, nguyên Phó Giám đốc Nha Thông tin (tiền thân của Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam). Nhà báo Trần Kim Xuyến hoạt động ở Hà Nội năm 1943, bị bắt giam tại Hoả Lò năm 1944, vượt ngục năm 1945. Nhà báo Trần Kim Xuyến cũng là người được giao nhiệm vụ đặc biệt, cùng với nhiều nhà báo khác chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, khẩu hiệu phục vụ cho lễ Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình, Hà Nội. Kháng chiến bùng nổ. Ông đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ di chuyển, sơ tán máy móc, tài liệu. Đây là nhà báo đầu tiên hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Cũng theo nhà báo Hồ Quang Lợi, có rất nhiều liệt sĩ nhà báo là những con người đã ghi được những dấu ấn lịch sử và luôn khiến ông tự hào, xúc động mỗi khi nhớ về họ. Đó là liệt sĩ nhà báo Trần Đăng, tác giả của những phóng sự, ghi chép nổi tiếng như “Một lần đến Thủ đô”, “Trận Phố Ràng”… Nhà báo Hoàng Lộc với bài thơ “Viếng bạn” - tác phẩm quen thuộc với nhiều thế hệ bạn đọc, in trong sách giáo khoa. Đó còn là nhà thơ, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, là những người lính ra trận với cây bút, máy ảnh và khẩu súng như anh hùng, liệt sĩ Lê Đình Dư. “Có thể nói, một thế hệ nhà báo của chúng ta cầm bút ra trận. Họ không chỉ chiến đấu bằng cây bút, máy ảnh mà còn chiến đấu bằng khẩu súng. Nhà báo Lê Đình Dư hy sinh tại chiến trường Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị có một câu nói rất nổi tiếng, trở thành biểu tượng cho người chiến sĩ cầm bút, cầm máy ảnh và cầm súng trên mặt trận: Người chiến sĩ có thể đứng bắn, quỳ bắn, nằm bắn, còn phóng viên chúng tôi chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù”, nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Nhà báo Hồ Quang Lợi còn cho biết, khi đọc những dòng chữ của các phóng viên chiến trường, chúng ta càng thấu hiểu hơn sự mất mát, hy sinh và cả tinh thần dũng cảm vô cùng của những người cầm bút, cầm máy ảnh ngày ấy. Bản thân ông càng thấm thía những mất mát, hy sinh của các liệt sĩ – nhà báo. Bởi lẽ, ông cũng có một người em trai là nhà báo, hy sinh trên chiến trường Campuchia từ năm 1978 và nhiều năm sau mới tìm thấy hài cốt.
“Chúng ta có lịch sử báo chí Việt Nam hơn 100 năm, lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam gần 100 năm. Trong lịch sử ấy, chúng ta có lớp lớp các thế hệ nhà báo nối tiếp. Qua câu chuyện của các thế hệ, đặc biệt là các nhà báo chiến trường, các liệt sĩ nhà báo, chúng ta cảm nhận rõ hơn tinh thần dấn thân, cống hiến, hy sinh của các thế hệ nhà báo. Dù các nhà báo cầm bút, cầm máy ảnh hay máy quay phim thì vẫn luôn thực sự là những chiến sĩ, mặc dù chúng ta làm báo trong nhiều điều kiện khác nhau. Hiện nay, những người làm báo gặp nhiều khó khăn, với những thay đổi chưa từng có về phương thức làm nghề. Nhìn vào các thế hệ đi trước, chúng ta có thêm nhiều động lực bước tiếp trên con đường mà họ đã đi qua với biết bao hy sinh và cống hiến, để tiếp tục con đường vẻ vang ấy” – nhà báo Hồ Quang Lợi nói.