Thời tiết cực đoan gây thiệt hại tại đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Năm, 22/10/2020, 06:19
Tại Hậu Giang, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đã có hơn 520 ha lúa thu đông giai đoạn trổ chín đến sắp thu hoạch bị đổ ngã, tỷ lệ từ 10-50%, cục bộ có nơi 100%, ước tỷ lệ thiệt hại năng suất từ 5-40%.

Mưa lớn cũng gây ngập úng 175 ha lúa thu đông ở giai đoạn mạ trên địa bàn huyện Long Mỹ. Mưa lớn liên tục trong những ngày qua cộng với triều cường các sông, kênh rạch dâng cao gây ngập úng cục bộ khoảng 304ha vườn cây ăn trái với.

Ngoài ra, có hàng chục ha mía bị đổ ngã, xiêu vẹo tỷ lệ 10-15% trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, mía hầu hết đang trong giai đoạn vươn lóng đến sắp thu hoạch. Trên địa bàn huyện Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và TP Vị Thanh cũng có gần 60ha hoa màu bị ngập úng cục bộ, ước tỷ lệ thiệt hại từ 5-10%.

Lực lượng vũ trang giúp người dân thu hoạch lúa bị ngập úng tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau).

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, để giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và các ngành khác trước ảnh hưởng của mưa bão, các địa phương cần theo dõi sát diễn biến tình hình, nhất là theo dõi triều cường biển Đông kết hợp với lưu lượng nước thượng nguồn đổ về để thông báo kịp thời, chính xác cho người dân biết nhằm chủ động ứng phó hiệu quả.

Bên cạnh đó, các địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời những hư hỏng về hệ thống đê bao, bờ bao nhằm đảm bảo an toàn cho diện tích lúa thu đông, hoa màu, vườn cây ăn trái, thủy sản, khu dân cư. Mặt khác, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi có mưa gây ngập thì chủ động bơm thoát nước để bảo vệ sản xuất, nhất là ở vùng trũng, thấp và không đê bao.

Tại huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), do ảnh hưởng của bão số 6 và số 7, mưa lớn kéo dài kết hợp với giông, lốc và triều cường dâng cao đã làm hơn 14.000ha lúa hè thu của người dân bị ngập, đổ ngã. Nước ngập khắp các cánh đồng khiến máy gặt đập không thể vào thu hoạch lúa, trong khi nhân công cắt lúa tay có giá từ 600.000-800.000 đồng/công (1.000m2), nhưng vẫn rất khó tìm nhân công. Hiện có hơn 1.000 CBCS thuộc lực lượng quân sự địa phương đang hỗ trợ người dân huyện Trần Văn Thời khắc phục khó khăn do ngập lụt.

Tại Sóc Trăng, vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 142.000ha và đã thu hoạch gần 110.000ha, còn hơn 30.000ha đang trong giai đoạn sắp thu hoạch và chờ thu hoạch. Diện tích lúa ở giai đoạn trổ chín bị đổ sập khoảng 4.400ha, trong đó, diện tích bị thiệt hại từ 30 - 70% trên 1.000ha; 155ha bị thiệt hại trên 70%, số còn lại bị ảnh hưởng dưới 30%.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Long Phú, sau đợt mưa kéo dài của những ngày vừa qua, đã có trên 1.300ha lúa đang kỳ thu hoạch bị đổ sập, có một số nơi không thể thu hoạch được vì lúa đổ sập đã nhiều ngày, máy gặt đập không thể thu hoạch, lúa bị úng thối hoặc đã nảy mầm.

Ở một số địa phương của huyện Cù Lao Dung, nông dân bất an vì bị triều cường lên cao so với những năm trước, gây thiệt hại khá nặng. Ông Lê Minh Đương, Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, đợt triều cường vừa qua dâng cao đột ngột đã làm ảnh hưởng lớn đến hệ thống đê, bờ bao của người dân.

Huyện đã huy động các phương tiện, máy móc đến hiện trường để khắc phục các đoạn bị vỡ, cố gắng làm kể cả ban đêm để đến sáng mai các đoạn bị vỡ phải khắc phục xong. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo các xã vận động người dân trong khu vực bị ảnh hưởng cũng như lực lượng dân quân giúp bà con khắc phục kịp thời.

V. Đức – T. Lĩnh – C. Xuân
.
.
.