Vụ trộm tài liệu tại Cty cổ phần Đức Thái: Nhiều khả năng do tranh chấp quyền lợi liên quan

Thứ Năm, 17/12/2009, 16:55
Hiện vụ việc đang được điều tra, song một vấn đề đáng lưu ý đã hé mở. Đó là những tài liệu bị mất quan hệ trực tiếp đến các đối tác, đơn vị thành viên của công ty, ít nhiều liên quan tới những bất đồng về quan điểm, hạch toán thu chi, tranh chấp ranh giới...

Như Báo CAND đã đưa tin, vào tối 6/12/2009, kẻ gian đã đột nhập vào trụ sở Công ty cổ phần Đức Thái ở số 1/50B Lương Khánh Thiện, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng trộm cắp một số tài sản, trong đó có nhiều tài liệu về các dự án, công trình mà công ty này đang thực hiện trên nhiều địa bàn khác nhau.

Tài liệu bị mất nói lên điều gì?

Theo khai báo của lãnh đạo Công ty cổ phần Đức Thái, có 11 bộ hồ sơ chính kèm theo nhiều loại giấy tờ liên quan thuộc loại "tối mật" của doanh nghiệp được cất kỹ trong chiếc cặp khóa số đã bị kẻ đột nhập cạy phá lấy cắp. Trong đó phân thành 2 nhóm chính.

Nhóm giấy tờ liên quan đến các dự án tại Hải Phòng gồm: Quyết định thu hồi 71.000m2 đất thuộc phạm vi dự án Nhà máy Sản xuất vôi công nghiệp tại xã Lưu Kỳ, huyện Thủy Nguyên; Quyết định và Hợp đồng thuê đất của UBND TP với Công ty cổ phần Đức Thái về việc cho thuê 69.000m2 thời hạn trên 48 năm để triển khai dự án nhà máy sản xuất. Quyết định cho phép khai thác núi đá tại xã Liên Khê, Thủy Nguyên; các Quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường tại dự án Nhà máy sản xuất vôi và các mỏ khai thác đá...

Nhóm 2, gồm các loại giấy tờ thuộc khu mỏ khai thác quặng sắt thuộc tỉnh Hòa Bình và rất nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) của tất cả các công trình, nhà máy, khu mỏ và đất đai thuộc tài sản riêng của gia đình ông Lê Xuân Thủy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Thái. Ngoài ra, một số loại giấy tờ khác cũng bị trộm như: 2 bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng, giấy phép sử dụng con dấu, chứng nhận mã số thuế, tài khoản ngân hàng của Công ty cổ phần Đức Thái và các đơn vị, chi nhánh trực thuộc...

Bà Lê Thùy Linh, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đức Thái cho biết, Công ty có rất nhiều đơn vị, chi nhánh là thành viên, hoạt động theo mô hình "mẹ, con", trong đó có cả những đơn vị có pháp nhân độc lập, có con dấu, tài khoản riêng, có cả công ty liên doanh với nước ngoài. Nhưng tất cả đều phụ thuộc dưới sự điều hành của Công ty "mẹ", tức Công ty cổ phần Đức Thái.

Cũng theo bà Linh, những thứ giấy tờ tài liệu bị mất tuy rất quan trọng đối với công ty và các đơn vị thành viên. Bởi nó xác định chủ quyền, quyền hạn, giá trị vốn góp, tài sản cũng như nguyên tắc điều hành. Song lại không có giá trị sử dụng đối với tổ chức, cá nhân khác ngoài công ty. Điều này cho thấy, vụ trộm không nhằm gây thiệt hại về tài sản mà chỉ gây rối loạn, mất ổn định trong nội bộ. Có thể sau đó sẽ là những tranh chấp quyết liệt về quyền và lợi.

Nghi can là chủ thể các tranh chấp?

Tại khu vực Hải Phòng, cái gọi là tranh chấp với Công ty cổ phần Đức Thái chỉ là bất đồng về ranh giới nổ mìn tại khu vực xã Lưu Kỳ, huyện Thủy Nguyên, địa bàn triển khai dự án Nhà máy sản xuất vôi, công suất 200.000 tấn/năm hiện đã đầu tư thực tế trên 5 triệu USD, dự kiến đến tháng 6/2010 sẽ đưa vào khai thác. Tuy nhiên, lối vào Nhà máy vôi lại tiếp giáp với ranh giới nổ mìn khai thác đá của Chi nhánh Công ty TNHH Đầu tư khoáng sản Tân Phúc Thịnh (trụ sở chính tại Hà Nội).

Nguyên nhân xảy ra tranh chấp là do thực trạng hiện trường không đúng như bản đồ, mốc giới được bàn giao. Công ty Đức Thái không thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy ngay sát bên cạnh một... bãi mìn được. Mỗi một lần nổ mìn là tường đổ, móng rung, công nhân run sợ, xe cộ thi công không dám vào.

