Xử nhẹ các đoàn có người trốn ở lại nước ngoài
Việc quy kết trách nhiệm và xử lý đối với các đoàn có người trốn ở lại nước ngoài với số lượng ít vẫn chỉ bằng hình thức thông báo, cảnh cáo... Điều này đã làm cho các đơn vị tổ chức chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình.
Qua tìm hiểu tại các cơ quan chức năng chúng tôi được biết, việc đưa người trốn ở lại nước ngoài trái phép đang được các đối tượng lợi dụng thông qua những hình thức chính như: tổ chức các đợt tham quan, hội chợ, hội thảo, triển lãm; đưa người đi xuất khẩu lao động và con đường đi du lịch. Trong đó hình thức đưa người đi dưới dạng các đoàn tổ chức xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm... đang được sử dụng khá phổ biến.
"Treo đầu dê bán thịt chó"
Chọn hình thức này ngoài việc tạo được một vỏ bọc pháp nhân khá an toàn, dễ thực hiện thì điều quan trọng hơn là một số địa điểm tổ chức hội chợ, triển lãm là thị trường hấp dẫn, dễ làm ăn mà các hình thức khác như du lịch hay xuất khẩu lao động thường chưa có điều kiện đặt chân đến.
Một trong những vụ việc khá điển hình cho trường hợp này đã được cơ quan Công an phát hiện cách đây ít lâu đó là trường hợp Lê Thịnh Vượng, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Hội chợ triển lãm Ngôi Sao (Hàng Khay - Hoàn Kiếm - Hà Nội). Trong phi vụ này, Vượng đã tổ chức cho 15 đối tượng làm hồ sơ giả dưới dạng nhân viên của công ty, sau đó đi hội chợ du lịch tại Nhật Bản để trốn ở lại tìm kiếm việc làm.
Để đặt chân tới được sân bay Nhật Bản, mỗi một "nhân viên" nói trên đã phải nộp cho Lê Thịnh Vượng và một số người khác từ 8.000 - 11.500USD. Tuy nhiên, sau khi đặt chân tới sân bay Narita (Tokyo), đoàn cán bộ dự "hội chợ du lịch" này đã bị cảnh sát Nhật Bản phát hiện và 15 đối tượng mượn danh nhân viên công ty đã bị đuổi về nước.
Theo các cơ quan chức năng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là việc cấp phép hoạt động cho các công ty đang được thực hiện quá dễ dàng, lỏng lẻo. Số liệu thống kê cho thấy, ngoài một số trường hợp lợi dụng doanh nghiệp có thật để làm giả hồ sơ nhân viên xuất cảnh ra nước ngoài và trốn ở lại trái phép thì đa số các doanh nghiệp tham gia vào việc này đều là doanh nghiệp "ma", không có trụ sở, không đúng địa chỉ, không hoạt động, tên người được cấp giấy phép trong thực tế xác minh không thấy hoặc có những việc làm khác.
Điều khó khăn nhất là hiện cơ chế kiểm tra, xử lý những doanh nghiệp này vẫn chưa được đặt ra. Điển hình như trong vụ Lê Thịnh Vượng cùng Nguyễn Thị Bé (Hoài) tổ chức cho người đi Hội chợ Nhật Bản, khi cơ quan An ninh điều tra khám nhà một đối tượng đã thu được hàng trăm giấy phép đăng ký kinh doanh của các công ty phục vụ cho việc tổ chức...
Bên cạnh đó, việc móc nối giữa các doanh nghiệp “ma” với những người có nhu cầu hiện cũng được tiến hành khá bài bản. Hầu hết các đối tượng trốn ở lại nước ngoài sau khi xuất cảnh đều có người thân, quen hoặc các mối làm ăn ở phía nước ngoài chỉ dẫn, thế nên việc họ nhanh chóng tìm được những đường dây, những công ty "ma" này để thiết lập các "hợp đồng" một cách dễ dàng.
Mỗi một phi vụ trót lọt như vậy có giá hàng chục ngàn USD, tuỳ theo địa chỉ đến. Những công ty này chỉ phải đảm nhận đưa các đối tượng sang đến sân bay nước ngoài, tại đó các "đoàn công tác" tự giải tán, thậm chí có nhiều trường hợp có những đoàn vừa đến sân bay đã có những đầu mối khác đưa ôtô đến chờ đón sẵn.
Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng các đối tượng lợi dụng trốn ở lại nước ngoài xuất hiện khá nhiều năm nay. Tuy nhiên, kể từ thời điểm năm 1995, khi cơ chế hội nhập, mở cửa làm ăn với nước ngoài được thông thoáng, tình trạng này đã trở nên phổ biến hơn.
Theo thống kê từ năm 1995 tới nay có không dưới 50% số lượng đoàn đi nước ngoài dưới dạng xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm có người trốn ở lại chủ yếu ở các nước Anh, Đức, Nhật Bản. Những đoàn ít thì số lượng người trốn ở lại chỉ một vài người, nhiều thì gần hết cả đoàn trốn ở lại, chỉ có lãnh đạo "công ty" xách ca táp trở về.
Để tiến hành trót lọt các phi vụ này, các đối tượng đều tiến hành các bước thủ tục rất đầy đủ. Với những thủ đoạn như làm giả hồ sơ, giấy tờ, làm giả hợp đồng, bảo hiểm xã hội... rồi lập danh sách gửi cho các cơ quan tổ chức hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại để làm thủ tục.
Sau khi sang đến sân bay, hoàn tất thủ tục nhập cảnh là "hợp đồng" giữa các đối tượng tổ chức với những người có nhu cầu coi như chấm dứt. Từ năm 1995 đến nay, có những đoàn lúc đi 20 - 30 người, nhưng sau đó chỉ 3-4 người trở về nước.
Tình trạng thông qua các con đường du lịch, xúc tiến thương mại, hội chợ, xuất khẩu lao động… để trốn ở lại nước ngoài trái phép đã làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh Việt Nam. Riêng tình trạng người xuất khẩu lao động bỏ trốn tại nước ngoài đã làm cho chính sách xuất khẩu lao động phải gánh chịu những ảnh hưởng nhất định.
Điều khó khăn nhất để phát hiện được tình trạng này là các đối tượng lúc làm thủ tục xuất cảnh đều có đầy đủ các giấy tờ theo quy định. Một số đối tượng vi phạm bị phía nước ngoài ngăn chặn đẩy đuổi trở về nhưng do phía nước ngoài không có thông báo nên nhiều khi các cơ quan chức năng không phát hiện được vì họ xuất cảnh vài ngày sau đó mới làm thủ tục nhập cảnh như những người bình thường khác.
Để ngăn chặn được tình trạng này, thiết nghĩ đã đến lúc cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành trong việc cấp phép, tổ chức các hình thức hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại... thậm chí có những ý kiến còn đề xuất trong nhiều trường hợp cần thiết lúc làm thủ tục đưa người đi nước ngoài phải có chính sách đặt cọc tiền trước.
Bên cạnh đó, từ trước đến nay việc quy kết trách nhiệm và xử lý đối với các đoàn có người trốn ở lại nước ngoài với số lượng ít vẫn đang được thực hiện bằng những hình thức thông báo, cảnh cáo... chưa có tác dụng nhất định và làm cho các đơn vị tổ chức chưa nhận thức hết trách nhiệm của mình