Xuất cảnh lao động trái phép: Tiền mất tật mang
- Bắt đối tượng đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép
- Đắk Lắk: Tố cáo đường dây xuất khẩu lao động trái phép
- Xuất khẩu lao động trái phép, một công ty bị xử phạt hành chính
Theo số liệu từ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Thái Nguyên, năm 2014 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 5.697 lượt người địa phương xuất cảnh sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp, trong đó nhiều nhất là ở huyện Đồng Hỷ với 1.943 lượt người, huyện Võ Nhai 1.519 lượt người, huyện Định Hóa 556 lượt người… Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, lượng người trên địa bàn tỉnh xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép là 5.013 lượt người, chiếm 86,18% so với cả năm 2014. Sang Trung Quốc, người lao động chủ yếu chặt mía, bốc vác hàng qua biên giới, làm đồ gốm sứ, khai thác gỗ, sản xuất đồ chơi, đồ gia dụng, đồ nhựa, quần áo, hàng đông lạnh, đồ ăn đóng hộp…
Cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Đồng Hỷ phối hợp với Công an xã Khe Mo tuyên truyền, vận động người dân không xuất cảnh lao động trái phép. |
Được biết, số người này phần lớn trong độ tuổi lao động, kinh tế khó khăn, không có công ăn việc làm. Quá trình xuất cảnh, họ không có hộ chiếu, thị thực và không làm thủ tục xuất nhập cảnh theo quy định một số khác làm hộ chiếu, xin thị thực đi du lịch để sang Trung Quốc nhưng sau đó trốn ở lại lao động. Khởi nguồn của việc xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động là do họ được bạn bè, người thân có quan hệ họ hàng với người ở các tỉnh gần biên giới Việt Nam – Trung Quốc hoặc người đã từng sang Trung Quốc lao động rủ rê, lôi kéo. Hoặc một số người tự ý rủ nhau lên các tỉnh biên giới (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) làm thuê, sau đó móc nối với người bản địa hoặc thông qua đầu nậu môi giới đưa sang Trung Quốc lao động (với chi phí từ 2 – 3 triệu đồng/người).
Theo Trung tá Lê Hồng Bắc, Phó trưởng Công an huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, phần lớn người đi lao động “chui” tại Trung Quốc chỉ làm theo mùa vụ rồi trở về, không mang lại kinh tế cho bản thân và gia đình, thậm chí còn nợ nần thêm do trước khi đi phải vay mượn tiền để nộp cho đối tượng môi giới. Tuy nhiên, kể cả khi họ nhận được tiền lương thì cũng đã bị trừ ngược trừ xuôi, hao hụt đi rất nhiều. Các đối tượng môi giới làm việc trực tiếp với chủ người Trung Quốc bố trí việc làm, quản lý ngày công, tiền lương người lao động, hằng tháng đã ăn bớt tiền của họ.
Việc làm tại các xưởng ở Trung Quốc thường không ổn định, người lao động làm được 1-2 tháng lại bị chuyển đến xưởng khác, trong khi lương luôn bị chủ giữ lại ít nhất là 1 tháng, vì vậy khi họ bị chuyển đi thì tiền lương tháng trước không được thanh toán với lý do làm chưa đủ thời gian yêu cầu (số tiền này chủ và môi giới chia nhau). Có những chủ thuê lao động làm 3 tháng và trả lương một lần, nhưng gần đến thời điểm trả lương thì chính quyền Trung Quốc đến kiểm tra, khiến người lao động phải bỏ trốn, hoặc bị bắt, tiền lương lại rơi vào người quản lý, môi giới…
Đó là chưa kể quá trình ở Trung Quốc họ phải tự trang trải chi phí sinh hoạt. “Dù mức lương cao hơn so với lao động phổ thông tại Việt Nam (5-7 triệu đồng) nhưng thực tế thu nhập của người lao động “chui” tại Trung Quốc rất ít, cộng thêm việc không có sự quản lý của cơ quan chức năng dễ dẫn đến mâu thuẫn, đánh nhau giữa công nhân với nhau” – Trung tá Bắc thông tin thêm.
