Trầm cảm, khủng hoảng tâm lý tuổi vị thành niên

Bài cuối: Nhận diện trầm cảm ở trẻ và cách chữa trị

Thứ Tư, 06/04/2022, 06:44

Trầm cảm là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm nhưng có thể chữa trị nếu cha mẹ phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, tương tác tốt để kéo con trở lại. Nếu để ngấm lâu thì sẽ phức tạp hơn, có thể kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Hậu quả là các con có thể làm tổn thương mình, gây ra nguy hiểm cho bản thân.

Làm thế nào để nhận diện trẻ bị trầm cảm, có nguy cơ tự tử là điều mà nhiều bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc tăng cường nhận thức của xã hội về trầm cảm, việc can thiệp, điều rị căn bệnh này cũng cần có những cách tiếp cận mới phù hợp với các đối tượng khác nhau. 

“Tự tử phần lớn có thể ngăn chặn được nếu nhận diện kịp thời”

Ths, chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền, giảng viên Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, Trung tâm giáo dục OED chia sẻ: Từ kinh nghiệm tham gia tham vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên thời gian qua cho thấy, phần lớn các ca bị khủng hoảng tâm lý, bị trầm cảm chủ yếu rơi vào nhóm học sinh từ lớp 7 đến lớp 10, ở độ tuổi dậy thì. Đây cũng thường là nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, bị bạo hành…

tram cam.jpg -0
Bệnh trầm cảm có thể chữa trị khi phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, học sinh phải tạm ngừng học trực tiếp, chuyển sang học online thì số lượng các em bị khủng hoảng tâm lý, xuất hiện hành vi lệch chuẩn tăng lên.

Đặc biệt, từ tháng 10/2021 đến nay, những ca trầm cảm xuất hiện nhiều. Nhiều em rơi vào tình trạng chán học, buồn phiền, hay cáu gắt. Từ những học sinh ngoan, học giỏi, nhiều em có kết quả học tập sa sút, có những hành vi chống đối bố mẹ, thậm chí có em còn phản ứng tiêu cực, bất thường bằng cách trốn vào nhà vệ sinh rồi dọa chết cho bố mẹ xem.

Còn theo TS. Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh, Giám đốc Học viện Thành Công, nổi loạn tuổi dậy thì, căng thẳng tuổi dậy thì, trầm cảm tuổi dậy thì, stress tuổi dậy thì.. là cụm từ chung chỉ các rối loạn tâm lý ở tuổi vị thành niên cho các trạng thái thay đổi tâm lý thất thường, khí sắc buồn chán, tức giận vô cớ, mất hứng thú với cuộc sống, cảm xúc tiêu cực. Những biểu hiện này kéo dài, thường xuyên sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc phát triển toàn diện của các bạn trẻ.

Từ những tâm trạng, suy nghĩ, hành vi tiêu cực sẽ dẫn tới mất khả năng kiểm soát về cảm xúc, suy giảm chất lượng học tập, mất cân bằng trong cuộc sống. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này như sự thay đổi hormone, biến đổi về cơ thể, áp lực học tập, cuộc sống, các biến cố trong gia đình, xã hội… Nhưng có một nguyên nhân lớn đang tác động đến trẻ em hiện nay chính là ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến trẻ không thể đến trường, đảo lộn trong cuộc sống và sinh hoạt thường ngày.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tự tử là nguyên nhân đứng hàng thứ 4 gây tử vong ở các trẻ lứa tuổi vị thành niên. TS.BS Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Khi trẻ bị trầm cảm dễ dẫn đến hành vi tự sát, tuy vậy phần lớn có thể ngăn ngừa được nếu như nhận diện được và có các can thiệp kịp thời. Bố mẹ, người thân là những người gần gũi nhất với trẻ cần biết cách nhận diện được và nhận diện sớm những vấn đề của con mình, để có thể tháo gỡ ngay từ khi các biểu hiện đang ở mức độ nhẹ.

Để xác định chính xác con có bị trầm cảm hay không đôi khi rất khó, cần có kinh nghiệm chuyên môn lâm sàng. Tuy vậy, nếu cha mẹ thấy con có một trong các thay đổi kéo dài trên 2 tuần như: rối loạn về việc ăn, ngủ, học kém tập trung, kết quả học tập giảm sút, buồn bã, ít giao tiếp, dễ cáu giận, nóng tính… thì nên trò chuyện với con để tìm hiểu nguyên nhân, nếu thấy khó khăn thì nên đưa con đến cơ sở y tế để các bác sĩ có chuyên môn đánh giá, thăm khám. Phát hiện sớm và điều trị sớm trầm cảm là rất quan trọng vì sẽ làm tăng hiệu quả điều trị, tránh tái phát.

