Bên trong kho dữ liệu “có một không hai” về các nhà khoa học Việt Nam

Thứ Hai, 13/12/2021, 11:48

“Không phải ngẫu nhiên mà hàng trăm nhà khoa học nổi tiếng của đất nước thuộc thời kỳ lịch sử hiện đại Việt Nam đã tin cậy trao tài liệu cho Trung tâm Di sản bảo quản. Ở đây có một hệ thống phương tiện đủ tiêu chuẩn để lưu giữ lâu dài những tài liệu này. Tài liệu ở đây rất đa dạng và là những tài liệu có nguồn gốc cá nhân vốn được bảo quản tại các gia đình của các nhà khoa học”.

Đó là chia sẻ của GS. TSKH Nguyễn Văn Thâm, nguyên Trưởng khoa Văn bản và công nghệ hành chính, Học viện Hành chính quốc gia trong chuyến tham quan Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam. 

Chính sự tin tưởng, trao tặng những “đứa con tinh thần” của nhà khoa học cho MEDDOM, cùng cơ sở vật chất độc đáo đã khiến không ít du khách đến tham quan đều ngạc nhiên, tò mò về kho dữ liệu di sản nhà khoa học “có một không hai” này.

Bên trong kho dữ liệu “có một không hai” về các nhà khoa học Việt Nam -0

Gần một triệu đầu tài liệu hiện vật của 2.000 nhà khoa học, phong phú về chất liệu, đa dạng về loại hình hiện đang được lưu trữ, bảo quản tại hệ thống kho tư liệu của Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam, ở Công viên Di sản (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).

Không gian kho được bố trí trong tòa nhà Quyển sách với diện tích sử dụng gần 2000 m2. Mỗi loại hình tài liệu hiện vật được chia theo từng kho để quản lý, giúp khách tham quan được mục sở thị khối di sản đồ sộ ấy theo lộ trình rất khoa học: Kho tài liệu giấy, thư viện, luận án, hiện vật thể khối, phim ảnh, và kho mở. 

Đặc biệt, mỗi hiện vật trong kho đều được nhập dữ liệu lên phần mềm để quản lý và phục vụ khai thác. Mô hình lưu trữ - bảo tàng – thư viện về các nhà khoa học này đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà khoa học, cộng đồng và ngày càng lan tỏa rộng rãi.

Bên trong kho dữ liệu “có một không hai” về các nhà khoa học Việt Nam -0
Chuyên gia MEDDOM thực hiện công tác chuyên môn tại kho Hiện vật thể khối.
Bên trong kho dữ liệu “có một không hai” về các nhà khoa học Việt Nam -1
Bên trong kho dữ liệu “có một không hai” về các nhà khoa học Việt Nam -2
Một góc kho mở - nơi sắp xếp di sản của gần 200 nhà khoa học thuộc các chuyên ngành và du khách có thể tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm.
Bên trong kho dữ liệu “có một không hai” về các nhà khoa học Việt Nam -3
Du khách tham quan kho Tài liệu giấy.

Tại kho Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam lưu giữ di sản khoa học (di sản vật thể và phi vật thể). Di sản vật thể gồm: hồ sơ khoa học, tài liệu cá nhân, bản thảo công trình nghiên cứu, bài viết, luận án, sổ ghi chép, nhật ký, thư từ, vật dụng và kỷ vật, tư liệu ảnh và phim…Di sản phi vật thể là ký ức và những câu chuyện, giá trị sống của nhà khoa học. 

Với bảo tàng, tất cả tài liệu hiện vật, ký ức của các nhà khoa học đều là di sản quý giá, dù đó là những trang bản thảo sửa chữa chằng chịt, những cuốn sổ ghi chép với nhiều nét nguệch ngoạc, chữ đã ố nhòe, những bức ảnh đã ố màu hay những kỷ vật cũ kỹ hoen gỉ...được gọi chung là hiện vật, có giá trị phản ánh lịch sử cuộc đời của nhà khoa học, sự phát triển của ngành khoa học mà họ cống hiến, qua đó khắc họa được bức tranh của nền khoa học đất nước, đồng thời cũng phản ánh về lịch sử chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của đất nước. 

Bởi vậy, trong quá trình nghiên cứu sưu tầm, cán bộ Bảo tàng luôn chú trọng tìm hiểu những thông tin liên quan đến mỗi tài liệu hiện vật của nhà khoa học. Mỗi hiện vật đều có câu chuyện chân thực về cuộc đời của nhà khoa học và như vật chứng kể lại những kỷ niệm hay sự kiện khó quên của họ.

