Võ sư có tài cảm hóa

Thứ Hai, 01/11/2010, 15:30
Không có những trận đấu đài để đời, nhưng võ sư Kim Chiêu vẫn được cả làng võ Phú Yên nể trọng bởi sự mẫu mực về đạo đức và cách hành xử trượng nghĩa.

Vận vào nghiệp võ

Võ sư Kim Chiêu sinh năm 1949, năm nay đã bước sang tuổi 61. Ông nói: "Tên họ tui cái gì cũng vận vào nghiệp võ. Họ Võ, tên Chiêu là chiêu thức, đến chữ lót Kim tưởng không liên quan gì đến võ, vậy mà sau này được học với thầy Kim Sang, nên mới có võ danh là Kim Chiêu".

Võ sư học võ từ năm 12 tuổi với cha là Võ Dã - môn đệ của võ sư  Lý Quyết. Học với cha được vài năm, khát khao khám phá võ học, từ quê nhà Tuy Hòa, ông vào Nha Trang học thầy Lưu Kim Tân một thời gian rồi xin thọ giáo võ sư lừng danh Kim Sang. Trong số hàng trăm môn sinh, võ sư Kim Sang có ấn tượng khá đặc biệt với ông - cậu học trò ít nói, hiền lành nhưng chăm chỉ, làm việc gì cũng hết sức chu đáo. Trong thi đấu, cậu không bao giờ quá mạnh tay với đối thủ, bị dính đòn đau cũng không nổi nóng. Đặc biệt, cậu rất hay giúp đỡ người khác.

Võ sư Kim Sang nói với các môn sinh: "Có thể sau này trò Chiêu không có một sự nghiệp thi đấu thật lẫy lừng, nhưng võ đường Kim Sang có thể tin tưởng và tự hào về cậu". Thầy khen ông có tố chất của một huấn luyện viên và khuyên ông sau này cố gắng mở võ đường, phát triển rộng khắp võ cổ truyền. Cho đến giờ, câu đúc kết của thầy, mà cũng là sự gửi gắm đối với ông, vẫn còn văng vẳng: "Suy cho cùng, dạy võ chính là dạy làm người".

Võ sư Kim Chiêu (trái) với cú chỏ sở trường.

Gần chục năm học thầy Kim Sang, ông lĩnh hội được rất nhiều kiến thức võ học. Ông  có sở trường về đòn tay, đặc biệt là cú chỏ, tập luyện công phu.  Với cú chỏ lật, ông đã từng hạ võ sỹ Lê Anh - một tên tuổi của làng võ Sài Gòn trước 1975.

Nhớ lời thầy dặn, từ năm 1973, ông đã về quê mở võ đường, lấy tên là Kim Chiêu. Gián đoạn một thời gian, đến năm 1977, võ đường Kim Chiêu được khôi phục và trở thành một trong những võ đường tên tuổi, có uy tín ở tỉnh Phú Yên.

Dạy trò cá biệt nên người

Phải rất nhiều lần hỏi thăm, rẽ trái, rẽ phải, tôi mới tìm được võ đường Kim Chiêu. Đó là ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ trên một khuôn viên rộng, nằm khuất trong ngõ nhỏ cuối phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa. Hữu xạ tự nhiên hương, dù nằm khuất nẻo, nhưng võ đường của ông luôn tấp nập, không chỉ trong vùng, mà ở tận xã miền núi Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa hay ở huyện Tuy An, Đông Hòa… cũng có nhiều môn sinh lặn lội tìm tới thọ giáo thầy Kim Chiêu.

Gần 40 năm mở võ đường, ông không nhớ mình đã đào tạo được bao nhiêu môn sinh, nhưng con số phải lên đến hàng nghìn, trong đó có nhiều người thành danh, hiện là võ sư, huấn luyện viên như Kim Cảnh, Kim Hùng, Kim Dương, Kim Thi… Các bậc  cha,  mẹ gửi con tới võ đường Kim Chiêu, không chỉ để rèn luyện sức khỏe, mà quan trọng hơn là để thầy rèn giũa cho nên người.

