Hậu mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2013:

Vui buồn phía sau những bài thi bị điểm “liệt”

Thứ Năm, 15/08/2013, 08:33
Kỳ thi ĐH-CĐ 2013 đã qua, bây giờ là lúc các thí sinh (TS) và phụ huynh nhìn lại kết quả của 12 năm đèn sách. Đặc biệt ở những bài thi bị điểm 0, bởi phía sau nó là cả những câu chuyện vui có, buồn có và hài hước nữa. Nhưng điều đáng báo động đó là cần nhìn nhận thật nghiêm túc trong công tác giảng dạy của nhà trường, nhất là kỹ năng, ý thức của TS trong ôn thi.

Trong số những bài thi môn Văn khối D1 của một trường ĐH TP HCM, cán bộ chấm thi tức cười khi tiếp nhận một bài của TS vỏn vẹn có 6 chữ: “Thầy ơi! Em không biết làm!”. Ngược lại người chấm cũng mỏi cả mắt khi phải căng đầu “kiếm điểm” cho một bài thi Văn viết kín 24 mặt giấy mà cũng chỉ dám cho điểm dưới 5. Với câu hỏi “mở” trong các đề thi môn nghị luận năm nay tạo điều kiện cho nhiều TS “phóng bút”, tha hồ bay bướm trình bày quan điểm. Song cũng vì thế xuất hiện rất nhiều bài thi có số trang viết kỷ lục. Song như nhiều giáo viên chấm thi chia sẻ: “Có bài viết kín 10 mặt giấy thi nhưng đề cập toàn chuyện đâu đâu, nên dù “lọc” rất kỹ cũng không lấy được điểm nào cho TS”.

Thống kê trong bảng điểm của nhiều trường ĐH phía Nam năm nay, có tới hàng ngàn điểm 0, điểm 1 xuất hiện trong các môn thi. Đơn cử tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM có 200 bài thi môn Toán các khối điểm 0; ĐH Hàng hải với 184 điểm 0 môn Toán.

Tại ĐH Y Cần Thơ, thống kê có tới 191 bài thi 0 điểm Toán; ĐH Y Cần Thơ có 30 TS 0 môn Văn. Tại ĐH Luật TP HCM, môn Địa (khối C) có tới 175 TS 1 điểm. Còn môn Sử có tới 45 TS 0 điểm và 146 TS 1 điểm; có 4 TS bị 0 điểm môn Văn và khối D trường này có tới 324 TS 1 điểm Văn. Trong tổng số trên 8.000 TS dự thi trường này, chỉ có 300 TS đạt 5 điểm Văn trong tổng số 3.121 TS thi khối C; có 4 TS cao nhất (8 điểm) môn này và 51 TS khác đạt 7 điểm Văn…

Thí sinh dự thi vào ĐH Sài Gòn mùa thi 2013 tại TP HCM.

Khi đưa câu hỏi việc đào tạo và thi cử hiện nay cho HS phổ thông có vấn đề gì không qua những bài thi điểm 0 trên, cô Hoàng Thị Lê (THPT Nguyễn Huệ, quận 9), là người trực tiếp chấm thi môn Địa khối C cho Học viện Hành chính Quốc gia TP HCM và ĐH Cảnh sát TP HCM cho biết, trong 2 ngày đầu chấm thi năm nay, ghi nhận có khá nhiều điểm cao (7 và 8) môn Địa, điểm 3 - 4 không nhiều nhưng sang ngày thứ 3 bắt đầu xuất hiện nhiều điểm thấp một cách đáng ngại. Trong đó cách trình bày, thể hiện từ dàn ý cũng như cách sắp xếp trình bày của TS thể hiện thiếu khoa học. Yêu cầu của môn Địa là phải nắm kiến thức trong sách giáo khoa, yêu cầu đáp án chuẩn theo sách. TS mất điểm do trình bày lan man bên ngoài kiến thức được dạy tại phổ thông.

