Ý tưởng chuyển không khí lạnh trên núi cao về làm mát TP
Ý tưởng có vẻ… trên trời này của ông Tuấn (ông cũng chính là người đề xuất mở đường bay "vàng" trên tuyến Hà Nội - TP HCM dọc theo kinh tuyến 106 độ Đông) lập tức được cả nguyên Phó Chủ tịch HĐBT và GS. TS Lê Văn Viện hết sức ủng hộ. Thậm chí, một ngày sau đó, khi biết về ý tưởng này, TS - Viện sỹ thông tấn Đặng Hữu, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương đã viết thư đề nghị cho đăng ý tưởng này trên Báo Nhân dân để các nhà khoa học công nghệ xem xét, tính toán, "Nếu có lợi về kinh tế thì nên khuyến khích đầu tư nghiên cứu, áp dụng…" và ngay ngày 30/5/2002, Cục Bản quyền tác giả đã cấp chứng nhận bản quyền tác giả cho tác phẩm "Không cần dùng máy điều hòa nhiệt độ không khí mà vẫn điều hòa được không khí cho mọi nơi, mọi nhà với giá rất rẻ".
Đặt vấn đề về ý tưởng của mình, ông Tuấn đã so sánh: Vào ngày nắng nóng của mùa hè, không khí ở tầng thấp sát mặt đất tại nhiều nơi luôn có nhiệt độ từ 32 độ C trở lên. Trong khi đó, tại các khu vực núi cao như Sapa, Tam Đảo, Ba Vì, Ngọc Lĩnh, Đà Lạt… không khí luôn mát mẻ quanh năm với nhiệt độ chỉ trên dưới 20 độ C.
Nhiều người dân thành phố phải thường xuyên dùng khẩu trang che mặt để chống nắng, nóng khi đi ngoài đường. Ảnh: Đ.T.. |
Từ lập luận này, ông Tuấn đã đưa ra giải pháp dùng đường ống dẫn luồng không khí từ trên các đỉnh núi này về làm mát cho cả khu vực đồng bằng và thành phố. Bởi "Lượng không khí mát khổng lồ chỉ nằm cách đỉnh đầu khoảng 1.500m thì bị lãng phí; trong lúc người dân cứ phải dùng máy lạnh một cách quá tốn kém để hạ nhiệt độ khối không khí nóng ở sát mặt đất xuống mức trên dưới 20 độ C rồi đưa vào trong nhà sử dụng", ông Tuấn khẳng định.
Xét về hiệu quả kinh tế, theo ông Tuấn, chỉ cần tạm tính rằng trên cả nước có 1 triệu người dân có điều kiện sử dụng không khí lạnh do máy điều hòa; 4 người sử dụng chung 1 máy điều hòa nhiệt độ thì số tiền phải chi mua máy móc đã lên tới nhiều tỷ đồng.
Để được sử dụng không khí lạnh từ 250 ngàn máy điều hòa này trong vòng 10 giờ/ngày, chưa tính tiền bảo trì bảo dưỡng, thay thế, một năm người dân sẽ tiếp tục phải chi phí một khoản tiền xấp xỉ bằng tiền đầu tư mua máy để trả tiền điện… trong khi đó, nếu đầu tư hệ thống đường ống, quạt hút đẩy không khí lạnh từ các vùng núi cao về, giá thành đã rẻ hơn; số người được sống trong bầu không khí mát mẻ nhiều hơn lại góp phần thay đổi, làm sạch được bầu không khí vốn đã quá ô nhiễm, ngột ngạt tại những đô thị lớn.
Với quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực, lại được ủng hộ của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành và Trường Đại học Huế… cách đây vài năm, ông Tuấn đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế mời ra khảo sát, thực hiện thí điểm việc đưa không khí lạnh từ đỉnh núi Bạch Mã xuống TP Huế.
Lý do, vào mùa hè, nhiệt độ trên đỉnh Bạch Mã nằm ở độ cao trên dưới 1.500m so với mực nước biển này luôn thấp hơn dưới chân núi khoảng 10 độ. Sau đó, ông Tuấn đã đưa 2 kỹ sư từ TP Hồ Chí Minh ra Huế tiến hành khảo sát, tính toán để thực hiện dự án.
Kết quả tính toán đối với dự án thí điểm đưa không khí mát về cho 1 trường học, 1 bệnh viện ở TP Huế này ngay thời điểm đó đã đưa ra những con số hết sức ấn tượng: Chỉ cần đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho 2,6km ống PVC có đường kính từ 20 - 30cm; cứ cách 300 - 500m trên đường ống này sẽ cho lắp một quạt công nghiệp dùng để hút đẩy không khí có công suất 1.700m3/phút và đường dây điện dọc theo đường ống… là đủ lượng không khí mát điều hòa cho cả trường học và bệnh viện nói trên.
Nhưng ông Tuấn cho biết, sở dĩ đến thời điểm này dự án vẫn chưa thể thực hiện là do ông chưa tìm được nhà đầu tư. Và không nản chí, ông Tuấn đang dành dụm tiền để có thể triển khai thực hiện vào năm 2010.
Cũng theo ông Tuấn, từ dự án này, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Vĩnh Nghiệp khi còn sống cũng đã từng khuyến khích ông xây dựng một dự án chi tiết: Đề nghị với chính quyền thành phố xây dựng một vài tòa tháp cao hàng trăm tầng để vừa có chỗ cho người dân vui chơi; vừa lấy không khí ở tầng bình lưu trên cao, thổi xuống mặt đất làm mát cho cả thành phố.
Khi đó bầu không khí nắng nóng, ngột ngạt và ô nhiễm của một thành phố chật chội như TP HCM không chỉ được làm mát mà sẽ còn được làm sạch…
Cho đến thời điểm này, quy trình làm ra mưa nhân tạo đã được một số quốc gia thực hiện thành công thì việc làm mát, thay đổi không khí ở nước ta liệu có được đầu tư nghiên cứu, triển khai?