Xây dựng công trình nước sạch tiền tỷ nhưng dân vẫn... "khát"

Thứ Bảy, 29/08/2009, 11:30
Làng quê lúa Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình được đầu tư xây dựng một công trình nước sạch 1 tỷ, công suất 257m3/ngày, cung cấp nước cho 4.276 người dân, hoàn thành năm 2003. Song từ đó đến nay công trình nước sạch này không thể vận hành được, người dân đang hàng ngày gồng mình chống việc thiếu nước sinh hoạt.

Trong cái “nắng tháng tám rám lá bưởi”, theo phản ánh của người dân về sự khốn khó thiếu nước sinh hoạt, chúng tôi tìm đến nhiều vùng quê của Quảng Bình. Tại nhiều nơi, trời đã về chiều, song hàng trăm người dân nơi đây vẫn xếp hàng hì hục mang, vác, chở từng can đựng nước sinh hoạt về dùng. Chiếc vòi nước lúc chảy, lúc không như góp phần đốt lửa trong lòng người...

Tôi về thôn 6 và 7, xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch khi trời đã ngả chiều, có chứng kiến cảnh người dân vật lộn với việc thiếu nước sinh hoạt mới thực sự cảm thông với họ. Hàng ngày nhà nào cũng cắt cử người thức dậy khi trời còn lờ mờ sáng để đi sắp hàng lấy nước sinh hoạt về dùng. Nhiều người dân phải xếp hàng từ 10-15 phút, thậm chí có người chờ đến gần cả tiếng mới lấy được gần 20 lít nước về dè sẻn dùng trong ngày.

Chị Hoàng Thị Lĩnh nhà có 6 nhân khẩu nhìn vòi nước ngao ngán: "Mùa mưa nước từ cái ống ni còn chảy về nhiều chứ mùa hè nước về yếu lắm. Mấy hôm ni bình quân mỗi ngày nhà tui hứng được chừng 30 lít nước nhưng phải đứng chờ gần ba chục phút. Có hôm vòi nước tắc, người trong thôn ra lấy nước đông, tui phải chờ cả tiếng đồng hồ mới lấy được hai can nước 40 lít".

Hàng ngày người dân Quảng Bình vẫn phải tìm kiếm từng lít nước về sinh hoạt.

Việc người dân nơi đây xô xát nhau chỉ vì tranh nhau lấy nước sinh hoạt cũng đã từng xảy ra. Anh Nguyễn Như Trung làm nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống, hàng ngày anh phải bỏ tiền đi mua nước. Anh Trung cho biết: Mỗi tháng gia đình anh chi hơn 600 ngàn đồng để mua nước, cứ hai ngày lại phải mua nước một lần rồi thuê xe chở về.

Ông Cao Thế Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch cười buồn: "Tại thôn 6 và 7 có 160 hộ, 1.208 nhân khẩu, Trung tâm Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình (Trung tâm Nước SH-VSMTNT Quảng Bình) đã đầu tư xây dựng một công trình nước sạch, trị giá khoảng 400 triệu cho người dân nơi đây. Công trình này mới vận hành khoảng 1 năm thì đã phải bỏ hoang hơn 7 năm nay".

Rời Xuân Trạch, chúng tôi về làng quê lúa Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, người dân vùng rốn lũ nơi đây vẫn đang hàng ngày gồng mình chống việc thiếu nước sinh hoạt. Tại địa phương này cũng được đầu tư xây dựng một công trình nước sạch 1 tỷ, công suất 257m3/ngày, cung cấp nước cho 4.276 người dân, hoàn thành năm 2003. Song từ đó đến nay công trình nước sạch này không thể vận hành được. Tại xã An Thủy, hệ thống bơm nước dẫn được đầu tư 450 triệu, công suất 250m3/ngày đến nay cũng nằm đắp chiếu. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong tổng số 23 công trình do Trung tâm Nước SH-VSMTNT Quảng Bình làm chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn 15,615 tỷ đồng, sau khi đưa vào sử dụng thì 9 công trình hiệu quả thấp, rất thấp và 7 công trình không hoạt động, bị bỏ hoang. Tài liệu thống kê cho thấy, 20.000 người được sử dụng nước từ các công trình cấp nước, trong khi đó nhiệm vụ thiết kế là 70.000 người, như vậy chỉ đạt 28% tổng công suất thiết kế.

Ngày 5/7/2006, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình có Văn bản số 71/BC-TTHĐ báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình, nêu rõ: "Đối với các công trình, dự án cấp nước sinh hoạt do Trung tâm Nước sạch sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư, qua kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra liên ngành xét thấy sai phạm lớn, hiệu quả đầu tư quá thấp, đề nghị UBND tỉnh tổ chức thanh tra toàn diện để xử lý các sai phạm một cách nghiêm túc"...

Thế nhưng, đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình cũng chỉ được UBND tỉnh kiểm tra qua loa và xử lý không đến nơi, đến chốn

Dương Sông Lam
.
.
.