Một giáo viên chấm thi môn Sử ĐH năm nay cũng cho biết: Đề năm nay được đánh giá là dễ nhưng nhiều TS làm bài lạc đề. Cách chấm thi tốt nghiệp cũng như ĐH đều là lấy điểm cho TS sau khi thống nhất điểm giữa 2 cán bộ chấm thi. Khớp kết quả người chấm chính, chấm phụ mới cho điểm cho TS. Không để các em mất quyền lợi. Nhưng có rất nhiều bài sau đối chiếu cả 2 người chấm đều trùng kết quả 0 điểm.

Thể hiện sự nghiêm túc, chính xác ở công tác chấm thi nhưng cũng để lại cảm giác người chấm thi rất buồn về tình trạng học hành của một bộ phận TS hiện nay. Bởi bài thi đạt 0 hay 1 điểm đều cho thấy sự thiếu hụt kiến thức ở nhiều TS nhất là ở những TS có tổng điểm 3 môn không vượt quá điểm 3. Số này cũng không ít. Như vậy sẽ rơi vào các trường hợp TS “đuối” ở tất cả các môn học, khi tới thời điểm thi ĐH không còn lựa chọn nào khác phải chọn khối C. Hay nói cách khác là những TS này đi thi ĐH cho vui, cho “giống” bạn bè mà thôi. “Còn nếu đã có tổng điểm 3 môn đạt 3 - 4 điểm thì có thể kết luận TS ấy chẳng có gì trong đầu sau 12 năm học hành”, GV này cho biết thêm.

Lý giải nguyên nhân 0 điểm từ môn Lịch sử xuất hiện nhiều năm nay, theo cô Hồ Thị Minh Nguyệt, giáo viên Trung tâm luyện thi THPT Nguyễn Thượng Hiền TP HCM cho biết: Bộ GD&ĐT ủng hộ với cách ra đề mở vài năm nay là đúng. Nhưng đối với Lịch sử, phải trên cơ sở sự kiện lịch sử, rồi mới có phần nâng cao. Do đó nếu TS không chú ý điều này dễ rơi vào tình trạng viết lan man, mà quên trình bày sự kiện.

Còn hiện công tác giảng dạy môn này khối phổ thông đang phải “ôm” chương trình quá nặng, buộc phải chạy chương trình quá nhiều, người dạy Sử không có điều kiện đi sâu vào bản chất lịch sử trong từng giai đoạn cụ thể. Khiến học sinh (HS) chán nản vì mệt mỏi, còn cô giáo nhiều lúc “cháy” giáo án. Đây là vấn đề mấu chốt. Hậu quả của việc học Sử và dạy Sử thể hiện qua điểm thi đại học môn Sử vài năm nay luôn quá thấp.

Chương trình và phương pháp giảng dạy chưa phù hợp, cũng như môn Văn nhiều HS không chú trọng, học lệch. Thực tế trong bảng điểm nhiều trường sở dĩ có nhiều bài thi văn 1 hay 1,75 điểm, trong khi 2 môn (khối D1) của TS ở môn toán hay Anh văn đạt rất cao từ 8 tới 9 điểm. Nên có thể những TS này “ăn may” đủ điểm đậu ĐH nhưng điều này cũng rất đáng báo động về cách học thi của HS hiện nay. Phản ánh những “lỗ hổng” trong kiến thức của HS, nhìn nhận của HS về xã hội, về con người. Giữa giáo viên và HS chưa đồng cảm, thiếu sự gần gũi, cách truyền đạt khi trên lớp khiến HS không muốn học môn Văn.

Và còn rất nhiều lý do có thể đưa ra về việc xuất hiện tỉ lệ không nhỏ điểm 0 trong kỳ thi ĐH năm nay, trong đó có thực tế rất đáng quan tâm là cách dạy và học, sự hổng kiến thức trong học tập, chất lượng kỳ thi tốt nghiệp... Mức độ khó - dễ giữa kỳ thi ĐH và kỳ thi tốt nghiệp cách nhau một khoảng khá xa nhưng vẫn là trong chương trình phổ thông, đặc biệt với những TS có tổng điểm 3 môn thi không vượt quá 5 điểm, tương đương mỗi môn từ 1 tới hơn 1 điểm. Điều đó làm nhiều người phải đặt câu hỏi không hiểu sao những TS này vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp?

Huyền Nga
.
.
.