Xây dựng công trình ngầm ở Hà Nội: "Đóng" kiểu gì sau ngày 30/7

Thứ Tư, 21/04/2010, 18:32
Điệp khúc đào lên, lấp lại khiến vỉa hè, lòng đường ở Thủ đô Hà Nội luôn trong tình trạng nham nhở là nỗi ngao ngán của nhiều người dân Thủ đô. Để chấm dứt hiện trạng này, ngày 27/3/2009, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định 56/QĐ-UB ban hành quy định quản lý xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo các đường dây đi nổi.

Hà Nội hiện đang trong giai đoạn nước rút trong việc thực hiện giai đoạn đầu của việc làm sạch "lưới trời". Tuy nhiên, quá trình thi công đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự, vệ sinh đô thị.

Những ngày này đi đến đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh thi công hoặc hậu trường các cuộc thi công ở vỉa hè, lòng đường, vườn hoa, công viên. Không hề ví von khi nói, Hà Nội hiện giống như một đại công trường. Lát lại vỉa hè, sửa sang vườn hoa, công viên... là những hạng mục thuộc phần việc chỉnh trang đô thị nhằm chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Đã có nhiều ý kiến xung quanh việc ồ ạt thực hiện một số hạng mục chỉnh trang không cần thiết như lát lại vỉa hè, sơn quét mặt tiền khu phố cổ... Bên cạnh đó, việc thi công công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị cũng đồng loạt được triển khai. Điều này đã tạo nên "khí thế" cho việc nâng cấp hệ thống hạ tầng đô thị, song cũng lộ rõ sự thiếu đồng bộ cũng như phiền toái do việc này gây ra.

Thi công công trình ngầm buộc phải đào vỉa hè hoặc lòng đường, chính vì thế chủ đầu tư phải xin phép Sở GTVT. Việc xây dựng chỉ được thực hiện vào buổi tối và trước 5h sáng phải hoàn trả mặt đường. Thế nhưng, khi đi dọc các con phố đã và đang thi công công trình ngầm, chúng tôi nhận thấy việc làm này rất qua quýt.

Ngay như phố Bà Triệu, nơi đã hoàn tất phần xây dựng hạ tầng ngầm thì những dấu tích vẫn hiển hiện ở lòng đường. Bằng chứng là hai vết rạch cách nhau chừng 40cm chạy song song vẫn hiện hữu, phần ở giữa lõm xuống. Con đường vốn được trải nhựa bóng láng, phẳng phiu ngày nào bỗng dưng bị sẹo lõm rất xấu xí.

Hay như trên phố Lý Thường Kiệt, dẫu rằng vỉa hè đã được lát lại nhưng sự thiếu cẩn trọng khiến cho nó trở nên mấp mô. Trước đó, khi tuyến phố này đang thi công hạ ngầm, chúng tôi đã ghi lại hình ảnh phế thải xây dựng để bừa bãi. Trước tình trạng này, Xí nghiệp Môi trường số 2 đã cho công nhân và xe chuyên dụng đến chở đi.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc cho biết, tình trạng người làm, người dọn như vậy xảy ra rất phổ biến. Lẽ ra đây là phần việc của đơn vị hoàn trả mặt bằng nhưng họ đã không làm hết trách nhiệm. Còn tại những tuyến phố đang thi công thì tình trạng đáng buồn hơn rất nhiều. Vật liệu ngổn ngang, đất cát, gạch vứt bừa bãi...

Sau khi thực hiện công trình ngầm, đường phố Hà Nội vẫn mất mỹ quan.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong giai đoạn 1 (2009 - 2010), có hơn 20 tuyến phố, trục đường phố được xây dựng hạ tầng ngầm. Tham gia thực hiện có các đơn vị, Sở Xây dựng, Sở GTVT, Ban quản lý hạ tầng Tả ngạn, UBND các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Gia Lâm.

Theo ông Trần Trọng Hiếu, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Sở Xây dựng Hà Nội, ngày 30/7 là hạn cuối cùng, nếu đơn vị nào đang thi công dang dở sẽ đóng lại, sau ngày 10/10 mới làm tiếp. Đây là việc làm cần thiết để không làm ảnh hưởng đến việc chỉnh trang đô thị dịp chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Khi chúng tôi nêu vấn đề, việc  hoàn trả mặt đường, vỉa hè của một số đơn vị thi công công trình ngầm chưa đảm bảo, gây mất mỹ quan, an toàn cho người dân, ông Hiếu cho biết, việc này do đơn vị hoàn trả mặt bằng chuyên ngành Giao thông thực hiện. Cũng theo ông Hiếu, tới đây sẽ có dự án cải tạo, duy tu toàn bộ mặt đường. Việc này sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng gồ ghề, lồi lõm như hiện nay.

Trả lời câu hỏi, sau khi hoàn tất hệ thống ngầm kỹ thuật, liệu có hoàn toàn loại trừ được tình trạng đào đường, vỉa hè thì ông Hiếu khẳng định, việc này sẽ chấm dứt. Dự tính, sau khi thi công xong sẽ giao cho các bên liên quan như điện lực, viễn thông hạ ngầm đường dây. Mặt khác, sẽ giao cho đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, sửa chữa là Công ty Thoát nước Hà Nội. Đây là điểm mới trong công tác quản lý hạ tầng ngầm đô thị so với trước đây.

Trước khi việc thi công công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật hoàn tất, thiết nghĩ các chủ đầu tư, đơn vị liên quan phải làm tốt việc giám sát, hoàn trả mặt bằng, tránh để tình trạng gây mất vệ sinh, cản trở giao thông. Đặc biệt, việc hoàn trả mặt bằng cần được thực hiện tốt ngay từ khi đơn vị thi công hoàn thiện công trình ngầm, không nên để phát sinh thêm dự án cải tạo duy tu mặt đường, vừa tránh lãng phí, vừa tránh làm mất mỹ quan đường phố.

Các tuyến phố đã và đang xây dựng công trình hạ ngầm kỹ thuật

Đinh Tiên Hoàng - Lê Thái Tổ; Kim Mã - Nguyễn Thái Học; Điện Biên; Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng; Vạn Phúc - Vạn Bảo; Nghi Tàm - Âu Cơ; Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn; Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung; Quang Trung - Ba La Bông Đỏ; Lê Duẩn - Giải Phóng - Bắc Linh Đàm; Phạm Văn Đồng - Phạm Hùng; Lý Thường Kiệt - Khâm Thiên; Tràng Tiền - Hàng Khay - Tràng Thi; Trần Hưng Đạo; Nguyễn Hữu Huân - Lý Thái Tổ; Hàng Trống; Hàng Bài - Phố Huế; Bạch Mai; Phan Đình Phùng; Quán Thánh...

PV

Hồng Hà
.
.
.