Xử lý chưa nghiêm các lãnh đạo sai phạm ở Gia Lai

Thứ Sáu, 31/10/2014, 11:28
Nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các sở, ngành... của Gia Lai sau khi bị phát hiện sai phạm, xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo... nhưng vẫn ung dung tại vị.

Dư luận đang đặt câu hỏi vụ ông Huỳnh Ngọc Tục - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công thương có nhiều sai phạm, đã được Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai đã tiến hành kiểm tra, làm rõ. Cùng với nhiều sai phạm khác, ông Tục không có bằng cấp 3 nhưng sử dụng giấy chứng nhận đã tốt nghiệp cấp 3 bất hợp pháp để hợp lý hóa việc học tập cao hơn nhằm thăng tiến chức quyền. Kết quả xử lý kỷ luật mức cảnh cáo và vẫn đang tại vị chức Giám đốc Sở Công thương Gia Lai.

Trường hợp ông Võ Văn Miền, đã sử dụng bằng cấp 3 giả để hợp thức hóa bằng cấp, trở thành Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai. Năm 1995, nhờ kiếm được tấm bằng cấp 3 giả, ông Miền đã khai trình độ văn hóa 12/12 và được đi học đại học từ năm 1995-1999 với chuyên ngành Tài chính - Kế toán do Trường Đại học Kinh tế TPHCM mở tại Gia Lai, hệ tại chức. Từ năm 2005-2007, ông Miền được cơ quan cử đi học lớp Cao cấp lý luận chính trị, sau đó đề bạt lên làm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường từ năm 2005 đến nay. Mặc dù năm 2011, ông Võ Văn Miền bị kỷ luật khiển trách về nhiều sai phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng sau đó vẫn tiếp tục ung dung tại vị chức Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên Môi trường đến nay.

Sau khi phát hiện sai phạm về gian dối bằng cấp, Hội đồng kỷ luật Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Gia Lai đề nghị hình thức kỷ luật cách chức đối với ông Miền. Thế nhưng không hiểu sao UBND tỉnh Gia Lai lại có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên-Môi trường tỉnh Gia Lai tổ chức kỷ luật đối với ông Miền bằng hình thức khiển trách (?!).

Căn cứ theo điểm a, khoản 1, điều 13, Nghị định 34/2011/NĐ-CP - quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì việc sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị... phải chịu hình thức kỷ luật cách chức đối với người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nhưng cách xử lí kỷ luật nhẹ nhàng đối với các cán bộ lãnh đạo sai phạm ở Gia Lai là điều khó hiểu.

Một thực tế bức xúc hiện nay ở Gia Lai nữa là nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các sở, ngành... sau khi bị phát hiện sai phạm, xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo... nhưng vẫn ung dung tại vị. Nhiều người đến thời kỳ bổ nhiệm lại bị vướng kỷ luật thì được kéo dài giữ chức vụ cho qua thời hạn kỷ luật thì tiếp tục bổ nhiệm lại chức cũ.

Nhiều người cho rằng, cách xử lý, bố trí cán bộ lãnh đạo như vậy sẽ làm “nhờn thuốc” và không có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung người vi phạm. Mặt khác không ai dám tố cáo sai phạm cán bộ lãnh đạo ở đơn vị mình vì sẽ bị trù dập

N.Như
.
.
.