Xử lý nghiêm các sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản
Bắc Ninh: Qua thanh tra, kiểm tra 16 cơ sở và một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Đoàn Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường đã phát hiện 9/16 đơn vị không có văn bản báo cáo gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại (CTNH) theo quy định.
8/16 đơn vị không xây dựng kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố do CTNH gây ra theo quy định và không đóng gói, bảo quản CTNH theo chủng loại trong các bồn, thùng chứa, bao bì chuyên dụng đáp ứng các yêu cầu về an toàn, kỹ thuật bảo đảm không rò rỉ, rơi vãi hoặc phát tán ra môi trường, không dán nhãn theo quy định.
6/16 đơn vị thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và không thực hiện việc giám sát chất thải, giám sát môi trường xung quanh; 4/16 đơn vị không đăng ký chủ nguồn thải CTNH theo quy định…
Với các lỗi vi phạm trên, Đoàn thanh tra đã lập biên bản và ra các quyết định xử phạt đối với các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Bia Á Châu (KCN Tiên Sơn) bị xử phạt hơn 100 triệu đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ sản xuất Tùng Lâm, chuyên sản xuất phụ tùng ôtô điện và nội thất composite (KCN Đại Đồng Hoàn Sơn) bị xử phạt hơn 187 triệu đồng; Công ty TNHH Long Tech Precision (KCN Quế Võ) bị xử phạt hơn 150 triệu đồng; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên Phát (KCN Đại Đồng - Hoàn Sơn) chuyên sản xuất các mặt hàng bằng gang bị xử phạt hơn 180 triệu đồng…
Lâm Đồng: Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số nơi trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp, tác động xấu đến môi trường tự nhiên, trật tự xã hội. Cùng đó, tình trạng gây ô nhiễm môi trường ở một số nơi như: nước thải của một số nhà máy ươm tơ ở thành phố Bảo Lộc, chất thải rắn ở Khu công nghiệp Phú Hội… cũng khiến dư luận lên tiếng.
Qua phản ánh của báo chí, ý kiến của cử tri, tỉnh đã quyết liệt vào cuộc xử lý những vi phạm này để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, giải quyết dứt điểm những bức xúc chính đáng của người dân. Theo đó, các ban, ngành chức năng, các địa phương đã triển khai kiểm tra, xử lý kiên quyết và khuyến cáo các giải pháp cho những tổ chức, cá nhân có vi phạm. Nhờ vậy, một số sai phạm trong lĩnh vực khoáng sản, môi trường được đưa ra trong các kỳ họp trước của Hội đồng đã từng bước được chấn chỉnh, khắc phục.
Cụ thể, tình trạng khai thác cát gây sạt lở bờ sông Đồng Nai trên địa bàn huyện Cát Tiên đã được khắc phục cơ bản, nhiều điểm khai thác vàng, khai thác thiếc… trái phép ở các huyện: Đam Rông, Đức Trọng, Lạc Dương, TP Đà Lạt… đã bị đóng cửa, đã xử phạt các nhà máy ươm tơ xả nước thải gây ô nhiễm môi trường và buộc các nhà máy này phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tỉnh đang xây dựng phương án xử lý chất thải rắn ở Khu công nghiệp Phú Hội…
Đồng Nai: Qua kiểm tra tình hình công tác quản lý nhà nước và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đã phát hiện một số doanh nghiệp có nhiều thiếu sót và sai phạm trong công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 44 mỏ đang khai thác khoáng sản dùng làm vật liệu xây dựng. Qua kiểm tra đã phát hiện, có 11 giấy phép khai thác khoáng sản đã hết thời hạn khai thác, nhưng chỉ có một mỏ đã làm thủ tục đóng cửa (mỏ Hang Nai), còn lại 10 mỏ nằm trên địa bàn TP Biên Hòa đều chưa làm thủ tục đóng cửa theo quy định của Luật Khoáng sản.
Ngoài ra, hầu hết các mỏ đã lập bản đồ hiện trạng định kỳ nhưng chưa đầy đủ, chi tiết, không lập kế hoạch khai thác hằng năm, một số mỏ hoạt động nhưng chưa ký quỹ phục hồi môi trường. Nhiều mỏ khoáng sản khai thác lâu nay, nhưng không lập thiết kế kỹ thuật thi công, trong đó có 10/23 mỏ đang khai thác quy mô công nghiệp, song chưa thực hiện các thủ tục theo quy định của Luật. Đặc biệt, 4/4 mỏ đá xây dựng được kiểm tra, khai thác còn để xảy ra hiện tượng chập tầng, tạo vách cao, dốc, gây mất an toàn cho người, thiết bị...
Về hoạt động khai thác cát tại khu vực huyện Định Quán, mỏ cát xây dựng Trị An 1 và Trị An 2 của Công ty Đồng Tân đều có giấy phép ký ngày 16/12/2008 trong thời hạn 5 năm. Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, đã gần 3 năm nhưng cả hai cơ sở này đều chưa lập bảng thẩm định và phê duyệt thiết kế khai thác mỏ; chỉ bổ nhiệm một giám đốc kiêm nhiệm 2 mỏ; chưa lập kế hoạch khai thác hằng năm, đồng thời trong công tác bảo đảm an toàn lao động còn nhiều thiếu sót