Vụ "cờ bạc triệu đô": Chuyển tiền ra nước ngoài qua hợp đồng kinh tế

Thứ Tư, 08/03/2006, 07:01

Phát hiện mới nhất cho thấy, trong vụ "cờ bạc triệu đô", người trực tiếp giao dịch với các trung tâm cá độ bóng đá quốc tế ở Hồng Kông, Ma Cao, Malaysia và một số nước châu Âu không phải là Bùi Quang Hưng mà là một số đối tượng khác và đây mới thực sự là những "ông trùm số 1" và việc chuyển tiền được thực hiện qua “kênh” khác.

Lâu nay, dư luận mặc nhiên coi Bùi Quang Hưng là "trùm cá độ" trực tiếp giao dịch với các trung tâm cờ bạc ở nước ngoài. Việc chuyển hàng triệu USD tiền cá cược từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại cũng được "gán" cho Hưng với đủ mọi suy luận: Dùng tài khoản, thẻ tín dụng, qua mạng Internet… Tuy nhiên, sự thực không phải thế: Bùi Quang Hưng chỉ là "trùm hạng hai", không trực tiếp giao dịch với nước ngoài.

Những kẻ nhận tiền cá cược của Bùi Quang Hưng là ai?

Trong đường dây cá độ này, Hưng chỉ là một "trùm" nội địa, không mấy tên tuổi với giới cá độ Hà Nội và TP HCM. Người chuyên nhận các đầu mối cá độ mà Hưng đưa đến ở Hà Nội gồm 2 đối tượng, một tên là T., một tên là H.; còn tại TP HCM là một "trùm" khác tên B. Ba ông trùm này mới là người quán xuyến toàn bộ các đường dây cá độ ở Việt Nam ra nước ngoài. Chúng trực tiếp liên lạc với các cá nhân người Việt đang sống ở các quốc gia châu Á và châu Âu để tham gia cá độ với trung tâm cá cược bóng đá quốc tế. Trước mỗi trận đấu, trung tâm cá cược ở nước ngoài này sẽ dành cho đường dây ở Việt Nam một số "cửa" nhất định, có giới hạn về mức tiền tham gia cũng như mức tiền thắng tối thiểu, tối đa để tránh tình trạng "nhiễu". Việc "điều tra" tài chính của các con bạc cá độ được các trung tâm này thực hiện rất nghiêm ngặt và không phải bất cứ giao dịch cờ bạc tiền tỷ nào cũng được chấp nhận nếu không có sự đảm bảo về mặt tài chính.

Tại các trận cá độ quốc tế này, Bùi Quang Hưng chỉ giữ vai trò là người "gom độ", ghi tên và gom tiền của các con bạc sau khi xong sẽ báo cho "trùm" T. ở Hà Nội hoặc "trùm" B. ở TP HCM để các trùm này liên lạc báo với trung tâm cá độ ở nước ngoài. Sau mỗi trận đấu, bất luận thắng hay thua, Hưng đều được những "trùm độ" này trích lại cho từ 5 - 15% số tiền thu được. Thường số tiền này Hưng tự động "cắt lại" cho mình, số còn lại đem chuyển cho các "trùm độ" trên mình để chuyển cho các trung tâm cá cược ở nước ngoài. Ngay khi biết tin Bùi Quang Hưng bị bắt, cả 3 trùm cá độ cỡ bự này đã bỏ trốn. Theo một nguồn tin thì hiện tại, CQĐT đã xác định được nơi ẩn náu của những trùm cá độ này.

Chuyển tiền cá độ bằng... hợp đồng kinh tế!

Nguồn tin nói trên cũng cho biết, ngay từ khi bắt Bùi Quang Hưng (ngày 13/12/2005), lệnh phong tỏa tất cả các tài khoản liên quan đến đối tượng này đều đã được CQĐT thực hiện. Kiểm tra sổ gốc ở các ngân hàng, điều khiến cơ quan chức năng ngạc nhiên là trùm độ này không chuyển một món tiền lớn nào qua tài khoản cả. Công tác điều tra để xác định Hưng chuyển tiền cá độ ra nước ngoài bằng cách nào đã được khẩn trương tiến hành nhưng CQĐT vẫn không phát hiện được. Điều kỳ lạ là những phương thức chuyển tiền qua ngân hàng, qua thẻ tín dụng... dù có vẻ hiện đại song không được những trùm cá độ ở đất Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng ưa dùng. Giới cá độ trong nước chơi với nhau trên cơ sở lấy chữ "tín" làm đầu, với những "con bạc" có vị trí trong xã hội như Bùi Tiến Dũng, Vũ Mạnh Tiên, Nguyễn Việt Bắc... thì chữ "tín" này còn liên quan đến cả công danh, sự nghiệp nên càng chắc chắn hơn.

Tuy vậy, mối quan hệ giữa các trùm cá độ Việt Nam như H., T., B. với nước ngoài thì ngược lại: Cần sự bảo đảm bằng tiền ở các tài khoản quốc tế mà các trung tâm cá độ quốc tế có thể kiểm soát được. Bởi vậy nên việc "báo độ" của các "trùm" T., H., B. với nước ngoài được thực hiện ngay sau đó, tiền "độ" sẽ được chuyển sau, nhưng điều chắc chắn cần phải có là cả 3 "trùm" này đều có tài khoản tại ngân hàng quốc tế, số dư đủ đảm bảo cho các khoản "cá" tại Việt Nam cho trận bóng ngày hôm đó. Vậy việc chuyển tiền giữa các "trùm" độ này với các trung tâm cá cược bóng đá nước ngoài được thực hiện ra sao? CQĐT đã dày công tìm hiểu và phát hiện được một hình thức cực kỳ tinh vi: Thông qua các hợp đồng kinh tế.

Sơ bộ về vấn đề này được biết, các trùm cá độ nói trên đã thông qua một số doanh nghiệp để ký hợp đồng "nhập khẩu thiết bị, máy móc, hàng hóa" với nước ngoài. Đối tác bên nước ngoài có thể là một doanh nghiệp "ma" cũng có thể là doanh nghiệp thật sự nhưng hợp đồng đã bị vô hiệu khi ký. Có thông tin còn cho biết, các trùm độ ở Việt Nam còn khôn ngoan hơn khi ký hợp đồng với chính các công ty do các trùm tài phiệt cờ bạc quốc tế lập nên ở nước ngoài để "rửa tiền"?! Từ các hợp đồng này, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để thanh toán nhằm "đảm bảo thực hiện hợp đồng" "hợp lệ", lọt qua an toàn các cửa kiểm soát ngoại tệ và không khiến bất cứ ai nghi ngờ. Việc nhập khẩu trở lại Việt Nam các loại máy móc, thiết bị... từ các hợp đồng này khó có thể kiểm soát được chặt chẽ, cụ thể, bởi các đối tượng đã có rất nhiều những mánh khóe để "lách" như thực nhập ít hơn, kê khai giá trị hàng nhập cao hơn nhiều lần so với thực tế... Thậm chí, đã có rất nhiều "hợp đồng" được ký kết chỉ để thỏa mãn mục đích "chuyển tiền" của các trùm cá độ. Hiện, việc xác minh các doanh nghiệp và các bản hợp đồng kinh tế nhằm chuyển tiền cá độ ra nước ngoài đang được tiếp tục

Nhóm PV Nghiệp vụ
.
.
.