Cá chết nhiều ở Hồ Tây: Đề xuất quan trắc chất lượng nước

Thứ Ba, 18/10/2022, 14:17

UBND quận Tây Hồ đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng có phương án xử lý, giải quyết tình trạng cá chết nhiều trên Hồ Tây cũng như tiến hành quan trắc đảm bảo chất lượng môi trường mặt nước.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, UBND quận Tây Hồ khẩn trương chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt tại Hồ Tây.

Đồng thời, đề xuất giải pháp khắc phục; tổng hợp, báo cáo UBND TP kết quả thực hiện trước ngày 20/10.

Hồ Tây do Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý về chất lượng nước; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý về nuôi trồng và khai thác thủy sản; Sở Xây dựng quản lý mực nước như một hồ điều hòa thoát nước (quản lý các cửa phai, vớt bèo); UBND quận Tây Hồ quản lý về trật tự trị an.

Thông tin từ UBND quận Tây Hồ cho biết, quận đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng quận kiểm tra, đôn đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tăng cường công tác vệ sinh môi trường, thu gom toàn bộ khối lượng cá chết trên mặt nước Hồ Tây.

309430962_1158571471408458_8499928521132514903_n.jpg -0
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện thu gom khoảng hơn 800kg cá chết trên mặt nước Hồ Tây trong những ngày qua.

"Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện thu gom khoảng hơn 800kg cá chết trên mặt nước hồ Tây, tính từ ngày 28/9 đến 6/10 và tiếp tục tăng cường công tác thu gom đảm bảo không tồn đọng cá chết khu vực mặt nước Hồ Tây, đặc biệt tại khu vực phố Nguyễn Đình Thi", văn bản của quận Tây Hồ nêu.

Quận này cũng đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng có phương án xử lý, giải quyết tình trạng cá chết nhiều trên hồ Tây cũng như tiến hành quan trắc đảm bảo chất lượng môi trường mặt nước.

Về phía Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đơn vị này cho biết, phần lớn nước thải quanh khu vực hồ Tây đã được thu gom đưa về Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây để xử lý. Toàn bộ quanh Hồ Tây có khoảng 90 cống cấp, thoát nước, trong đó đơn vị làm nhiệm vụ thoát nước Hà Nội quản lý hơn 50 cống.

311400926_1074973639828816_1716546112036818326_n.jpg -0
Hồ Tây có nguy cơ ô nhiễm cao khi mưa to, nước thải từ cống tràn vào hồ.

Theo vị này, về nguyên tắc, hệ thống cống cấp, thoát nước này sẽ được điều tiết, bổ cập nước cho hồ Tây theo quy định để đảm bảo Hồ Tây là “hồ sống” chứ không phải “hồ chết”, đảm bảo thoát nước cho khu vực, đề phòng úng ngập. Khi không có mưa, nước thải từ các cơ quan, đơn vị, khu vực dân sinh theo hệ thống cống thu gom về nhà máy để xử lý. Khi xuất hiện mưa to, vượt ngưỡng thì nước thải hoà tan với nước mưa, có thể chảy tràn vào Hồ Tây.

“Hồ Tây thực chất là hồ điều tiết, phục vụ thoát nước”, vị này nói, đồng thời cho biết, quy định hiện nay cho phép việc này xảy ra. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, hiện nay, nguy cơ ô nhiễm với hồ Tây là rất cao, khi trong lượng nước thải đổ xuống hồ chứa nhiều chất tẩy rửa, xà phòng, nước thải sinh hoạt…

Về lâu dài, để đảm bảo môi trường cho hồ Tây, cần hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải quanh hồ, tiến hành nạo vét bùn, đồng thời triển khai đồng bộ việc bổ cập nguồn nước sông Hồng cho Hồ Tây.

NY
.
.
.