Khác với không ít võ sư khác là ngại nhận những học trò "cá biệt", võ sư Kim Chiêu tin tưởng ở sự cảm hóa của võ đạo và của bản thân mình, vì thế, không chỉ sẵn sàng nhận dạy những học trò cá biệt, không ít trường hợp ông còn chủ động thuyết phục phụ huynh cho con tới võ đường Kim Chiêu.

Năm nay đã ngoài 30, từng 4 lần giành HCV Giải võ thuật cổ truyền tỉnh Phú Yên và hiện là HLV điểm tập võ cổ truyền xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, nhưng ít ai biết rằng Kim Dương từng là nỗi phiền muộn của gia đình và bất lực của nhà trường. Mấy năm thọ giáo với thầy Kim Chiêu, không những  trở nên ngoan hiền, Dương còn được thầy phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu võ thuật. Hay tin con được tham gia thi đấu và giành HCV Giải võ thuật cổ truyền tỉnh mà cha mẹ Dương không dám tin.

Cũng như Kim Dương, Kim Tình là học sinh cá biệt từ nhỏ, thích đánh nhau hơn học. Tình từng đánh bạn học là Nguyễn Ẩm thành thương tích. Võ sư Kim Chiêu đã đến tận nhà thuyết phục cha mẹ cho Tình đến học tại võ đường. Điều không ngờ là không những Tình đã trở nên tiến bộ mà còn trở thành bạn thân của Ẩm. Hiện Kim Tình đang vừa là nhân viên, vừa là HLV Đội bảo vệ Khu du lịch sinh thái Thuận Thảo.

Nhiệt tình công tác dân phố

Đã nhiều năm, võ sư Kim Chiêu là thành viên của tổ dân phố. Trước  đây, khu phố này xảy ra không ít vụ việc phức tạp, nổi cộm là tình trạng trộm cắp. Bà con  kể, một tối nọ, trong khi tuần tra, Kim Chiêu phát hiện hai thanh niên vừa thực hiện xong phi vụ trộm chó, đang phóng xe như bay. Lập tức, ông băng đường tắt chặn đầu và không khó khăn gì quật ngã bọn "cẩu tặc". Sau khi xin ý kiến của Công an, ông đã tha cho chúng và không quên những lời khuyên răn tận tình, chu đáo.

Một lần khác, đang đêm, nghe tiếng động, ông phát hiện kẻ gian đột nhập vào nhà lấy trộm bộ đồ thờ rất giá trị. Chỉ một thế võ đơn giản, ông đã khoá tay kẻ gian.  Sau khi tìm hiểu gia cảnh, ông khuyên răn kẻ trộm rồi tha cho hắn. Bà con trong khu phố nói: Cái đức của Kim Chiêu đã cảm hóa bọn trộm, nhờ thế không  cần phải tốn thật nhiều công sức  mà khu phố vẫn bình yên.

Võ sư Kim Chiêu nhiều khóa liền là UVBCH Hội Võ thuật cổ truyền Việt Nam tỉnh Phú Yên.

Võ sư Huỳnh Kim Hồng, Phó Chủ tịch Hội Võ thuật cổ truyền Việt Nam tỉnh Phú Yên cho biết: Vai trò của Kim Chiêu rất quan trọng, ông là nhân tố giữ gìn sự đoàn kết, hòa khí trong Hội. Có một câu chuyện mà giới võ thuật tỉnh Phú Yên vẫn thường nhắc. Đó là tại một lần tranh Giải vô địch võ thuật cổ truyền tỉnh, cay cú vì môn sinh bị thua, võ sư nọ chặn đường, định "thua đủ" với đối thủ. Võ sư Kim Chiêu đã phát hiện và kịp thời khuyên giải. Nể cái đức của Kim Chiêu, vị võ sư này đã "hạ nhiệt", vụ việc được giải quyết êm thấm

Phan Xuân Luật
.
.
.