Các hãng hàng không Việt rốt ráo chuẩn bị bay quốc tế

Thứ Năm, 23/12/2021, 07:03

Chỉ còn khoảng 1 tuần nữa là đến 1/1/2022, mốc thí điểm bay quốc tế thường lệ trở lại. Được kỳ vọng là cơ hội “phục hồi” doanh thu nên hầu hết các hãng hàng không đều đã và đang chuẩn bị mọi phương án, sẵn sàng đón khách.

Vừa qua, Chính phủ đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách tới các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước hết là Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Hoa Kỳ). Thời gian thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022.

hang khong.jpg -0
Từ 1/1/2022, sẽ có 9 đường bay quốc tế thường lệ được mở lại.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế thể hiện quyết tâm khôi phục lại mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội và điều này đòi hỏi sự đánh giá cặn kẽ. Trước mắt mở lại 9 đường bay quốc tế là trên tinh thần thực hiện từng bước, tránh gây tâm lý hoảng sợ, hoang mang trong dư luận.

Làm sao để người dân yên tâm mở cửa lại an toàn và bền vững. Giai đoạn sau sẽ mở lại 15 đường bay. Trước ý kiến của đại diện Cục Hàng không Việt Nam, Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cũng bày tỏ mong muốn được bay thêm các đường bay đi/đến châu Âu và Úc ngay trong giai đoạn đầu.

“Việc sớm mở lại các đường bay đi đến châu Âu và Úc cũng sẽ đáp ứng tốt nhu cầu về nước giai đoạn trước Tết Nguyên đán rất lớn của người dân Việt Nam và kiều bào tại các khu vực này”, Chủ tịch Vietnam Airlines nhận định. Cũng theo ông Hòa, việc mở lại các chuyến bay thường lệ với châu Âu, Úc cũng giúp hãng giảm chi phí khai thác với đội bay thân rộng gần 30 chiếc được thiết kế chủ yếu phục vụ các đường bay dài và tầm trung.

Đến nay, Vietnam Airlines đã chuẩn bị sẵn nguồn lực để phục vụ các thị trường này với tần suất ban đầu khoảng 2 chuyến/tuần/đường bay để đảm bảo sự khai thác ổn định phục vụ nhu cầu đi lại cũng như mục tiêu dần củng cố vị thế.

Đáng chú ý, ngoài việc chuẩn bị mở lại các đường bay quốc tế theo kế hoạch của Bộ GTVT, các hãng hàng không cũng liên tiếp công bố mở mới các đường bay quốc tế khác. Mới đây nhất, tại TP Melbourne, bang Victoria, Úc, hãng hàng không Bamboo Airways công bố đường bay thẳng Việt Nam – Úc.

Theo kế hoạch, Bamboo Airways sẽ triển khai đường bay thẳng thường lệ kết nối TP Hồ Chí Minh (Việt Nam) với TP Melbourne (Úc) ngay từ đầu năm 2022, khi điều kiện thị trường cho phép. Tần suất khai thác dự kiến ban đầu là 2 chuyến khứ hồi/tuần. Tần suất này sẽ được nâng dần lên 4 chuyến/tuần, theo nhu cầu thị trường.

Đồng thời, hãng cũng xem xét xúc tiến đường bay thẳng thường lệ kết nối Thủ đô Hà Nội với Melbourne. Trước đó, Vietjet cũng công bố các đường bay thẳng đầu tiên đến Nga và châu Âu. Hãng này dự kiến khai thác đường bay Hà Nội - Moscow với tần suất 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ Tư và Chủ nhật, từ ngày 3/7/2022. Hãng cũng khai thác đường bay TP Hồ Chí Minh - Moscow, nối chuyến tại Hà Nội với cùng thời gian và tần suất bay.

Đường bay Nha Trang - Moscow dự kiến khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ Hai và thứ Sáu từ ngày 10/7/2022.

Liên quan đến giá vé, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch Phát triển Vietnam Airlines cho biết, với chủ trương của Chính phủ cho phép khai thác thường lệ các chuyến bay quốc tế từ ngày 1/1/2022, các hãng hàng không giảm chi phí rất lớn, chủ động xây dựng lịch bay, mở bán 2 chiều chở khách.

“Chi phí phục vụ các chuyến bay không thường lệ, nhất là ở các đầu bay nước ngoài, giá dịch vụ cao hơn rất nhiều. Khi bay thường lệ, chi phí các hãng hàng không sẽ giảm bớt, là cơ sở điều chỉnh giá vé thấp để hành khách đi lại”, ông Trung cho hay và bày tỏ thêm, hành khách sẽ có nhiều cơ hội về Việt Nam sắp tới, khi có nhiều chuyến bay hơn thì hành khách có nhiều lựa chọn phù hợp với mình hơn.

Để tạo thuân lợi hơn nữa cho người dân, mới đây, Bộ Y tế đã ban hành văn bản về việc phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh, áp dụng từ ngày 1/1/2022. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, yêu cầu chung là người nhập cảnh phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi).

Trường hợp người nhập cảnh là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân (gồm vợ/chồng, con) chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ được tiêm miễn phí trong thời gian thực hiện cách ly (nếu đủ điều kiện).

Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được ra khỏi nơi lưu trú. Đối với người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thực hiện cách ly tại nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Tuy nhiên, liên quan đến thủ tục bay cũng như quy trình phối hợp giám sát phòng, chống dịch, hiện vẫn còn nhiều việc cần giải quyết, tránh trường hợp các chuyến bay tuy còn ít nhưng vẫn chậm như thời gian đầu thí điểm mở lại đường bay nội địa.

Theo các chuyên gia hàng không, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao cần sớm thỏa thuận loại vaccine đã tiêm nào được cả hai bên chấp nhận. Tiếp đó, cần thống nhất mẫu chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine với cơ quan ngoại giao của 9 quốc gia, vùng lãnh thổ kết nối mở bay quốc tế.

Trong nước, Bộ Y tế cần có mẫu chung chứng nhận cho những người đã tiêm vaccine. Nhiều người đã tiêm, đã có giấy xác nhận của cơ sở y tế, được cấp giấy chứng nhận tiêm với những mẫu khác nhau nhưng chưa được cập nhật hết lên ứng dụng (app) PC Covid. Do đó, app PC Covid phải được cập nhật đầy đủ, kể cả các thông tin chuyên ngành hàng không và vận hành trơn tru, không để xảy ra lỗi.

Ngoài ra, ứng dụng cũng cần được quốc tế hóa (cả ngôn ngữ - song ngữ, thông tin khai báo bắt buộc đối với ngành hàng không và của cơ quan y tế, ngoại giao hai nước...). Đồng thời, có phiên bản website và phương án dự phòng xử lý online. Bên cạnh đó, hiện các hãng hàng không đều có hệ thống check-in tiên tiến nên cho phép khách khai báo và liên thông dữ liệu hai chiều với PC Covid, nhất là các chuyến bay quốc tế.

Đặng Nhật
.
.
.