Bên trong kho dữ liệu “có một không hai” về các nhà khoa học Việt Nam -0
Một số tài liệu hiện vật trong kho di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Những tài liệu hiện vật đã tồn tại từ thế kỷ 20 và những câu chuyện bình dị về cuộc đời nhà khoa học, có khi đó chỉ là những mẩu chuyện “vụn vặt” về kỷ niệm của thời thơ ấu, tuổi học trò đến chuyện bước vào ngưỡng cửa làm khoa học, chuyện làm khoa học, chuyện chuyên môn, phòng thí nghiệm, những chuyến đi điền dã đến chuyện đời thường về gia đình, tình yêu, quê hương… Tất cả là minh chứng cho bức tranh khoa học đa màu sắc của các ngành khoa học tại Việt Nam.

Khối tài liệu hiện vật tại Bảo tàng đó không chỉ phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học mà nhiều hoạt động khác nhau: là tư liệu dựng phim về chân dung các nhà khoa học Việt Nam, trưng bày và viết sách về cuộc đời và sự nghiệp của nhà khoa học, ngành khoa học; là nơi sáng tác những tác phẩm nghệ thuật: bối cảnh của phim truyền hình, phóng sự, phim tài liệu…; hay giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên từ di sản của nhà khoa học. 

Hiện nay, độc giả có thể khai thác tư liệu qua hệ thống kho của trung tâm trực tiếp hoặc gián tiếp.

Bên trong kho dữ liệu “có một không hai” về các nhà khoa học Việt Nam -0
Bộ ấn phẩm do cán bộ Bảo tàng thu thập thông tin, biên soạn.

Độc giả có thể khai thác thông tin tư liệu qua những ấn phẩm về nhà khoa học được bảo tàng xuất bản thông qua khối di sản đó, bộ sách “Di sản ký ức của các nhà khoa học Việt Nam” (8 tập) và sách “Những câu chuyện hiện vật” (4 tập). 

Ấn phẩm về lịch sử cuộc đời của các nhà khoa học như: “Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hàm – người anh hùng thầm lặng”, “Nguyễn Huy Phan – cuộc đời và sự nghiệp”, “Vũ Triệu An – Hành trình y học”, hồi ký cuộc đời “Để nhớ, để thương: hồi ức của một thầy giáo” của PGS.TS Lê Văn Truyền…

Theo dõi trên những thước phim về chân dung nhà khoa học: Giáo sư Tôn Thất Tùng (Y học); GS Đỗ Tất Lợi (Dược học); GS Đoàn Trọng Truyến (Kinh tế); GS.TS Nguyễn Văn Chiển (Địa chất); GS.TS Lê Quang Long (Sinh học); GS Hà Minh Đức (Văn học); GS.TS Bùi Khánh Thế (Lịch sử)… 

Đồng thời, Bảo tàng tổ chức trưng bày “Giải thưởng Hồ Chí Minh của các nhà khoa học Việt Nam” về chủ đề: Khát vọng - Học hỏi và Sáng tạo và triển lãm “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” với chủ đề: Học tập, lập thân, lập nghiệp; Đóng góp, cống hiến, hy sinh và Tình yêu - đôi lứa, gia đình, quê hương. Trưng bày, triển lãm được tổ chức tại tầng hai, tòa nhà Quyển sách, và để gửi tới du khách những thông tin lịch sử khoa học và những trải nghiệm thú vị khi đến tham quan.

Bên trong kho dữ liệu “có một không hai” về các nhà khoa học Việt Nam -0
Các em nhỏ trải nghiệm chương trình giáo dục di sản. 

Ngoài ra, bảo tàng đã tổ chức các chương trình giáo dục di sản. Nội dung chương trình được soạn thảo thông qua các tài liệu, hiện vật của các nhà khoa học, góp phần trực tiếp vào việc giáo dục củng cố những kiến thức về lịch sử, kỹ năng trải nghiệm thực tế cho các em học sinh, sinh viên.

Từ những tài liệu hiện vật được lưu giữ, bảo quản trong kho tư liệu “có một không hai” về các nhà khoa học tại Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam sẽ là nguồn tư liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa – khoa học của đất nước.

PV
.
.
.