Ngược lại, nhiều trường hợp con có những biểu hiện trầm cảm vài năm mới cho đi khám thì việc điều trị rất khó khăn, quá trình điều trị kéo dài và thậm chí để lại các ảnh hưởng đến chức năng tâm thần của trẻ, khó hòa nhập cuộc sống. TS Loan cũng cảnh báo, việc điều trị cần tuân thủ theo đúng chỉ định và thời gian của bác sĩ và  các nhà tâm lý, đừng thấy các dấu hiệu đã đỡ mà ngừng điều trị sẽ dẫn đến tình trạng tái phát bệnh. Đặc biệt, những lần điều trị sau sẽ rất khó khăn.

Can thiệp, điều trị trầm cảm ở trẻ cần sự phối hợp từ nhiều phía

Từ kinh nghiệm thực tế của mình, chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền cho rằng: Đối với nhóm học sinh hợp tác với bố mẹ trong quá trình điều trị hoặc tự cảm nhận được những thay đổi trong cơ thể, cảm nhận sự thay đổi bất thường về cảm xúc của mình; chủ động cho gia đình đưa đi điều trị thì mô hình truyền thống là đến bệnh viện, các trung tâm, phòng tham vấn để gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý hoàn toàn có thể đáp ứng.

Tuy nhiên, đối với nhóm học sinh có hành vi bất thường nhưng lại nhạy cảm, luôn trong thế đề phòng không muốn đi gặp nhà tâm lý vì cho rằng bố mẹ mới là người có vấn đề chứ không phải là mình thì mô hình thân chủ tìm đến phòng tham vấn tâm lý không còn mấy phù hợp. Từ thực tế trên, chị và các cộng sự làm việc tại Trung tâm giáo dục OED đã phải chủ động thay đổi cách tiếp cận, tức là thay vì đưa thân chủ đến trung tâm, nhà tâm lý sẽ xây dựng mô hình cử người đến tận nhà hoặc tạo ra những tình huống bất ngờ, tự nhiên để tiếp xúc với thân chủ trong buổi đầu ở các môi trường khác nhau như gặp ở khu vui chơi, quán cafe.

Nói cách khác, cốt lõi của cách tiếp cận này là tạo ra tình huống tự nhiên, “nhúng” các bạn ấy vào môi trường tự nhiên nhất, tác động tự nhiên để các bạn ấy không đề phòng, tạo lập niềm tin để có thể bước vào thế giới của các bạn ấy, lắng nghe được các ngóc ngách cảm xúc, đóng vai người đồng cảnh ngộ để tìm sự đồng cảm, chia sẻ. Trong quá trình tìm lại sự kết nối ấy, các bạn ấy sẽ tự mở lòng, chia sẻ, cùng tham gia vào các hoạt động thể chất, thực hiện lại những thói quen cũ, điều mình thích.

“Với cách này, thời gian tiếp xúc với thân chủ nhanh hơn, hiệu quả tốt hơn bởi sẽ nối lại được sợi dây giao lưu, kết nối bạn bè, vốn là hoạt động chủ đạo nhưng bất ngờ bị cắt do COVID-19. Tuy vậy, cách làm này sẽ mất rất nhiều công sức vì cần sự tham gia của một nhóm, 1 đội, trong đó mỗi người phải đóng một vai phù hợp. Chẳng hạn, nếu thân chủ là người thích làm bánh, cần người biết làm bánh để có thể hỗ trợ, làm chung, làm cùng, còn nếu thân chủ thích đi du học thì phải tìm người có kiến thức, trải nghiệm về du học.

Ngoài ra, nhóm điều phối còn phải phối hợp với bố mẹ, người thân của các em để cùng tác động vào như hướng dẫn hôm nay mẹ phải nói câu gì với con, bố nên mua gì cho con. Đồng thời, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm để hỗ trợ các em bằng cách tìm lại một vài người bạn phù hợp trong lớp, xây dựng lại mối quan hệ bạn bè để các bạn ấy có điểm tựa khi bước vào lớp”- chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền chia sẻ.

Ths Nguyễn Viết Hiền cũng cho rằng, trầm cảm đã và đang trở thành căn bệnh vô hình nhưng nguy hiểm trong xã hội hiện đại. Do vậy, cần phải chung tay đưa thông điệp đến cộng đồng để mọi người đều nhận thức được rằng, trầm cảm có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả những người năng động khi sức khoẻ tinh thần, môi trường sống của họ bị thay đổi. Từ đó, có ý thức bảo vệ sức khoẻ, tâm lý chính mình và của cả những người xung quanh, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Thực tế cho thấy, trầm cảm là nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể chữa trị nếu cha mẹ phát hiện sớm, can thiệp kịp thời, tương tác để kéo con trở lại.

“Cha mẹ không áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Phụ huynh cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lý, tạo sự gần gũi, gắn bó giữa bố mẹ với trẻ để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ khi gặp khó khăn trong việc học tập và trong các mối quan hệ xã hội. Đồng thời, dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống. Vị thành niên là giai đoạn thay đổi về chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi làm việc với trẻ vị thành niên, các bậc phụ huynh cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phát xét, đặc biệt tôn trọng khoảng riêng tư của trẻ” - chuyên gia tâm lý Nguyễn Viết Hiền lưu ý.

H.Thanh – T.Hằng
.
.
.