Xóa những "cung đường đen" tại Hà Nội: Cần sự vào cuộc tích cực của các ngành

Chủ Nhật, 09/11/2008, 16:00
Trong những ngày mưa lũ, tại những nút giao thông là “điểm đen”, lực lượng ứng trực đều rất vất vả để đảm bảo ATGT được thông suốt. Để giải quyết những "điểm đen" này, lực lượng CSGT rất cần sự vào cuộc tích cực của người tham gia giao thông, của các ngành, các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông.

Xe máy đi ngược chiều, khiêng vác qua dải phân cách để sang đường; xe máy từ đường liên thôn ra QL1B không chú ý quan sát gây tai nạn; xe ôtô tải vượt ẩu ở nơi cấm vượt; ngã tư Trâu Quỳ có đèn xanh đèn đỏ nhưng lại không hoạt động khiến giao thông hỗn loạn gây tai nạn; lái xe say rượu khi yêu cầu dừng xe đã chống đối, gây sự… đó là những công việc thường ngày mà Đội CSGT Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) phải giải quyết tại 7 điểm đen, trong đó có những điểm đen thường xuyên gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng nằm trên những tuyến đường huyết mạch đi các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc của Tổ quốc.

Trong những ngày mưa lũ vừa qua, phương tiện qua lại địa bàn huyện tăng cao do toàn bộ tuyến giao thông qua cầu Thanh Trì đổ dồn về, 100% quân số của Đội phải ứng trực, giúp việc giải toả ách tắc liên tục ở QL5 được thông suốt.

Những điểm đen cần tránh

Ngày 6/8, trong cơn mưa vẫn còn lất phất rơi ở Hà Nội, trên QL1B (gần cầu Phù Đổng) thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, một cảnh tượng hãi hùng đã xảy ra, làm các phương tiện đang lưu thông trên đoạn đường này được một phen đứng tim.

Chiếc xe ôtô 4 chỗ mang BKS 30K-5841 chạy lấn hoàn toàn sang bên kia đường khiến chiếc xe tải đi ngược chiều hốt hoảng tránh. Chiếc xe tải vì cố tránh chiếc xe con đang cố lao vào mình nên bị rê đi xa và đổ nghiêng.

Chiếc xe con mất lái cũng bị đổ theo, nhưng rất may cả 4 người trên đó chỉ bị thương nhẹ, lái xe tải cũng chỉ bị xây xát. Nhưng đây là bài học mà bất cứ lái xe nào cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành: đó là không được uống rượu, bia trong khi lái xe. Tài xế của chiếc ôtô 4 chỗ trên lái xe trong tình trạng say rượu và ngủ gật.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, việc giải quyết vụ tai nạn vẫn chưa xong, cán bộ chỉ huy và cán bộ khám nghiệm hiện trường vẫn còn lăn lộn dưới địa bàn. Trung tá Nguyễn Văn Long, Đội phó Đội CSGT Công an huyện Gia Lâm cho biết, QL1B đoạn gần cầu Phù Đổng là một trong 7 điểm đen về TNGT trên địa bàn huyện. Đây là con đường khá đẹp, thoáng, nhưng tại sao lại thường xuyên gây ra các vụ TNGT?

Theo ông Long, mỗi năm tại điểm đen này xảy ra hàng chục vụ TNGT gây chết người và bị thương. Đặc biệt xảy ra từ km156+200, ở đây có lối mở rẽ về làng Phù Đổng, lối rẽ này chỉ vừa một ôtô, người trong làng ra, người giao thông ở đường 1B vào, do thiếu chú ý quan sát, đi tốc độ cao thế là gây nên tai nạn.

Qua phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT ở 7 điểm đen trên, một thống kê giật mình là hầu hết lái xe khi tham gia giao thông đều uống rượu, bia trong khi lái xe đã phóng nhanh, vượt ẩu, thiếu quan sát nên gây tai nạn. Có những vụ, khi tỉnh rượu, lái xe cũng không nhớ được hành động trước đó của mình đã gây nguy hiểm và cản trở cho lực lượng thi hành nhiệm vụ lớn đến thế nào.

Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 5/11, tài xế Hoàng Lê Văn, ở phường Phú Sơn, TP Thanh Hoá, lái thuê cho chủ xe tải 30H-8863, mặc dù đã có hiệu lệnh cấm vượt của CSGT nhưng tài xế này vẫn cho xe phóng bạt mạng, buộc CSGT phải dùng xe máy đuổi theo. Đến trạm soát vé tài xế cho xe dừng, nhưng lại chắn một làn kiểm soát vé, gây ách tắc giao thông.

Khi CSGT yêu cầu tài xế xuống xe, xuất trình giấy tờ nhưng tài xế này không thực hiện, đóng chặt cửa xe không thèm để ý, buộc CSGT phải gọi lực lượng CS113 đến hỗ trợ, nhưng tài xế vẫn không chấp hành, vẫn đỗ xe chắn đường đi. Cuối cùng buộc CSGT phải gọi xe cứu hộ đến kéo chiếc xe tải này về...

Hai điểm đen thường xảy ra TNGT là đường Hà Huy Tập và phía Bắc cầu Đuống, trong đó không ít lái xe gây tai nạn khi khám nghiệm hiện trường còn nồng nặc mùi rượu. Đoạn đường phía Bắc cầu Đuống do không có làn đường, các phương tiện khó đi lại, chính vì thế nơi đây thường xuyên xảy ra các vụ va chạm giao thông.

