Xã hội hóa giáo dục không đáp ứng nhu cầu

Thứ Hai, 04/07/2011, 11:28
Nghị quyết 05 về xã hội hóa giáo dục quy định Hà Nội chỉ có 20% trường công lập, 80% trường ngoài công lập. Nhưng hiện nay Hà Nội đang có tới 80% trường công lập và năm nào cũng xây mới từ 15 - 20 trường. Vậy thì tại sao lại xảy ra tình trạng chen nhau giành suất học vào mùa tuyển sinh? Quỹ đất dành cho trường học vẫn chưa được ưu tiên theo mục tiêu: "dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em".

>>Thiếu trường hay biết "bệnh" mà không chữa?

Phố cổ, phố cũ: lớp học vẫn nương nhờ cửa phật

Chúng tôi đến Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hoàn Kiếm vào ngày đầu tuyển sinh và thấy không khí diễn ra khá trật tự. Trường Tiểu học Võ Thị Sáu có hai cơ sở, trong đó một cơ sở học dưới mái chùa Hàm Long, trên đường Hàm Long.

Bà Dương Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Cơ sở II học trong chùa Hàm Long. Vào ngày rằm, mùng 1, học sinh phải nghe tiếng gõ mõ, tụng kinh, rồi người ra vào lễ chùa, thắp hương. Ở đây mỗi khi chào cờ, học sinh và giáo viên cũng phải ra tận đường Bà Triệu vì không có chỗ...".

Quận Hai Bà Trưng là một trong 4 quận nội thành ở Hà Nội nhưng vẫn còn tình trạng trường phải học chung, học ghép. Có nơi, hai phường nhưng chỉ có một trường tiểu học hoặc THCS. Quận Tây Hồ hiện có 3 phường có trường học ngoài đê là Nhật Tân, Tứ Liên và Yên Phụ. Phường Tứ Liên là điểm "nóng" nhất của quân Tây Hồ khi ở đây còn cả 3 cấp học (mầm non, tiểu học và THCS) là học ngoài đê. Trong đó, Trường THCS Tứ Liên có 4 phòng học cấp 4 phải nương nhờ cửa đình Tứ Liên.

Theo bà Lê Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thì tuy ở ngoài đê, nhưng trường mầm non công lập vẫn chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của trẻ đến trường. Nguyên nhân dẫn đến khu phố cổ, phố cũ thiếu trường là do quỹ đất hạn hẹp.

Hà Nội đang xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường học, trong đó có nhắc tới vấn đề khi di dời các cơ sở ô nhiễm thì ưu tiên số một là dành đất để xây trường. Tuy nhiên, nhiều khi có một nhà máy xí nghiệp nào di dời ra khỏi bốn quận nội thành thì sự ưu tiên lại dành cho một dự án khách sạn hoặc chung cư cao tầng chứ không phải là trường học...  

Học sinh Trường THCS Tứ Liên vẫn phải học nhờ trong đình Tứ Liên.

Thiếu trường công lập ở khu đô thị, khu tái định cư

Theo quy hoạch, ít nhất mỗi khu đô thị, khu dân cư phải có một trường mầm non, tiểu học, THCS công lập, ngoài ra còn phát triển các trường dân lập, tư thục. Tuy vậy, thực tế cho thấy những khu đô thị thì mọc lên trước, trường học chạy theo sau. Mà hầu hết các trường học trong khu đô thị đều là trường dân lập.

Trường dân lập dù cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo tốt thì với mức học phí từ 2-2,5 triệu đồng/tháng trở lên (chưa kể phụ phí) khiến con em viên chức và những người có thu nhập trung bình không thể tiếp cận. Số học sinh trong các khu đô thị đó buộc phải tìm đến các trường của địa phương lân cận, với mức học phí vừa phải của trường công lập. Tuy nhiên, không phải địa phương lân cận nào cũng có thể tiếp nhận học sinh của các khu đô thị mới.

Ví như các xã Mễ Trì, Mễ Đình của huyện Từ Liêm là nơi được đầu tư tốt về cơ sở vật chất trường học. Nhưng trường mầm non, tiểu học của xã cũng quá tải bởi dân số cơ học tăng nhanh, không đủ chỗ "giúp đỡ" học sinh các khu đô thị mới liền kề.

Theo báo cáo của Thành ủy Hà Nội đầu năm 2010, qua kiểm tra 7 khu đô thị thì có tới 2 khu đô thị "trắng" trường học là Khu đô thị Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh và Khu đô thị Đặng Xá. Khu đô thị Pháp Vân đưa vào sử dụng đã hơn 4 năm thì đến nay mới xây dựng trường học...

Phải nâng cao xã hội hoá giáo dục

Nếu xây hết các trường mầm non công lập để đáp ứng đủ nhu cầu đến trường của trẻ thì kinh phí, ngân sách nuôi giáo dục sẽ rất khó khăn, không có sự tái đầu tư và nó đi ngược lại với chủ trương xã hội hoá giáo dục của Nhà nước. Còn không xây thì trong vài năm tới Hà Nội vẫn phải đối mặt với sự quá tải, chen chúc trong mỗi mùa tuyển sinh. 

Cơ sở 2 của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu học trong chùa Hàm Long.

Giải pháp cho tình trạng quá tải trường mầm non được Hà Nội đưa ra đầu tiên là ưu tiên trẻ 5 tuổi, đảm bảo 100% trẻ 5 tuổi đều được đến trường. Đối với nhóm trẻ 3, 4 tuổi phải chịu sự phân tuyến. Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Sở liên tục kiểm tra các trường công lập và dân lập, đảm bảo chủ trương 3 công khai, 4 kiểm tra.

Theo số liệu mới nhất, trong 10 năm (1999-2009), dân số Hà Nội tăng thêm 1.204.000 người, bình quân mỗi năm tăng 120.000 người đã tạo sức ép lớn cho hạ tầng xã hội. Trong khi đó, tốc độ xây dựng trường học dù đã đẩy mạnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ở một số khu vực, hoặc nguyện vọng xin đất xây trường không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Để có được mô hình "trường ra trường, lớp ra lớp", phải có một chủ trương quyết liệt giảm tải ít nhất là trong bốn quận nội thành Hà Nội. Chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục của Nhà nước cần phải được thực hiện nghiêm túc, điều đó đòi hỏi Hà Nội vừa phải ưu tiên và khuyến khích phát triển chủ trương này, vừa phải xây dựng phương án quản lý chất lượng dạy và học để tạo niềm tin cho phụ huynh, học sinh.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần phải thắt chặt công tác hậu kiểm ở các dự án xây dựng khu đô thị mới. Nếu nơi nào không xây dựng trường học song song với xây dựng khu đô thị thì phải xử lý nghiêm minh.

Theo UBND quận Tây Hồ thì sau khi thực hiện dự án thoát lũ, quận sẽ thu hồi đất để lập dự án xây dựng Trường Tiểu học Tứ Liên nhằm "xoá" cảnh học sinh phải học nhờ nơi cửa đình. Trong năm 2011, quận Tây Hồ sẽ tiếp tục xây Trường THCS An Dương ra hồ Đồng Tâm; mở rộng Trường Tiểu học An Dương; thu hồi đất của Đoàn xe 204 để cải tạo, mở rộng Trường Mầm non An Dương; đã xây dựng xong Trường Mầm non và THCS Nhật Tân ở trong đê và tiếp tục xây dựng Trường Tiểu học Nhật Tân (ở ngoài đê) thành trường chuẩn quốc gia.

Việt Hà - Nhật Minh
.
.
.