Các địa phương chủ động giải pháp phòng, chống sạt lở
Gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển ngày càng diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân ở nhiều khu vực. Theo phương châm "Từ ứng phó đến hành động sớm", các địa phương đã tăng cường thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, coi đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.
Theo các chuyên gia nhận định, hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển một phần do tác động của thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, triều cường, sóng biển, kết cấu và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển. Các hoạt động nhân sinh như lấn chiếm, vi phạm, xây dựng công trình không tuân thủ quy hoạch; khai thác cát, sỏi quá mức trên sông làm suy giảm lượng bùn cát về hạ lưu, cộng với tình hình biến đổi khí hậu làm gia tăng cường độ thiên tai gây sụt lún, xói lở, bồi lấp.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Văn Khiêm cho biết, cảnh báo sạt lở đất hiện là thách thức trong khoa học dự báo khí tượng thủy văn. Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng) do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế.
Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất; sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường, độ dốc. Việc tích trữ nước cũng như tác động của việc nghẽn dòng tự nhiên... cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất. Thực tế, một số hiện tượng sạt lở đất gây thiệt hại lớn là do tác động của nghẽn dòng.
Nhằm giảm thiểu thiệt hại, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở đã luôn chuẩn bị sẵn sàng hành động theo phương châm “4 tại chỗ” (Lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Tại các khu vực xảy ra sạt lở, lãnh đạo các địa phương đã chủ động xuống hiện trường chỉ đạo lực lượng cứu hộ nhanh chóng làm rào chắn để người dân không qua lại khu vực nguy hiểm; giăng dây cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở; tổ chức hướng dẫn và tạo lối đi tạm, an toàn cho người dân tại địa phương. Các địa phương đã vận động người dân di dời ra khỏi khu vực sạt lở và gần khu vực sạt lở; đốn hạ cây xanh, không chất tải nhằm hạn chế sạt lở tiếp tục xảy ra, gia cố tạm bằng cừ tràm, bạt nilon nhằm hạn chế sạt lở tiếp tục ăn sâu.
Để đảm bảo an toàn cho người dân tại khu vực sạt lở, UBND huyện Cao Lãnh đã đề nghị Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp phối hợp với các ngành có liên quan xem xét hỗ trợ địa phương khảo sát thực tế và kinh phí khắc phục sạt lở.
Sau khi các vụ sạt lở xảy ra trên địa bàn, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự huyện Chợ Mới và huyện Châu Phú, An Giang đã chỉ đạo lực lượng xung kích, Công an, quân sự, ban, ngành, đoàn thể xã cùng ban ấp đến hỗ trợ tháo dỡ nhà, di dời tài sản và các hộ dân đến nơi an toàn. Đồng thời, địa phương thực hiện giăng dây và cắm biển cảnh báo tại khu vực sạt lở để cảnh báo, hạn chế các phương tiện tham gia giao thông và người dân qua lại khu vực.
Để tăng cường chất lượng bản tin cảnh báo sạt lở đất, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, bước đầu, Trung tâm đã có các giải pháp: Tăng cường độ phân giải trong bản đồ dự báo mưa định lượng lên 1-3km, sử dụng đồng hóa nhiều nguồn dữ liệu tạo bản đồ mưa như dữ liệu quan trắc, radar, mô hình số.
Bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét được xử lý kết hợp bổ sung các lớp thông tin về nguy cơ lũ quét, sạt lở đất kết hợp với phân ngưỡng mưa để tạo ra bản đồ cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực. Mức cảnh báo nguy cơ từ cao đến rất cao, chi tiết theo địa danh hành chính được hiển thị theo phổ mầu khác nhau trên bản đồ kèm bảng biểu địa danh khu vực để các cấp quản lý, cơ quan chỉ đạo về phòng, chống thiên tai có thể nắm bắt nhanh chóng, trực quan khu vực được cảnh báo.
Tổng cục Khí tượng thủy văn sẽ tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc áp dụng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi. Xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét...; nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất.
Đề cập các giải pháp quan trọng phòng, chống sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 nêu rõ: tăng cường quản lý nhà ở ven sông, ven biển làm gia tăng nguy cơ sạt lở, đồng thời từng bước di dời nhà ở, công trình xây dựng trái phép bảo đảm ổn định lâu dài; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm; tổ chức xây dựng công trình chỉnh trị và công trình bảo vệ bờ sông, bờ biển; ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có việc nghiên cứu vật liệu mới để thay thế cát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng, chống sạt lở; tổ chức trồng, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; tăng cường hợp tác quản lý nguồn nước và xây dựng hồ chứa thượng nguồn đối với các quốc gia thượng nguồn sông Mê Công.