Có những điểm đen mà không ngày nào không xảy ra ùn tắc và va chạm giao thông như QL5 đến đường dẫn cầu Thanh Trì; ngã tư Trâu Quỳ. Điều vô lý diễn ra đã lâu là tại ngã tư Trâu Quỳ, tại đây đã lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu xanh - đỏ, nhưng đèn lại không hoạt động. Vào giờ cao điểm, giao thông ở đây trở lên hỗn độn do mạnh ai nấy đi. Kẻ ngược chiều, người xuôi chiều va vào nhau, gây vài chục vụ TNGT mỗi năm. 

Cần nâng cao chế tài xử phạt

Khó khăn mà Đội CSGT Công an huyện Gia Lâm phải đối mặt đó là toàn huyện có gần 300km đường giao thông đường bộ; 60 trường học, trong đó có 8 trường đại học, cao đẳng, THPT… nằm tiếp giáp với quốc lộ; 12 chợ tiếp giáp với đường giao thông; 3 tuyến đường sắt với 14 điểm giao cắt với đường bộ; 1 điểm thường ùn tắc giao thông và 7 điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT…

Trong khi đó, ý thức của người tham gia giao thông còn kém, lái xe khách, xe buýt chạy ẩu, đỗ, dừng đón trả khách sai quy định. Nguy hiểm hơn, những ngày lễ, ngày Tết, xe khách chở quá tải, sợ bị kiểm tra chạy bạt mạng, nép vào những xe container để trốn CSGT và thường gây ra tai nạn. 

Địa bàn rộng, nhiều tuyến giao thông trọng điểm, nhưng biên chế của Đội CSGT CA huyện chỉ có 33 cán bộ, chiến sĩ, tổ khám nghiệm hiện trường tai nạn có 8 đồng chí, đều chưa học qua trường lớp nào về khám nghiệm, chủ yếu là do kinh nghiệm của người đi trước dạy người sau.

Chỉ cho chúng tôi những phương tiện còn hết sức sơ sài, Trung tá Long cho biết: "Phương tiện của CSGT ngoài chiếc gậy nhựa chẳng còn gì, nhỡ gặp phải đối tượng chống đối lại thì nguy hiểm".

Thật đáng buồn là trong việc giải quyết các vụ TNGT, lỗi do người điều khiển uống rượu hầu như không xử lý được. Theo Trung tá Long thì cả Đội CSGT không có thiết bị thử rượu bia, thậm chí có vụ TNGT xảy ra, đưa người gây tai nạn vào Trung tâm Y tế của huyện để thử rượu nhưng cũng không có thiết bị.

Nhiều vụ TNGT khi cán bộ đến bệnh viện để khám nghiệm tử thi thì bệnh viện đã cho nạn nhân chuyển về quê… Sự phối hợp giữa bệnh viện với CSGT làm nhiệm vụ hầu như không có, vì thế nhiều vụ không thể mổ tử thi xem có phải nguyên nhân tai nạn là do rượu hay không.

Bên những bộn bề khó khăn, thiếu thốn, nhưng cán bộ Đội CSGT Công an huyện Gia Lâm vẫn đảm bảo giữ vững TTATGT, năm 2008 Đội đã kiểm tra lập biên bản, xử lý 8.222 trường hợp vi phạm TTATGT, tước giấy phép lái xe 133 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 1,4 tỷ đồng. Hai trong số các điểm đen đã tạm xoá là ngã ba Kiên Thành và km10 cầu vượt Phú Thụy.

Cũng theo Trung tá Long thì chế tài xử phạt hiện vẫn còn bất cập, có những lỗi phải xử lý nhưng lại không bị xử phạt như "chuyển hướng để xảy ra tai nạn", hoặc có những lỗi rất nhỏ lại xử phạt nặng như "thiếu chú ý quan sát" bị phạt 2 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 90 ngày.

Đặc biệt đối với quy định "không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra tai nạn", nhưng văn bản của Bộ GTVT chỉ quy định khoảng cách an toàn trên đường cao tốc, còn các loại đường trong thành phố không có, khiến việc áp dụng xử lý của CSGT là rất khó...

Trong suốt những ngày mưa lũ, cùng với Công an huyện, Đội CSGT đã ứng trực 100% quân số tại những địa bàn trọng điểm, đặc biệt phối hợp với Đội CSGT số 5 phân luồng, giải toả ách tắc kéo dài tại QL 5 và đường dẫn lên cầu Thanh Trì.

Tại những nút giao thông là điểm đen, trong những ngày mưa lũ, do đường trơn, phương tiện qua lại đông, lực lượng ứng trực đều rất vất vả để đảm bảo an toàn giao thông được thông suốt.

Để giải quyết những "điểm đen" này, lực lượng CSGT rất cần sự vào cuộc tích cực của người tham gia giao thông, của các ngành, các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, giáo dục Luật giao thông. Thiết nghĩ, để kiềm chế TNGT, cơ quan chức năng cần nghiên cứu nâng mức phạt đối với các lỗi thường gây ra TNGT như vượt sai quy định, chuyển hướng, chuyển làn sai quy định

An Bình - Trần Hằng
.
.
.