Được biết, từ đầu năm 2015 đến nay đã có 115 công dân Thái Nguyên bị phía Trung Quốc bắt, trao trả, phần lớn số này bị bắt trên đường đi sâu vào nội địa Trung Quốc.
Khi gặp tai nạn, rủi ro thường không được cứu chữa kịp thời do cơ quan chức năng không xác định được nhân thân, lai lịch, không hiểu ngôn ngữ, nhiều người đã phải bỏ mạng ở nước bạn. Như trường hợp Dương Thị T. (xã Xuân Phương, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) chết do bệnh nặng tại Nam Ninh, Trung Quốc; Phạm Văn H. (xã Cổ Lũng, Phú Lương, Thái Nguyên) tử vong do đánh nhau tại Quảng Đông, Trung Quốc. Trần Xuân H. (Minh Tiến, Đại Từ, Thái Nguyên) thiệt mạng do nhà sập trong lúc lao động; Triệu Văn Đ. (Tân Long, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) và Trần Thanh T. (Linh Sơn, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) chết do đánh nhau; Phương Văn Đ. (Văn Hán, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) bị gỗ đổ vào người dẫn đến tử vong… Không chỉ gây tổn thất về tinh thần cho gia đình, họ còn tạo ra gánh nặng về vật chất khi gia đình phải lo liệu chi phí sang Trung Quốc mang thi thể về… Có trường hợp ở xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ người thân không mang được thi thể về bởi chi phí tốn kém, từ 25-30 triệu đồng.
Đại úy Dương Hữu Thủy, cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Đồng Hỷ cho biết, lượng người xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép chủ yếu tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, như Văn Hán, Tân Long, Tân Lợi… Đây là những xã cách trung tâm huyện 25-30km, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số, làm nông, do ở tuổi trung niên, sức khoẻ kém, các khu công nghiệp không nhận nên mới tìm đường sang Trung Quốc. Dù được cán bộ đến tuyên truyền trực tiếp, bản thân họ cũng nhận thức được. Có trường hợp bị phía Trung Quốc bắt, trao trả, khi lực lượng Công an gọi hỏi thì thừa nhận “biết sai rồi, sợ lắm rồi, không đi nữa” nhưng năm sau vẫn tiếp tục vượt biên. Thường thời điểm ăn Tết Nguyên đán xong người dân tập trung đi đông, công tác tuyên truyền, vận động gặp khó khăn bởi họ thường không thừa nhận sang Trung Quốc, mà chỉ bảo đi du lịch Lạng Sơn.
Bởi vậy, để giải quyết triệt để, tận gốc vấn đề này, ngoài việc điều tra, xử lý những đối tượng tổ chức đưa người khác trốn ra nước ngoài thì cần sự vào cuộc đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền trong tuyên truyền pháp luật và vận động nhân dân không xuất cảnh lao động trái phép. Công tác tuyên truyền phải nhấn mạnh đến rủi ro, hậu quả, thiệt hại mà người lao động gặp phải.
Quan trọng hơn, tỉnh Thái Nguyên cần đẩy mạnh các dự án phát triển kinh tế xã hội, tạo việc làm, nâng cao đời sống và thu nhập cho người lao động; cũng như thu hút các doanh nghiệp được Nhà nước cho phép xuất khẩu lao động đến hoạt động tại địa bàn và khuyến khích người dân đi xuất khẩu lao động theo các chương trình, dự án được Nhà nước cấp phép…
Tổng số lượt người xuất cảnh sang Trung Quốc lao động trái phép trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tăng mạnh trong vòng 5 năm qua: Năm 2011 có 748 lượt người; bị phía Trung Quốc bắt, trao trả 102 người; năm 2012 có 554 lượt người; bị bắt, trao trả 120 người; năm 2013 có 2.029 lượt người; bị bắt, trao trả 211 người; năm 2014 có 5.857 lượt người; bị bắt, trao trả 170 người. 6 tháng đầu năm 2015 có 5.013 lượt người; bị bắt, trao trả 115 người. |