Ẩn họa từ các hồ nước do doanh nghiệp khai thác cát để lại

Thứ Bảy, 15/08/2015, 09:37
Những hố cát sâu hoắm chứa nước, do việc khai thác cát của Công ty 368 để lại chưa san lấp, trả lại mặt bằng đang tiềm ẩn hiểm họa, nhất là đối với trẻ con ở thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế)...

Đầu những năm 1990, nhiều hộ dân ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế nằm trong chương trình giãn dân lên vùng kinh tế mới 327 của Chính Phủ đã đến thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến xây dựng nhà cửa để phát triển kinh tế bằng mô hình trồng rừng. Lúc đó, có 17 hộ dân được cấp đất ở và đất sản xuất nằm ở bãi Trằm, dưới chân núi của thôn Thủy Dương. 

Năm 1996, bãi đất 3ha ở bãi Trằm được HTX Song Thủy (xã Lộc Tiến) trồng cây nông nghiệp ngắn ngày và giao cho các hộ dân vùng kinh tế mới quản lý. Tuy nhiên, do không có hiệu quả nên sau đó các hộ dân đã sử dụng để trồng cây keo lá tràm. 

Một hồ chứa nước lớn do khai thác cát để lại tiềm ẩn tai họa.

Đến giữa năm 2014, khu vực này được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đồng ý cấp phép cho Công ty 368 làm mỏ khai thác cát cung cấp cho dự án nâng cấp, mở rộng tuyến QL1A. 

Ông Trần Tuất, Trưởng thôn Thủy Dương cho hay, khi nghe thông báo khu vực bãi Trằm được giao cho Công ty 368 khai thác cát, người dân địa phương đã có ý kiến phản đối bởi diện tích rừng keo lá tràm do bà con trồng tại đây chưa đến thời kỳ thu hoạch. Mặt khác, việc khai thác cát nằm dưới chân đồi có thể gây nên tình trạng xói mòn, sạt lở vào nhà dân bất cứ lúc nào...

Tuy nhiên, do cấp trên đã phê duyệt cấp mỏ nên Công ty 368 đã cho xe múc, xe tải đến thực hiện hoạt động khai thác cát. Đến nay, dù đã hoàn thành việc khai thác nhưng chỉ có 15/17 hộ dân ở khu kinh tế mới được doanh nghiệp này đền bù tài sản trên đất, với giá mỗi cây keo lá tràm 27 nghìn đồng. Riêng 2 hộ dân Dương Quang Đức và Lê Kim Điền vẫn chưa nhận được đền bù. Đặc biệt, việc san lấp các hố khai thác cát để hoàn thổ cũng không được doanh nghiệp thực hiện… 

Đưa chúng tôi ra bãi cát nằm cạnh nhà các hộ dân vùng kinh tế 327 có diện tích lớn cây tràm đã bị đốn hạ, thay thế vào đó là những hố cát sâu hoắm chứa nước, do việc khai thác cát của Công ty 368 để lại, ông Tuất bức xúc: Theo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, mỏ cát này được cấp cho Công ty 368 khai thác trên diện tích 3ha, trữ lượng 65.000m³, chỉ được phép đào âm sâu xuống mặt đất 3m... nhưng thực tế, công ty này đã khai thác vượt phép, cho máy móc đào bới sâu đến gần 15m, điểm cạn nhất cũng từ 7-9m, tạo nên những hồ lớn. Chỉ cần mưa vài hôm là hồ ngập nước. Trong khi đó, Công ty 368 đã khai thác xong và chưa san lấp, trả lại mặt bằng; nên các hồ nước này luôn tiềm ẩn hiểm họa, nhất là đối với trẻ con trong làng.

Trao đổi sự việc với phóng viên, ông Hồ Trọng Cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc khẳng định: “Thời gian qua, UBND huyện đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra nhưng Công ty 368 bất hợp tác. Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Đinh Khắc Đính đã tổ chức đoàn liên ngành đến khu mỏ cát này xem xét tình hình và huyện đã có văn bản kiến nghị Công ty 368 khẩn cấp san lấp, hoàn trả mặt bằng; nhưng không biết đến bao giờ họ mới thực hiện hoàn thổ”.

Anh Khoa
.
.
.