Mặt khác, nhiều vị trí đất thuộc phạm vi dự án của Công ty Đức Thái nhưng Chi nhánh Tân Phúc Thịnh đã và đang sử dụng không chịu bàn giao. Tuy nhiên, phía Chi nhánh Công ty Tân Phúc Thịnh cho rằng họ có cơ sở để nổ mìn tại Hải Phòng bằng "phương án nổ mìn" do Sở Công thương Hà Nội phê duyệt.

Về chỉ giới mặt bằng, Tân Phúc Thịnh là "người đến trước" vì đã đã ký hợp đồng với UBND xã Lưu Kỳ thuê mặt bằng khai thác đá trong thời hạn 5 năm nên xã bảo làm chỗ nào thì làm chỗ ấy, không cần phải biết đến bất kỳ dự án nào cả. Lúc đầu, mâu thuẫn chỉ là hiềm khích, lời qua tiếng lại giữa các nhóm công nhân của hai bên. Sau đó là va chạm, xô xát, nhiều công nhân của Công ty Đức Thái đã bị đánh trọng thương, phải cầu viện đến cơ quan Công an huyện giải quyết.

Tiếp đó, Công ty Đức Thái đã có văn bản kiến nghị lên các cấp, các ngành về việc nổ mìn khai thác đá của Chi nhánh Tân Phúc Thịnh đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản.

Hình ảnh kẻ đột nhập Công ty cổ phần Đức Thái do camera an ninh ghi lại được tối 6/12/2009.

Ngày 30/11/2009, sau kiểm tra thực tế, Sở Công thương Hải Phòng đã có Thông báo số 959/TB-CT nêu rõ chỉ giới nổ mìn của Công ty TNHH Đầu tư khoáng sản Tân Phúc Thịnh - Chi nhánh Hải Phòng chỉ cách công trình của Công ty Đức Thịnh 2,5m là vi phạm nguyên tắc an toàn đã được quy định rõ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia số 02-2008/BCT. Tại quy định này, khu vực nổ mìn phải đảm bảo khoảng cách 150m đối với người và 350m đối với công trình. Do đó, Sở Công thương yêu cầu Chi nhánh Tân Phúc Thịnh phải tạm dừng việc nổ mìn khai thác đá khu vực Cửa Hang kể từ ngày 1/12/2009. 

Tiếp đó, 3/12/2009, UBND TP Hải Phòng đã có CV số 7224/UBND-CN chỉ đạo tạm dừng các hoạt động xây dựng nhà máy vôi và khai thác đá của 2 đơn vị nêu để các ngành chức năng kiểm tra xem xét. Điều lạ là UBND xã Lưu Kỳ đã lấy lý do thực hiện CV số 7224, giao cho Công ty Tân Phúc Thịnh đào cuốc toàn bộ con đường với độ sâu trung bình 0,8m nhằm ngăn cản không cho phương tiện cơ giới đi vào Nhà máy Vôi.

Các thành viên trong HĐQT Công ty Đức Thái tự luận rằng, những gì căng thẳng, phức tạp nhất trong tranh chấp với Tân Phúc Thịnh đã diễn ra hết rồi, phần còn lại thuộc về phán quyết của UBND TP, không có khả năng họ là "chủ mưu" vụ mất trộm tài liệu.

Ở phương diện khác, năm 2006, Công ty cổ phần Đức Thái được UBND tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép khai thác mỏ quặng Tân Pheo thuộc huyện Đà Bắc với phạm vi 30ha, thời hạn 10 năm. Công ty đã thành lập Chi nhánh với pháp nhân độc lập để thực hiện nhiệm vụ khai thác quặng thô. Tuy nhiên, đến năm 2007, do Chính phủ có lệnh cấm xuất khẩu quặng thô nên Chi nhánh đã kêu gọi thêm đối tác khác ở Hà Nội tham gia đầu tư tiền chế quặng. Gần đây, Chi nhánh  tại Hòa Bình liên tục yêu cầu làm thủ tục tách hẳn ra khỏi Công ty Đức Thái.

Phía Công ty "mẹ" cũng đã đồng ý với chủ trương này, với điều kiện: Chi nhánh Công ty Đức Thái tại Hòa Bình phải hạch toán rõ ràng, đối chiếu sổ sách, chứng từ mọi khoản thu chi từ năm 2006 đến nay rồi mới làm thủ tục chia tách. Song, từ đó đến nay, Chi nhánh vẫn không được điều này. Trong khi đó, tất cả các chứng từ quan trọng nhất khu mỏ Tân Pheo được ông Lê Xuân Thủy, Chủ tịch HĐQT luôn cất giữ bên mình. Cho đến tối 6/12/2009, một phần trong số đó đã bị kẻ đột nhập biết chính xác nó nằm ở đâu để... lấy trộm.

Được biết, ngoài Công an phường Lương Khánh Thiện thụ lý ban đầu, Công ty cổ phần Đức Thái đã có đơn trình bày kiến nghị Công an quận Ngô Quyền, Công an thành phố Hải Phòng tiếp tục điều tra làm rõ thủ phạm và động cơ trộm cắp tài liệu

Lê Minh Triết
.
.
.